Ngành điều Việt Nam: Lớn nhưng không mạnh
Sự phụ thuộc vùng nguyên liệu đang trở thành nỗi lo của doanh nghiệp (DN) ngành điều, ngành hàng luôn tự hào là đứng đầu thế giới về xuất khẩu.
Nhập khẩu 2/3 nguyên liệu
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 328.819 tấn điều nhân, kim ngạch hơn 2,4 tỷ USD. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm 50% thị phần điều toàn cầu. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 90.600 tấn điều, trị giá 688 triệu USD (tăng 14,7% so với cùng kỳ 2015).
Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị "Ngành điều chuyển mình đón vận hội mới: Nói tới điều sạch - nghĩ tới Việt Nam", Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết cả nước hiện có khoảng 1.000 cơ sở chế biến hạt điều và 371 đơn vị xuất khẩu, công suất chế biến khoảng 1,2 triệu tấn, chiếm khoảng 40% công suất chế biến của thế giới.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là hiện nay ngành điều Việt Nam chỉ chủ động được 1/3 nguyên liệu sản xuất, còn lại phải nhập khẩu từ Campuchia và phần lớn từ châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà. Trong 4 tháng đầu 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 207.000 tấn hạt điều, tăng gần 5% so với cùng kỳ 2015, đạt kim ngạch trên 323 triệu USD, tăng trên 22% so với cùng thời điểm năm trước.
Nói về thực trạng ngành điều Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas, cho rằng ngành điều Việt Nam được đánh giá có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng không mạnh vì thiếu đoàn kết. Là "người khổng lồ” nhưng lại bị ép giá, đến các nhà cung cấp nguyên liệu cũng gây khó khăn cho DN Việt Nam. Tại sao họ làm được như vậy? Vì có những DN của nước ta qua đó "làm loạn" thị trường.
Ông Vũ Thái Sơn - đại diện Công ty CP Long Sơn với doanh số xuất khẩu khoảng 180 triệu USD/năm - nhận định, ngành điều Việt Nam có 3 cái nhất: xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất. Nhưng do tình trạng không đoàn kết, DN mạnh ai nấy làm đã khiến cho cả ngành điều gặp bất lợi trên thị trường quốc tế.
Trước vấn đề này, ông Sơn cho rằng, trong hai đến ba năm tới, ngành điều Việt Nam vẫn sẽ duy trì được lợi thế nguyên liệu trong nước và từ Campuchia, song trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự phụ thuộc quá nhiều vào vùng nguyên liệu, dự báo khoảng năm 2020 sẽ gặp khó khăn lớn, và nguy cơ mất khả năng cạnh tranh là hoàn toàn có thể.
Theo ông Sơn, đến một lúc nào đó khi các DN nước ngoài đầu tư vào chế biến, họ sẽ có sản lượng lớn điều nhân xuất khẩu, tức DN Việt Nam thiếu trầm trọng nguyên liệu để sản xuất. "Điều này đã từng xảy ra cách đây khoảng 10 năm. Cần lưu ý là Trung Quốc đang lôi kéo DN Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này ngay tại châu Phi", ông Sơn cảnh báo.
Bên cạnh những khó khăn chung của ngành, ở góc độ DN, ông Vũ Thái Sơn cho rằng, nhiều chính sách trong quản lý hiện nay đang gây khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu điều. Ông dẫn chứng, điều nhập khẩu về là để sản xuất xuất khẩu mà vẫn bị hải quan ghi nợ thuế 275 ngày, sau đó DN phải chứng minh đây là hàng xuất khẩu thì mới được bỏ thuế. "Việc này không chỉ gây tốn kém, mà lỡ có sai sót là bị cán bộ hải quan "làm khó"".
"Đổi vận" cho điều
Chia sẻ về giải pháp nhằm hạn chế thực trạng thiếu đoàn kết giữa cộng đồng DN ngành điều, ông Nguyễn Đức Thanh cho hay, để hạn chế tình trạng bị ép giá khi mua điều thô, hiện nay các DN ngành điều tại tỉnh Long An đang tập hợp thành một nhóm mua với số lượng khoảng 100.000 tấn/năm và một hoặc hai DN đại diện đứng ra đàm phán.
Theo đó, ông Thanh mong muốn DN điều ở các địa phương khác cũng nên áp dụng theo phương thức này. Lãnh đạo Vinacas còn thông tin, thời gian qua nhiều DN nhập khẩu hạt điều của Việt Nam "xù” hợp đồng, gây khó khăn cho sản xuất. Thế nhưng, nguyên nhân của vấn đề là do chính DN nước ta chưa chặt chẽ trong những điều khoản khi soạn thảo hợp đồng. Hoặc ký trước hợp đồng khi mùa vụ chưa tới mà không có ràng buộc với đối tác, nếu có khởi kiện cũng chỉ thua. Theo ông Thanh, Vinacas có soạn sẵn mẫu hợp đồng để các DN tham khảo. Đây là mẫu hợp đồng chặt chẽ, rất ràng buộc.
Đại diện Tổ chức Vina Control - đơn vị chuyên kiểm định chất lượng nông sản cho Vinacas nói: "Hiện nay nhiều DN ký hợp đồng nhập khẩu điều thô với độ ẩm 12%, chắc chắn những lô hàng này về Việt Nam sẽ bị thối, mốc. Nguyên nhân vì không có tiền lệ trả hàng không đạt chất lượng mà thường chỉ đàm phán giảm giá. Vì vậy, phía Vina Control khuyến cáo, DN nên ký hợp đồng với độ ẩm dưới 10%".
Quạng Duy
DNSG online
|