2.000 tỉ đồng cứu hạn không giải ngân được 1 xu
Cuộc làm việc đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25-8 đã tiết lộ nhiều chuyện.
Phối hợp kém
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước khi giải trình một số điểm cụ thể với Tổ công tác, cho biết việc chậm trễ trong công việc nhiều khi do sự khó khăn trong việc phối hợp với các bộ ngành khác.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TL.
|
Ông nói: “Có nhiều vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Các đồng chí ở Văn phòng Chính phủ biết là cùng một vấn đề thì có nhiều chuyện, có khi không đồng thuận, nhiều khi vừa làm vừa tranh luận, vừa thuyết phục, nếu thiếu sự quyết liệt là bị buông”.
Điều này thể hiện rõ ngay sau đó trong cuộc làm việc. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ, thành viên Tổ công tác truy vấn việc tắc giải ngân 2000 tỉ đồng khắc phục hạn mặn cho các tỉnh ĐBSCL đầu năm 2016. Số tiền này là để “cấp cứu” cho các tỉnh ĐBSCL, và lẽ ra phải được phân bổ ngay trong tháng 5, 6 vừa qua nhưng đến nay thì quá hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần, bản thân ông cũng sốt ruột vì đến nay chưa một tỉnh nào rút được 1 xu tiền hỗ trợ cho đợt khô hạn lịch sử năm nay sau rất nhiều cuộc họp ở trung ương. Trong khi đó, một chu kỳ hạn mới lại sắp bắt đầu.
Tình trạng này là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thống nhất được quan điểm, ông giải thích.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỉ đồng để giải quyết ngay những việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng… Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện. Vậy là 2.000 tỉ đồng cứ treo đó.
Đã dự không dưới 3 lần họp tại Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thở dài: “Chủ trương của Thủ tướng là xử lý cấp bách để giải quyết tình trạng hạn mặn, đơn giản thủ tục để triển khai được ngay. Vậy mà giờ bao nhiêu cà phê, hồ tiêu bị hạn đã chết lâu rồi, đâu thể chờ các bộ họp xong được”.
Việc phân bổ 2000 tỉ đồng cứu hạn, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi không đồng thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lẽ ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động báo cáo Chính phủ ngay. “Chứ cứ ngồi chờ để thống nhất được ý kiến với nhau thì cây trồng chết khát lâu rồi”, ông tỏ ra không hài lòng.
Ông nói: “Chúng ta không thể ngồi trên mây trên gió rồi phân công, giao việc. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành phải xác định, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu mà có thể do lãnh đạo bộ chưa sâu sát hết. Đề nghị bộ hết sức quan tâm, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, chỉ đạo vì việc chạy có nhanh không nằm ở các cục, vụ, mà phải đốc thúc, quán xuyến rất nhiều, nếu lãnh đạo bộ nhiều việc, lướt qua là bỏ sót ngay”.
Quá nhiều việc
Theo Tổ công tác, từ ngày 1-1 đến 22-8-2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận 36.089 văn bản, xử lý được 9.065 văn bản. Trong số 241 nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích, là bộ quản lý đa ngành, tổng hợp, nên cái gì cũng dính, cũng liên quan, từ các báo cáo gửi Quốc hội đến báo cáo gửi cơ quan đoàn thể...
“Có tuần chúng tôi nhận được 40 cuộc họp, ít là 30…Khó nhất là cử thứ trưởng đi họp, vì họp nhiều quá”.
Ông nói, công việc đúng là có những vấn đề chậm, cũng sốt ruột, hàng tuần văn phòng có rà soát, đôn đốc, báo cáo bộ trưởng. Có những đơn vị tích cực, có những đơn vị chưa làm hết trách nhiệm.
“Tôi đã nói nhiều, vấn đề đến cần xử lý ngay, cái gì khó cần phải nghiên cứu cũng phải có thời hạn, không được đùn đẩy. Tôi có thói quen đứng lên là không còn gì trên mặt bàn. Chiều mang về, sáng mai trả ngay. Mình làm thêm một chút, cố một chút, nhanh một chút thì cả hệ thống chạy nhanh hơn. Chúng tôi đã quán triệt tinh thần này với các anh em trong bộ, nhưng không thể tránh khỏi bỏ sót”.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) báo cáo, đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu ở DNNN chậm 49 ngày.
Cơ quan này giải thích, đây là vấn đề chuyên môn khó, liên quan đến việc thay đổi bộ máy tổ chức, có thể của chính phủ, vì xuất hiện cơ quan mới. Hơn 1 tháng trước, CIEM đã trình lãnh đạo bộ, song được đề nghị lấy thêm ý kiến của các bộ liên quan. Hiện mới có 6 bộ ngành trả lời.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích, đây là vấn đề nhạy cảm. “Chúng tôi cho rằng, có nghị quyết của Đảng rồi, nhưng thành lập cơ quan này sẽ liên quan đến chức năng của Chính phủ”.
Ông Dũng cho biết, có nhiều phản biện, có ý kiến đồng thuận, có cái không. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lấy ý kiến bằng văn bản chứ không chỉ là hội thảo, hội nghị. “Hơn 1 tháng trôi qua rồi, các bộ cũng chưa trả lời kịp, chắc cũng khó”, ông nói.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đồng tình: “Đây là vấn đề lớn, phải tính toán kỹ, không thể làm một lần là xong được”. Ông nói, Thủ tướng đang chỉ đạo rất quyết liệt. Ông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên xây dựng một số phương án, được gì, chưa được gì.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã thống nhất hành động theo lời tuyên thệ của Thủ tướng là quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triền và hành động.
“Chính phủ kiến tạo phải vận động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, phải đổi mới, sáng tạo vì người dân, doanh nghiệp. Thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Hôm nay, Tổ công tác làm việc với Bộ Tài chính.
Tư Hoàng
tbktsg
|