Thứ Tư, 17/08/2016 08:38

PTT Vương Đình Huệ: “Không biết tin vào số nào để điều hành vĩ mô”

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận số liệu thống kê không xác thực nhiều lúc đã làm Chính phủ rất lúng túng trong điều hành kinh tế.

Ông Vương Đình Huệ và ông Nguyễn Bích Lâm tại buổi làm việc. Ảnh VPCP.

Trong buổi làm việc với Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành sáng nay, 16-8, tại Hà Nội, ông Huệ trích dẫn số liệu thịt heo xuất khẩu là 200.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi con số này lên tới 300.000 tấn, theo Bộ Công Thương, rồi nói: “Chúng tôi không biết tin vào số nào để điều hành kinh tế vĩ mô”.

Ông Huệ nói: “Cần bỏ bệnh thành tích đi. Tự thân các cán bộ thống kê phải nghiêm túc, trung thực với con số thực tế”.

Ông Huệ băn khoăn, nhiều lĩnh vực không thống kê được như những mặt hàng kinh doanh không có thu thuế, không có kế toán, không hạch toán.

“Số liệu lao động nông thôn và nông nghiệp, số lượng và chất lượng lao động ở khu vực này như thế nào? Tôi rất băn khoăn về vấn đề này”, ông nêu vấn đề, và giải thích là hiện nay ở nhiều tỉnh ruộng đất nông nghiệp nằm ngay khu công nghiệp.

Phó thủ tướng cho biết, nhiều địa phương thắc mắc về cách tính dân số. Chẳng hạn, Bình Dương, TPHCM có hàng triệu lao động không phải dân số của địa phương nhưng lại sinh sống thường xuyên ở đấy, trong khi các tỉnh đó vẫn chỉ thống kê dân số địa phương.

Nhắc lại câu chuyện nhiều sinh viên phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân, rồi tỷ lệ lao động qua đào tạo, ông Huệ cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến những con số này.

“Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn và thành thị ra sao vì không có số liệu cụ thể; rồi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm như thế nào? Thủ tướng rất quan tâm tới số liệu này”, ông nói.

Phó thủ tướng đề nghị, Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu dữ liệu thương mại của Việt Nam-AEC sau khi AEC có hiệu lực từ đầu năm nay.

“Thái Lan vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Việt Nam rất dễ trở thành vùng trũng tiêu thụ của AEC. Tôi rất cần số liệu”, ông nói.

Phó thủ tướng cũng phê bình, số liệu về doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp rất mù mờ, giá trị sử dụng rất thấp.

Ông đặt câu hỏi, số liệu doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại, doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, rồi vốn của doanh nghiệp giải thể bao nhiêu, có bao nhiêu lao động mất việc làm,… Rồi có bao nhiêu doanh có lãi, bao nhiêu doanh nghiệp nộp thuế, nộp bao nhiêu thuế?...

“Tôi đặt hàng luôn với Tổng cục Thống kê để có các con số cụ thể đó”, ông Huệ nói.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo các cấp ở địa phương “nói không với bệnh thành tích” và “không gây áp lực” cho ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê.

Ông Lâm đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ sử dụng và công bố số liệu thống kê theo quy định của Luật Thống kê; đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian họp định kỳ hàng tháng của địa phương để giúp các Cục Thống kê cấp tỉnh thu thập, tính toán và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác hơn.

Ông Lâm cho biết thêm, cơ quan này sẽ thực hiện đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Theo đề án, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, đến nay còn một số bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án gửi Tổng cục Thống kê.

Ông Lâm cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt ra ở mức cao, chưa phù hợp với tiềm năng của địa phương sẽ gây áp lực đối với việc đánh giá kết quả thực hiện của Tổng cục Thống kê.

Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tiền đang ở đâu? (15/08/2016)

>   Chính sách tiền tệ, “đánh chuột” và “ngáo ộp” lạm phát (13/08/2016)

>   Mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống 5% và 70% NHTM thực hiện Basel II vào 2020 (12/08/2016)

>   Lạm phát sẽ đánh bật mục tiêu của Chính phủ? (10/08/2016)

>   Hơn 92% số tiền tham nhũng không thu hồi được (10/08/2016)

>   Giảm áp nợ công, bắt đầu từ khung pháp lý (08/08/2016)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 (07/08/2016)

>   Economist: Việt Nam, “con hổ” châu Á tiếp theo (05/08/2016)

>   Chỉ số CPI và diễn biến thị trường tiền tệ: Mục tiêu kép cần bảo vệ (04/08/2016)

>   CIEM: Phải đục trần cho cải cách nếu muốn phát triển (04/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật