Xuất khẩu gạo: cảnh giác trước “cơn địa chấn” Thái Lan!
Thay vì ba năm, rồi rút xuống hai năm như dự kiến trước đây, mới đây, các nhà quản lý Thái Lan tuyên bố sẽ giải tỏa kho gạo dự trữ 11,4 triệu tấn của mình chỉ trong hai tháng. Quyết định này khả thi tới mức nào và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta?
Nông dân ở Đồng Tháp đang vận chuyển lúa về kho. Ảnh: TL
Bi kịch kho gạo dự trữ Thái Lan
Trước hết, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, các nhà quản lý hiện nay ở Thái Lan đã và vẫn đang ở vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” với kho gạo dự trữ khổng lồ của mình, bởi hai lẽ:
Thứ nhất, không giải tỏa nhanh thì chất lượng gạo sẽ càng ngày càng xuống cấp nhanh và thiệt hại sẽ càng lớn.
Nếu trở lại thời điểm này cách đây hai năm, Bộ Tài chính nước này ước tính thiệt hại từ chương trình thế chấp lúa gạo của chính phủ tiền nhiệm là 15 tỉ đô la Mỹ, tức là bằng hơn một nửa tổng số tiền khoảng 28 tỉ đô la Mỹ thực hiện sau năm vụ lúa. Thế nhưng, tỉnh táo hơn, người đứng đầu cơ quan “dốc hầu bao” thực hiện đã khẳng định, sẽ chỉ có con số cuối cùng vào thời điểm toàn bộ khoảng 18 triệu tấn gạo được giải tỏa.
Không những vậy, gần năm tháng sau, khi cuộc thanh tra hơn 1.800 kho gạo trong cả nước hoàn tất, khối lượng gạo chất lượng tốt được khẳng định là chỉ có 10%, còn 70% đã có màu vàng và số còn lại chỉ nên dùng để sản xuất ethanol, thiệt hại ước tính 17,8-21,6 tỉ đô la Mỹ.
Theo lời của Thủ tướng Thái lan Prayut: “Gạo để trong kho quá lâu, cần phải đẩy mạnh việc tiêu thụ để tránh hỏng thêm”.
Thứ hai, thế nhưng, nghịch lý mà các nhà quản lý Thái Lan phải đối mặt chính là càng đẩy mạnh tiêu thụ thì giá gạo càng giảm.
Thực tế cho thấy, kể từ khi nắm quyền đến cuối năm 2015, chỉ có 4,66 triệu tấn gạo được bán trong 11 phiên đấu giá, thu về khoảng 1,43 tỉ đô la Mỹ.
Như vậy, khối lượng gạo bán được qua mỗi cuộc đấu giá chỉ là hơn 420.000 tấn và giá bình quân chỉ là 307 đô la Mỹ/tấn.
Bên cạnh đó, tuy khối lượng gạo mục được xác định vào khoảng hai triệu tấn, nhưng phải đến cuối năm 2015 vừa qua mới có cuộc bán đấu giá thử nghiệm đầu tiên với khối lượng hơn 37.000 tấn và cuối cùng chỉ bán được hơn 21.000 tấn cho một doanh nghiệp sản xuất phân bón với giá bán được cho là ở mức 84 đô la Mỹ/tấn. Kế hoạch bán hơn 16.000 tấn cho một nhà máy điện đã bị hủy bỏ.
Còn theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Chính sách và Quản lý gạo (The Committee on Rice Policy and Management - CRPM), trong 11,4 triệu tấn gạo mà chính phủ hiện nắm giữ, chỉ có 200.000 tấn chất lượng tốt, 7,5 triệu tấn không đạt tiêu chuẩn và 3,7 triệu tấn dành cho mục đích công nghiệp (1,3 triệu tấn có thể làm lương thực, thức ăn chăn nuôi và 2,4 triệu tấn không thể làm lương thực, thức ăn chăn nuôi).
Gạo dự trữ ngắn nhất cũng đã 26 tháng, còn lâu nhất đã lên tới 56 tháng, chất lượng đã đến mức báo động. Đó chính là áp lực khiến các nhà quản lý Thái Lan quyết định xả toàn bộ kho gạo dự trữ chỉ trong vòng hai tháng. Hiện tượng El Niño được dự báo tiếp diễn khiến nguồn cung trên thị trường gạo thế giới hạn hẹp hơn cũng là điểm tựa cho quyết định này.
Quyết định thiếu tính khả thi?
Cho dù vậy, có nhiều lý do để tin rằng, các nhà quản lý Thái Lan rất khó thành công trong việc thực thi quyết định này. Đó chủ yếu và trước hết vì:
Thứ nhất, theo dự báo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), sản lượng lúa thế giới năm nay vẫn đạt gần 702 triệu tấn, chỉ giảm 12 triệu tấn và 1,7% so với năm 2015. Trong đó, đáng lưu ý, Thái Lan mới là tâm điểm của El Niño lần này (thay vì Ấn Độ như trước đây), với sản lượng giảm kỷ lục 5,5 triệu tấn. Không những vậy, theo dự báo mới nhất của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), năm nay thế giới chẳng những không mất mùa như dự báo của USDA, mà sẽ được mùa.
Hiện tại, do sản lượng giảm và tiêu dùng tăng, kho gạo dự trữ thế giới giảm xuống còn 68 ngày tiêu dùng, nhưng năm nay lúa mì lại được mùa năm thứ ba liên tiếp, khiến dự trữ lên tới 123 ngày tiêu dùng.
Trong điều kiện cán cân cung - cầu lương thực nói chung như vậy, rõ ràng là lúa mì với giá rất “mềm” hiện nay sẽ “làm mát” thị trường lúa gạo. Đó sẽ là nguồn lương thực thay thế lúa gạo, nhất là ở không ít quốc gia đồng thời sử dụng cả gạo và lúa mì làm lương thực chính, trong đó có hai “người khổng lồ” Trung Quốc và Ấn độ.
Thứ hai, trong khi môi trường quốc tế nói chung không phải đã hoàn toàn thuận lợi như vậy, thì những mục tiêu cụ thể mà gạo Thái Lan hướng tới còn nan giải hơn nhiều.
Các số liệu thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy, trong số gần 200 thị trường xuất khẩu gạo của nước này chỉ có khoảng 20 thị trường vẫn nhập khẩu gạo giá rẻ, chủ yếu là thuộc khu vực châu Phi.
Các kết quả tính toán cụ thể cho thấy, bình quân mỗi tháng trong năm 2015 Thái Lan xuất khẩu được gần 370.000 tấn sang khu vực thị trường này, chiếm 45% thị phần, còn trong quí 1 năm nay, khối lượng này nhích lên gần 400.000 tấn, nhưng tỷ trọng lại giảm xuống 41,8%.
Như vậy, với khối lượng tối đa 8,8 triệu tấn gạo chất lượng kém đẩy ra thị trường thế giới, các thương nhân Thái Lan phải mất 22 tháng.
Thứ ba, tới đây, câu hỏi đặt ra là liệu các thương nhân Thái Lan có sẵn sàng “hứng” toàn bộ khối lượng gạo khổng lồ này của Chính phủ trong vòng hai tháng để rồi “túc tắc” bán ra thị trường thế giới như vậy?
Câu trả lời chắc chắn là không, bởi rất nhiều lý do. Ít nhất, chắc chắn các doanh nghiệp không bao giờ chịu gánh khoản chi phí bảo quản hàng tháng lên tới 18 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, chất lượng gạo có “tuổi thọ” quá cao sẽ còn giảm nhanh hơn nữa.
“Vạ lây” tới thị trường thế giới và ta
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, có nhiều khả năng việc giải tỏa kho gạo dự trữ hiện nay của Thái Lan sẽ phải kéo dài trong nhiều tháng, trừ phi tác động của El Niño mạnh lên nữa như đánh giá của hai tờ báo Anh gần đây.
Chỉ cần Thái Lan đều đặn cho bán đấu giá khoảng nửa triệu tấn gạo mỗi tháng với giá chỉ trên dưới 300 đô la Mỹ/tấn, tức nhịp độ bán tăng khoảng gấp đôi so với hai năm qua, đây chắc chắn sẽ là nguồn động lực rất mạnh kéo giá gạo xuống và ảnh hưởng xấu đến cả mặt bằng giá gạo thế giới.
Bởi lẽ, trong khi tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới không thay đổi mà nguồn cung gạo giá rẻ tăng lên, sẽ có thêm khách hàng bị hút vào phân khúc này, khách hàng mua gạo mới như của chúng ta sẽ giảm tương ứng.
Không những vậy, trước quyết định hiện nay của Thái Lan, đương nhiên thị trường gạo thế giới sẽ xuất hiện tâm lý hạn chế nhập khẩu để chờ đợi những diễn biến sắp tới. Nhu cầu nhập khẩu uể oải sẽ là yếu tố kéo giá gạo xuất khẩu xuống thấp.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|