Thứ Bảy, 11/06/2016 08:48

Thị trường lúa gạo kém cạnh tranh vì Nghị định 109?

Những quy định được cho là ngặt nghèo trong Nghị định 109/2011/NĐ-CP đã khiến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo trở nên kém cạnh tranh, số doanh nghiệp tham gia vào ngành theo đó cũng teo tóp dần.

Từ 230 DN giảm còn 80

Nghiên cứu của TS. Đặng Quang Vinh, thuộc Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trình bày gần đây đưa ra một bức tranh méo mó của thị trường gạo Việt Nam, mà theo ông là do Nghị định 109 gây ra.

Theo ông Vinh, sau cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra năm 2008-2009, Nghị định 109 ra đời đã can thiệp mạnh vào thị trường lúa gạo. Cụ thể, điều 4, Nghị định 109 quy định, doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng có sức chứa tới 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc có công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Hơn nữa, kho chứa và cơ sở xay xát này phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.

Thực tế, các doanh nghiệp cho hay, để đáp ứng được điều kiện mà Nghị định đưa ra, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 20 đến 25 tỉ đồng đầu tư. Nếu không đáp ứng được, doanh nghiệp sẽ buộc phải rời bỏ thị trường, hoặc tìm cách sáp nhập, thầu phụ và bán lại cho doanh nghiệp khác có quyền xuất khẩu.

Ngoài ra, theo điều 17 của Nghị định 109, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết, thương nhân nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Công Thương để đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Theo ông Vinh, như vậy, doanh nghiệp phải đi kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng rồi sau đó lại phải khai báo lại về số lượng, giá cả, thời gian xuất với VFA, mà thực chất là Vinafood 1 và Vinafood 2. Điều này có nghĩa là thông tin thương mại đang được khai báo với đối thủ cạnh tranh và đối thủ cạnh tranh này được trao quyền như một cơ quan nhà nước, tức là cho hoặc không cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Như vậy, quy định pháp luật này đã tạo ra một cấu trúc thị trường, một môi trường kinh doanh không bình đẳng. Ngoài chuyện tạo ra rào cản cho doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường, còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn với nhau”, ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, tại điều 16, Nghị định 109 quy định thương nhân trực tiếp ký kết, tổ chức hợp đồng tập trung trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng, 80% còn lại của hợp đồng cho thương nhân khác thực hiện ủy thác xuất khẩu.

Trong khi đó, quy trình để lựa chọn doanh nghiệp được hưởng 80% lượng gạo xuất khẩu còn lại của hợp đồng tập trung này cũng không rõ ràng, tạo ra cơ chế xin-cho.

Về giá sàn xuất khẩu gạo cũng vậy, theo quy định giá gạo xuất khẩu không được thấp hơn giá sàn, trong khi giá cả thị trường luôn biến động mà giá sàn không thay đổi kịp khiến doanh nghiệp không xuất khẩu được, lượng hàng tồn kho trong nước ứ đọng, ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và đất nước.

Theo ông Vinh, trước khi có Nghị định 109, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu là 230 doanh nghiệp thì nay chỉ còn khoảng 80 doanh nghiệp và sự tham gia của các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này cũng rất ít.

Trong khi đó, Nghị định lại không tạo ra được tác dụng như kỳ vọng ban đầu là nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu, tăng thu nhập nông dân mà chỉ tăng quyền lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân.

Hạn chế sự sáng tạo của DN

Theo ông Vinh, Nghị định 109 mang tư duy quản lý lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng mà không quan tâm nhiều tới chất lượng.

Chính vì môi trường kinh doanh kém cạnh tranh, một vài doanh nghiệp xuất khẩu có quyền chi phối thị trường nên xuất hiện câu chuyện doanh nghiệp cứ ký hợp đồng bất kể giá thấp hay cao, sau đó họ mua lại gạo trong nước với giá thấp và giữ lại một khoản lợi nhuận nhất định cho họ.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng không chú trọng tới việc nâng cao giá trị sản phẩm trong khi những doanh nghiệp tìm tòi nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá cao đã không vượt qua được “rào cản” trong Nghị định vì quy mô nhỏ, như trường hợp của doanh nghiệp tư nhân Cỏ May ở Đồng Tháp.

Do đó, theo ông Vinh, cần sửa đổi, loại bỏ rào cản trong Nghị định 109 để tạo ra môi trường kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, cần cổ phẩn hóa và bán hết vốn các công ty lương thực nhà nước vì doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhận sản xuất và phân phối lương thực. Cần loại bỏ các thẩm quyền nhà nước hiện đang trao cho VFA; đưa VFA về đúng vị trí của một hiệp hội doanh nghiệp.

Về phía người nông dân, cần hướng tới lợi ích của người nông dân nhiều hơn thông qua nâng cao quy mô sản xuất lớn, chất lượng. Khi họ sản xuất nhiều, sản lượng lớn thì sẽ có quyền mặc cả với thương lái và nhà xuất khẩu. Do đó, nên hỗ trợ họ hình thành các hợp tác xã, công ty cổ phần để xay, xát và xuất khẩu trực tiếp….

Kiều Phong

tbktsg

Các tin tức khác

>   Dự án gạo hữu cơ đầu tiên của Việt Nam bị rao bán (10/06/2016)

>   Lao đao trước làn sóng nhập khẩu đường (10/06/2016)

>   NAFIQAD cảnh báo các DN thủy sản khai báo thông tin không chính xác về lô hàng (10/06/2016)

>   Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm mạnh (09/06/2016)

>   Việt Nam không bơm Pectin vào tôm xuất khẩu (08/06/2016)

>   VASEP: Xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể tăng trong quý tới (08/06/2016)

>   Người nuôi sợ ôm nợ khi “thay máu” đàn bò sữa (08/06/2016)

>   Bầu Đức: Khó khăn về dòng tiền HAG chỉ là tạm thời (08/06/2016)

>   Giá lúa gạo tiếp tục giảm mạnh dù sản lượng thấp (07/06/2016)

>   Ngành điều Việt Nam: Lớn nhưng không mạnh (07/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật