Tương lai nào chờ đợi VNI?
Hoạt động kinh doanh bế tắc, nội bộ doanh nghiệp xuất hiện nhiều vấn đề khiến CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (UPCoM: VNI) đang rơi vào cảnh túng quẫn với những con số lỗ dai dẳng. Liệu có ánh sáng nào trên con đường phía trước của VNI?
Kinh doanh tụt dốc, thua lỗ triền miên
VNI tiền thân là Công ty TNHH Vinaland được thành lập năm 2003 và chính thức chuyển sang hình thức công ty cổ phần năm 2007 có vốn điều lệ là 72 tỷ đồng với 10 cổ đông sáng lập. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chính là kinh doanh bất động sản (trừ dịch vụ môi giới, định giá, sàn giao dịch BĐS), tư vấn đấu thầu, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế, dự toán và tổng dự toán công trình xây dựng, kiểm định chất lượng công trình xây dựng…
Thời đại hoàng kim nhất của Công ty chính là năm đầu tiên cổ phần hóa, các năm sau đó chỉ lãi “lẹt đẹt” và thua lỗ triền miên. Cụ thể, từ mức lãi ròng 9.3 tỷ đồng năm 2007 rớt xuống chỉ còn 830 triệu đồng trong năm 2008. Tại thời điểm lên sàn HOSE năm 2009, mức lợi nhuận ròng của VNI có cải thiện ở mức hơn 1.5 tỷ đồng và tăng nhẹ lên mức 1.8 tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2011, kết quả kinh doanh của VNI đi xuống rõ rệt khi chỉ mang về 75 triệu đồng lãi ròng, nguyên nhân đến từ giá vốn hàng bán tăng cao, đồng thời khoản lãi tiền gửi sụt giảm mạnh.
Vào tháng 4/2015, cổ phiếu VNI đã bị hủy niêm yết trên HOSE do bị lỗ liên tiếp trong 3 năm. Ba tháng sau đó, VNI đã được chấp thuận giao dịch lại trên sàn UPCoM.
|
Giai đoạn sau đó, tình hình kinh doanh của VNI trở nên xấu hơn khi doanh thu sụt giảm, các chi phí lãi vay, chi phí doanh nghiệp và khoản truy thu thuế “ngốn” hết lợi nhuận khiến VNI lỗ ròng trong 4 năm liên tiếp, cao điểm năm 2014 lỗ ròng tới 11.5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2015, lỗ lũy kế của VNI ở mức gần 25 tỷ đồng.
KQKD của VNI giai đoạn 2012-2015 (Đvt: triệu đồng)
|
Tình hình tài chính của VNI cũng có sự bất ổn. Đến cuối năm 2015, VNI có 278.5 tỷ đồng tổng tài sản, tuy nhiên chiếm 90% trong cơ cấu lại là phần tài sản dở dang dài hạn hơn 251 tỷ đồng, tập trung tại 2 dự án là Vinaland Tower (160 tỷ đồng) và dự án chợ Phước Long (hơn 91.4 tỷ đồng). Đồng thời, Công ty có hơn 13.6 tỷ đồng hàng tồn kho là thành phẩm bất động sản (2 lô đất nền khu quy hoạch dân cư ADC tại quận 7).
Mặt khác, đến hết năm 2015, VNI cũng đang gánh khoản nợ vay tài chính hơn 129 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn ở mức hơn 45.2 tỷ đồng gồm 28.5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) và 18.6 tỷ đồng vay cá nhân. Bên cạnh đó, VNI có 91.7 tỷ đồng vay nợ dài hạn từ các cá nhân, trong đó có 2 thành viên HĐQT là ông Trần Bình Long (gần 15.3 tỷ) và Trần Minh Hoàng (hơn 2.4 tỷ đồng).
Cổ đông lớn – Ban lãnh đạo không đồng thuận
Trong lúc hoạt động kinh doanh của Công ty đang lâm vào bế tắc thì nội bộ lại xuất hiện nhiều vấn đề. Dấu hiệu đầu tiên là VNI phải tạm hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 với lý do “người triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên không thể triệu tập họp HĐQT để quyết định các công việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên”. Và chỉ 5 ngày sau đó, VNI công bố thay đổi chứng nhận đăng ký kinh doanh với nội dung người giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật không còn là ông Trần Minh Hoàng mà do ông Trần Bình Long đảm nhiệm.
Ông Trần Minh Hoàng là một trong những cổ đông sáng lập của VNI, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ năm 2007. Đồng thời, ông Hoàng đang sở hữu 17.86% vốn của VNI, tại thời điểm 31/12/2015.
|
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 tổ chức vào tháng 12/2015, ông Trần Minh Hoàng xin rút tham dự với tư cách thành viên chủ tọa mà chỉ tham dự với tư cách cổ đông. Trong phần thảo luận, chính ông với tư cách cổ đông chất vấn chủ tọa về các vấn đề chính sách xử lý nợ vay với khách hàng chứng chỉ và khoản lỗ đột biến Công ty.
Kết thúc Đại hội, có 7/11 vấn đề được thông qua tuy nhiên, tỷ lệ đồng ý lại không thể hiện sự thống nhất (chỉ dao động từ 69.6% - 76.95%). 4 vấn đề không được thông qua bao gồm Báo cáo tài chính năm 2014, lựa chọn đơn vị kiểm toán, bầu thêm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2017 và việc sát nhập CTCP Đầu tư thương mại Dịch Vụ Phước Long vào VNI.
Xung đột trở nên rõ ràng hơn khi tháng 01/8/2016, HĐQT VNI đã quyết định bỏ trống vị trí thành viên HĐQT của ông Trần Minh Hoàng do không tham dự họp HĐQT liên tục trong vòng 6 tháng mà không có sự chấp thuận của HĐQT.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, vào tháng 9/2016, ban chủ tọa gồm ông Trần Bình Long và ông Hồ Đắc Hưng tiếp tục nhận những chất vấn liên tiếp từ cổ đông chính là những người từng gắn bó với Công ty như ông Trần Minh Hoàng, bà Hứa Huệ Tuyết (một trong những cổ đông sáng lập) và ông Nguyễn Minh Thái (rút khỏi HĐQT vào cuối tháng 8/2016).
Cũng tại Đại hội lần này, ông Trần Bình Long đã đề cập đến việc một vài cổ đông lớn cản trở và phá vỡ nỗ lực trả nợ cho VIB.
Theo danh sách tính tới thời điểm 31/12/2015, cổ đông lớn của VNI chỉ gồm 4 cái tên là Trần Minh Hoàng (17.76% vốn), ông Hồ Đắc Hưng (16.99% vốn), ông Trần Bình Long (9.51% vốn) và ông Phạm Kim Long (6.06% vốn).
Ngày 14/10, cùng với thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, HĐQT của VNI đã quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Phạm Kim Long từ ngày 14/10/2016.
Tương lai sẽ ra sao?
Trước tình thế khó khăn của Công ty, HĐQT đã hướng tới phương án chuyển nhượng 2 dự án dang dở là Vinaland Tower với giá chuyển nhượng trên 140 tỷ đồng và dự án chợ Phước Long với giá chuyển nhượng trên 250 tỷ đồng.
Dự án Vinaland mặc dù đã hoàn thành khâu thiết kế, thẩm định, nhưng Công ty không có nguồn tài chính đề thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và giải chấp tài sản tại VIB. Dự án chợ Phước Long thì do không thỏa thuận được đền bù nên VNI đang xin thu hẹp ranh đất, nhưng vẫn chưa được sự đồng ý do bị xét năng lực tài chính, vấn đề vẫn nằm ở khoản nợ thuế với Nhà nước.
Như vậy, trước tình thế dự án "đóng băng” thì việc bán dự án sẽ giúp mang về nguồn tiền cho Công ty với hy vọng có thể giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường 2016 vừa qua, việc chuyển nhượng đã không được cổ đông thông qua. Đồng thời, tờ trình phát hành 7.4 triệu cp riêng lẻ nhằm trả nợ thuế (khoảng 31 triệu đồng), nợ ngân hàng (khoảng 35 tỷ đồng) cũng đã không được cổ đông thông qua.
Thay vào đó, ĐHĐCĐ chỉ thông qua việc “thống nhất đoàn kết, nhất trí trả nợ dần dần sớm nhất có thể và trả dứt nợ trước quý 3/2017” cùng với việc bầu bổ sung thêm một thành viên vào HĐQT.
Với những vấn đề cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, việc tìm kiếm “khúc khải hoàn” cho VNI sẽ vẫn tiếp tục là bài toán khó với lãnh đạo Công ty.
Dự án Vinaland Tower tọa lạc tại đường 15B Nguyễn Lương Bằng, P. Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM. Dự án có tổng diện tích sản xây dựng là 31.7 ngàn m2 với mật độ xây dựng là 22.5%, gồm 22 tầng với 288 căn hộ. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng từ năm 2013. Năm 2011, VNI đã thông qua phương án phát hành 3 triệu cp để huy động vốn cho dự án, tuy nhiên đến nay vẫn chưa từng được thực hiện.
Đối với dự án chợ Phước Long, đây là dự án xây dựng chợ truyền thống được VNI chuyển đổi từ dự án Saigon South Center (trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống). Dự án chợ Phước Long được phê duyệt quy hoạch từ năm 2014, tại quận 7, có diện tích 10,000 m2 với hơn 700 sạp hàng.
|
|