Lao đao trước làn sóng nhập khẩu đường
Giá đường trong nước không thể cạnh tranh nổi đường nhập khẩu, đành rằng “nước tràn về chỗ trũng”, nhưng nếu một lượng đường lớn của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tràn về từ Lào với thuế suất 0% và từ các thị trường khác thì áp lực đối với ngành mía đường trong nước là không nhỏ.
* Phản ứng về thuế đường 0% của HAGL
* Hoàng Anh Gia Lai có thể được nhập khẩu đường với thuế 0%
* Bộ Công thương lên tiếng đề xuất nhập khẩu 200 ngàn tấn đường
* DN mía đường "đứng ngồi không yên" vì đường của HAGL
Người dân xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) thu hoạch mía.
|
Tắt hy vọng vào cây mía
Anh Nguyễn Văn Quân (thôn Phú Thọ, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có 4ha mía. Từng sống chết với cây mía nhưng nay, anh chỉ cầm cự làm 2ha, diện tích còn lại anh chuyển qua canh tác loại cây trồng khác. Đứng trên đồng mía chết cháy vì khô hạn, anh Quân rầu rĩ: “Tôi gần như tắt hy vọng vào cây mía. 1ha mía trung bình đạt từ 3-4 tấn, nhưng chi phí bỏ ra hết 1 triệu đồng/sào. Một năm giỏi lắm thu lại 10 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, tôi đi làm thuê còn sướng hơn”.
Anh Quân cho rằng, người trồng mía không sống được từ cây mía thì dĩ nhiên không thể làm ra mía đủ chất và lượng và mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần nào cho người trồng mía.
Đa phần người trồng mía hiện nay được các DN thu mua theo hợp đồng (HĐ) theo vùng nguyên liệu. Bên cạnh rào cản về thời tiết và tư duy trồng mía cũ kỹ khiến nhiều mùa, người dân không cung ứng đủ theo HĐ, thực trạng giá mía mỗi vùng mỗi kiểu cũng khiến không ít người dân không “trung thành” với DN mình đã cam kết đối ứng. Tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên... thời gian qua, nhiều người trồng mía phải đi mua mía để cung ứng cho đủ HĐ đã ký vì thiếu mía, thậm chí họ còn bán “chui” mía ra ngoài với giá cao hơn để bù đắp chi phí bỏ ra. Chủ vựa mía hơn 10ha, anh Nguyễn Văn Diệu (45 tuổi, xã Diên Thọ) nêu thực tế: “Không người trồng mía nào lại không muốn cải thiện năng suất, giàu lên từ cây mía. Nhưng họ không thể tự khắc phục vì điều kiện không cho phép. Chưa nói, họ phải thu hoạch mía bằng phương pháp thủ công, trong khi Thái Lan đã sử dụng máy móc với chi phí rẻ từ lâu”.
Hội nhập phải được cái này mất cái kia
“Chỗ nào trũng thì nước sẽ tràn về” - đó là nhìn nhận của ông Đỗ Thành Liêm - Tổng GĐ Cty CP đường Khánh Hòa (KSC) về thực tế nhập khẩu đường hiện nay tại VN. “Hiện nay, giá thành các vùng miền trồng mía trong nước cũng không thống nhất. Điều này còn tùy vào điều kiện canh tác, khí hậu, thổ nhưỡng... Tuy vậy, giá mía bình quân trong nước cao hơn 30% so với các nước. Tôi nghĩ giá thành mía của HAGL cũng không thấp, nếu thấp, HAGL cũng không đòi một cơ chế ưu đãi đặc biệt. Tất nhiên, ưu đãi đó không phải là mong muốn của người trồng mía” - ông Liêm nói.
Ông Liêm cho rằng, trong khi Thái Lan có chương trình đầu tư, phát triển ngành mía đường một cách bài bản, đặc biệt, người dân được vận chuyển quá tải trong mùa mía thì nước ta lại hạn chế tất cả mọi mặt. Chi phí vận chuyển quá cao, tất yếu giá thành phải đội lên.
Ông Liêm nhìn nhận, trong xu thế hội nhập, VN khó được lợi tất cả. Chấp nhận mở cửa thì chấp nhận cái được, cái phải chịu thiệt. Có thể mía đường kém cạnh tranh, kém ưu đãi, nhưng bù lại có thể ký được các hiệp định có lợi hơn cho ngành nghề khác để hưởng lại. “Dĩ nhiên, nếu nhập khẩu đường với số lượng áp đảo, các nhà máy đường trong nước sẽ chết. Các hộ nông nghiệp trồng mía buộc phải chuyển qua các loại cây trồng khác. Nhưng trước mắt, cây nào không có lợi bằng mía thì người dân vẫn phải trồng mía. Vì thế, sức ép lớn nhất không phải trên vai người nông dân” - ông Liêm nói.
Phải thay đổi bằng liên kết “4 nhà”
Diện tích đất trồng mía của tỉnh Khánh Hòa khá lớn (18,000ha) nhưng thực tế sản xuất còn manh mún, trung bình chỉ 0.8ha/thửa đất. Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa Quách Thanh Sơn - cho rằng, nay thêm áp lực nhập khẩu đường sẽ khiến hoạt động sản xuất mía đường của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Đồng quan điểm, GĐ Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng: “Giá cả là yếu tố quyết định, khi nhập khẩu đường quá nhiều, giá thu mua mía của người dân sẽ bị tác động”. Vì sao ngành mía đường VN chậm thay đổi trong quãng thời gian dài vẫn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, trước thềm hội nhập, dù muốn dù không, ngành mía đường các tỉnh, thành buộc phải thay đổi mình. Khánh Hòa hiện đang thực hiện dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa. Theo nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, dự án được thực hiện trên tổng diện tích hơn 272ha ở 2 xã Ninh Tây, Ninh Thượng.
Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, ngoài việc tập trung tái cơ cấu trồng mía theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ sớm hình thành Quỹ bình ổn giá cho sản phẩm đường theo Luật Giá năm 2012, đồng thời cho phép các DN chế biến mía đường được hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu vào giá thành.
Cả Phú Yên và Khánh Hòa hiện đều tập trung, trồng mía với quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm… dựa trên liên kết 4 nhà (Nhà nước, DN, nông dân và nhà khoa học) đảm bảo DN và nông dân cùng có lợi.
Nhiệt Băng
Lao động
|