Thứ Tư, 24/08/2016 11:16

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy  tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường do đích thân Thủ tướng chủ trì, diễn ra sáng 24-8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội - Ảnh: CTV

Ô nhiễm môi trường gây bất ổn xã hội

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phức tạp với nhiều sự cố nghiêm trọng gây bất ổn xã hội. Nhiều điểm nóng môi trường đã xảy ra.

Tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ. Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về trật tự xã hội.

Thủ tướng khẳng định đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Thực trạng môi trường đặt ra những thách thức, bộc lộ sự yếu kém trong quản lý mà chưa có giải pháp giải quyết cơ bản ở các địa phương cũng như cơ quan trung ương.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà đã dẫn ra những con số báo động.

"Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường", ông nói.

Trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Cả nước cũng có trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 chất tấn thải nguy hại hơn 125.000m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành trên 43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô.

Hàng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Tiêu tốn năng lượng, không thân thiện môi trường

Theo Bộ trưởng Hà, khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu và 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Xét về mặt tăng trưởng, 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…; chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ…

Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men... đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng.

Bộ trưởng thừa nhận có những vụ việc nghiêm trọng, kéo dài gây ra hậu quả lớn về môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Phân tích về các nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề cập đến nguyên nhân chủ quan: “Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường”.

Lê Kiên

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   CPI cả nước tháng 8 tăng 0.1%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh (24/08/2016)

>   CPI tháng 8 của Hà Nội giảm nhẹ (23/08/2016)

>   Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thông qua TPP rất phức tạp, khó khăn (22/08/2016)

>   Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia thu hút vốn FDI (22/08/2016)

>   Vốn vay “ODA” mà không phải là ODA (19/08/2016)

>   Số liệu tăng trưởng GDP có vấn đề? (19/08/2016)

>   PTT Vương Đình Huệ: “Không biết tin vào số nào để điều hành vĩ mô” (17/08/2016)

>   Tiền đang ở đâu? (15/08/2016)

>   Chính sách tiền tệ, “đánh chuột” và “ngáo ộp” lạm phát (13/08/2016)

>   Mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống 5% và 70% NHTM thực hiện Basel II vào 2020 (12/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật