Thứ Sáu, 19/08/2016 15:01

Số liệu tăng trưởng GDP có vấn đề?

Nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của hai nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp, có thể thấy tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2000-2013(*).

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện. Ảnh: Minh Khuê

Đặc biệt, với nhóm ngành công nghiệp, tỷ lệ này giảm từ 34,7% trong năm 2000 xuống chỉ còn 21,7% trong năm 2013. Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng(1) của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước. Nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông nghiệp tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm (từ 68% năm 2000 xuống 63% năm 2013)

Cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. Quá trình công nghiệp hóa như cách làm hiện nay có thể không hiệu quả, mà chỉ làm đất đai bị sử dụng lãng phí, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và cả các tổ chức quốc tế đều chỉ nhìn vào công bố tăng trưởng GDP để vui, buồn và bình luận!

Nhìn kỹ vào số liệu giá trị tăng thêm ngành được tính vào GDP và số liệu về giá trị sản xuất thì thấy một điều dường như nghịch lý: khi tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm rất mạnh thì tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng lại luôn bằng với tăng trưởng của giá trị sản xuất. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào yếu tố tăng giá của đầu vào và đầu ra. Việc tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm mạnh mà tăng trưởng y hệt nhau chỉ xảy ra khi giá đầu vào giảm mạnh và giá bán tăng mạnh. Thực tế những năm vừa qua cho thấy điều này hoàn toàn không xảy ra, nhất là đối với nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp gia công.

Như vậy, nếu tính toán nghiêm túc theo chuẩn mực giảm phát đầu ra và các yếu tố đầu vào, có thể mức tăng trưởng GDP thực sự không như đã công bố. Với cách tính toán như hiện nay, dù nền kinh tế xuất siêu hay nhập siêu cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng GDP; cá chết, biển chết, hạn hán xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét... dường như cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng GDP.

  Một câu hỏi đặt ra là tăng trưởng GDP để làm gì khi mà người dân và doanh nghiệp trong nước vẫn đầy dẫy những khó khăn?

Tính toán hệ số co giãn (hệ số đóng góp) của đầu ra tương ứng với lao động và vốn từ bảng cân đối liên ngành 2007 và 2012 cho thấy nếu đầu ra là tổng giá trị gia tăng thuần (gross value added net - GVAN) theo giá cơ bản(2), hệ số co giãn của lao động tăng từ 64% năm 2007 lên 78% năm 2012, với giả thiết tỷ lệ thu nhập không đổi theo quy mô thì hệ số co giãn của vốn giảm từ 36% xuống 22%. Điều này cho thấy trong giai đoạn 2011-2014 phải cần một lượng vốn lớn hơn giai đoạn trước rất nhiều mới tạo ra được sự tăng lên của tổng giá trị tăng thêm ròng. Nếu cứ liên tục tăng lương mà không cần tăng năng suất sẽ dẫn đến doanh nghiệp mất dần động cơ đầu tư và ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng.

Một điều trớ trêu là dù tỷ lệ đầu tư so với GDP giảm gần 10 điểm phần trăm từ năm 2010 đến nay (từ trên 40% xuống trên 30%) nhưng dường như GDP vẫn tăng trưởng khá. Nếu tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2014 khoảng 5,7% thì đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng phải trên 85%; điều này có thể khiến cả những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản... cũng phải ngưỡng mộ.

Nếu không phải như vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Ở số liệu thống kê hay bảng cân đối liên ngành 2012, số liệu vốn đầu tư, số liệu về tăng trưởng GDP?

(*) Bài viết này cơ bản chỉ nghiên cứu nguồn số liệu thống kê đến năm 2013, vì những năm gần đây một số số liệu đã bị ẩn đi hoặc không tương thích hoặc chỉ là số liệu ước tính.

(1) GDP = tổng giá trị gia tăng của các ngành theo giá cơ bản + thuế sản phẩm

(2)  GVAN theo giá cơ bản + khấu hao tài sản cố định + thuế sản phẩm = GDP

Bùi Trinh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   PTT Vương Đình Huệ: “Không biết tin vào số nào để điều hành vĩ mô” (17/08/2016)

>   Tiền đang ở đâu? (15/08/2016)

>   Chính sách tiền tệ, “đánh chuột” và “ngáo ộp” lạm phát (13/08/2016)

>   Mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống 5% và 70% NHTM thực hiện Basel II vào 2020 (12/08/2016)

>   Lạm phát sẽ đánh bật mục tiêu của Chính phủ? (10/08/2016)

>   Hơn 92% số tiền tham nhũng không thu hồi được (10/08/2016)

>   Giảm áp nợ công, bắt đầu từ khung pháp lý (08/08/2016)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 (07/08/2016)

>   Economist: Việt Nam, “con hổ” châu Á tiếp theo (05/08/2016)

>   Chỉ số CPI và diễn biến thị trường tiền tệ: Mục tiêu kép cần bảo vệ (04/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật