Thu thuế Uber: Nhà nước... trắng tay
Mặc dù cơ quan thuế đã làm việc nhiều lần với đại diện Uber nhưng đến nay Uber B.V (Hà Lan) vẫn chưa đến kê khai nộp thuế.
* Uber lỗ hay lãi?
* Có ai chở thuê cho chính mình?
Khách sử dụng xe Uber tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
|
Ngay sau khi công văn (2529) hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber B.V (Hà Lan) tại VN được Tổng cục Thuế ban hành, nhiều ý kiến cho rằng việc xác định ngành nghề của Uber là chưa hợp lý và trách nhiệm nộp thuế cũng chưa rõ ràng.
Theo các chuyên gia, ngành thuế chỉ mới nắm được “người có tóc”, trong khi không đưa ra chính sách mạnh mẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm nộp thuế của Uber cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Kinh doanh vận tải hay giải pháp công nghệ?
Theo văn bản hướng dẫn, Tổng cục Thuế xác định ngành nghề kinh doanh của Uber là sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải chứ không phải hoạt động vận tải.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế giao cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế TNDN và thuế GTGT cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu.
Do được xác định chỉ hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ, Uber B.V chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu. Trong khi đó, nếu xác định hoạt động của Uber B.V là vận tải, doanh nghiệp này phải kê khai nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thuế cho rằng việc xác định như vậy là không đúng bởi trên thực tế, Uber B.V đang hoạt động vận tải. Khi khách hàng cà thẻ để trả tiền, 100% tiền cước về tài khoản của Uber B.V tại Hà Lan trước khi Uber B.V trả tiền về cho các tài xế theo định kỳ.
Do vậy, để cho tài xế lái xe Uber chịu trách nhiệm khấu trừ thuế cho Uber là vô lý vì hầu hết là xe của cá nhân nhàn rỗi đưa vào kinh doanh.
“Nghĩa vụ thuế của họ còn chưa hoàn thành huống gì bắt họ đi khấu trừ thuế nhà thầu cho Uber, trong khi người trực tiếp nhận tiền của khách hàng trả là Uber chứ không phải tài xế lái taxi” - vị này nói.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho rằng khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, Uber B.V cung cấp công nghệ còn tài xế sử dụng xe của mình để kinh doanh.
Bình thường nếu tài xế nhận tiền và chuyển trả 20% theo tỉ lệ ăn chia, trách nhiệm kê khai sẽ thuộc về tài xế ở VN. Các tài xế này sẽ phải nộp thuế nhà thầu cho 20% đó của Uber nhưng việc này không thực hiện được vì Uber thực hiện “nửa nọ nửa kia”.
Lắt léo ở chỗ là dù ký hợp đồng cung cấp công nghệ cho đối tác ở VN, nhưng thay vì chỉ nhận 20% tiền do đối tác VN chia lại, Uber tại Hà Lan nhận luôn 100% tiền cước rồi sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho các đối tác ở VN.
Theo quy định của luật hiện hành, bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập, bên đó có trách nhiệm phải kê khai khấu trừ thuế và nộp lại cho cơ quan thuế. Như vậy rõ ràng trách nhiệm kê khai nộp thuế phải thuộc về Uber B.V chứ không thể giao cho các tài xế.
“Hơn nữa Uber B.V không hiện diện ở VN, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nhưng lại là người thu tiền, làm sao có thể đẩy trách nhiệm cho những cá nhân ở VN kê khai nộp thuế được. Như vậy rõ ràng họ lách luật và không rõ ràng.
Đồng ý Uber có mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại, chứ không thể không tuân thủ pháp luật về thuế, dẫn đến không công bằng cho các doanh nghiệp vận tải khác ở VN” - vị này nói.
Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu được thuế của Uber. Quy định mới nhất về thuế đối với Uber do Tổng cục Thuế ban hành lại gây nhiều tranh cãi. Trong ảnh: một tài xế Uber chở khách tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
|
Cần tạo môi trường kinh doanh công bằng
Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn, chẳng biết chủ trương của Tổng cục Thuế là điều tiết thuế của Công ty Uber Hà Lan hay qua các tổ chức kinh doanh vận tải của VN - đối tác của Uber...
Cũng theo ông Hỷ, quyền định giá cước, quyền thu cước và phân chia lợi nhuận đang thuộc về Uber Hà Lan. Vì vậy đặt vấn đề bên VN phải khấu trừ và nộp thuế thay cho Uber ở nước ngoài là điều bất hợp lý.
“Cần xác định rõ trách nhiệm các bên, trong đó Uber và các đối tác VN có nghĩa vụ gì, thuế bao nhiêu phần trăm. Việc xác định rõ trách nhiệm này sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng phương án thu và giải pháp chế tài bảo đảm việc thu theo quy định của pháp luật về thuế” - ông Hỷ nói.
Trong khi đó, một doanh nghiệp taxi cho rằng giá cước taxi truyền thống hiện cao hơn xe Uber vì các doanh nghiệp phải nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế và thực hiện nhiều điều kiện về quy định kinh doanh taxi (lái xe phải khám sức khỏe 2 lần/năm, kiểm định đồng hồ tính cước 1 lần/năm, phí kiểm định đồng hồ tính cước khi điều chỉnh giá cước, đóng bảo hiểm y tế, xã hội cho lái xe và bảo hiểm cho hành khách... trong khi taxi Uber không hề chịu các loại phí trên và không nộp thuế nên có thể đưa ra giá cước thấp để tranh giành khách, tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, ảnh hưởng đến taxi truyền thống” - vị này nói.
Đồ họa: Tấn Đạt
|
Grab có khai thuế và nộp đầy đủ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Chi cục Thuế Q.10 (TP.HCM), địa bàn mà Grab - một doanh nghiệp VN - cũng kinh doanh loại hình tương tự như Uber, cho biết công ty này cũng ký hợp đồng hợp tác với các hợp tác xã và các cá nhân, nộp thuế thông qua các tổ chức.
Cũng theo vị này, cơ quan thuế đang thu thuế với các tài xế Grab theo dạng hộ khoán với mức 4,5% trên doanh số. Về phía Grab, cách thức thu tiền của doanh nghiệp này cũng khác với Uber. Theo đó, tiền cước sẽ do các tài xế thu sau đó trích lại 20% cho phía công ty và công ty có khai nộp thuế cho doanh số mà mình nhận được.
|
Uber vẫn chưa kê khai thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết mặc dù cơ quan thuế đã làm việc nhiều lần với đại diện Uber nhưng đến nay Uber B.V (Hà Lan) vẫn chưa đến kê khai nộp thuế. Do đó, cơ quan thuế vẫn chưa thu được bất kỳ đồng thuế nào từ doanh nghiệp này.
Riêng Uber VN có kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp về phần chi phí quản lý mà bên Uber Hà Lan chi trả cho công việc quản lý khách hàng, giao dịch, giải đáp thắc mắc của các khách hàng của Uber và thuế thu nhập cá nhân phát sinh.
Được biết trước đó, cơ quan thuế đã tham mưu cho UBND TP.HCM để có đề nghị về cách xác định hoạt động của Uber với Bộ Tài chính theo hướng xác định hoạt động của Uber B.V là hoạt động vận tải.
|
Ánh Hồng - Ngọc Ân
Tuổi Trẻ
|