Lo lúa, gạo rớt giá
Hạn hán, xâm nhập mặn làm hàng trăm ngàn hecta lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng, nay thêm thông tin Thái Lan xả hàng khoảng 11,4 triệu tấn gạo tồn kho khiến nông dân như “ngồi trên đống lửa”
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình thời tiết ở địa phương diễn biến rất phức tạp.
Lâm cảnh nợ nần
Trong đợt hạn, mặn gay gắt vừa qua, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 56.000 ha lúa bị thiệt hại, làm ảnh hưởng đến gần 32.000 hộ dân, ước tổng giá trị thiệt hại gần 1.500 tỉ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có hàng chục ngàn hộ dân đứng trước nguy cơ không còn vốn để tái đầu tư sản xuất.
Sắp thu hoạch vụ hè thu nhưng nhiều nông dân ĐBSCL đang lo lắng giá lúa, gạo sẽ giảm mạnh khi Thái Lan xả hàng tồn kho Ảnh: THỐT NỐT
|
Ông Lê Hữu Tâm - ở ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - cho biết trong vụ lúa vừa qua, do hạn hán và xâm nhập mặn nên gia đình ông không thu hoạch được hạt lúa nào. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần vì mất mùa. Vụ hè thu trước, tuy đất có bị nhiễm mặn nhưng nhẹ hơn năm nay. Với 25 công lúa của gia đình, ông Tâm thu hoạch theo kiểu vớt vát cũng được hơn 50 giạ (tương đương 1 tấn lúa).
“Vụ đông xuân vừa qua, nước mặn tấn công mạnh nhất từ trước đến nay nên cây lúa chưa kịp trổ bông là bị xèo ngay (quéo đọt). Một số khu vực khác bị nhiễm nhẹ hơn thì lúa có trổ được bông nhưng lại lép hạt. Coi như vụ lúa này, gia đình tôi chịu cảnh trắng tay rồi. Nỗi khổ tâm của tôi bây giờ chính là khoản nợ hơn 50 triệu đồng tiền mua vật tư nông nghiệp không biết làm cách nào trả được cho người ta” - ông Tâm than vãn.
Theo ông Tâm, đa số người dân nghèo ở đây đều có cùng cảnh ngộ này. Nhiều khả năng mọi người sẽ đồng loạt bỏ đất hoang cho đến cuối năm mới sản xuất lại được.
Tại hội nghị giao ban “Sản xuất lúa hè thu 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, mùa 2016 các tỉnh ven biển ĐBSCL” tổ chức hôm 11-5, lãnh đạo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết tổng diện tích xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu ha (tăng khoảng 10.000 ha so với cùng kỳ). Thế nhưng, sản lượng lúa thu hoạch chỉ đạt trên 10,4 triệu tấn, giảm đến 713.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 93.989 ha lúa đông xuân, trong đó có 85.000 ha bị thiệt hại.
Do bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ đông xuân nên vào vụ hè thu, nhiều nông dân đã không xuống giống hoặc trồng màu. “Nhà tôi trồng 6 công lúa vụ đông xuân coi như không thu hoạch được do mặn xâm nhập đồng ruộng. Đến vụ hè thu, tôi không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng dưa hấu. Mùa này, dưa hấu lại được giá” - chị Lê Thị Mộng Thu (ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) bày tỏ.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
Chỉ còn hơn tháng nữa, nông dân ở ĐBSCL sẽ bước vào cao điểm thu hoạch vụ hè thu nên chắc hẳn không tránh khỏi cảnh lúa rớt giá do trùng với thời điểm Thái Lan xả hơn chục triệu tấn gạo tồn kho.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết hiện giá lúa khô loại thường tại các kho ở khu vực ĐBSCL dao động 5.400-5.500 đồng/kg; lúa dài khoảng 5.700-5.800 đồng/kg, giảm từ vài trăm đến 1.000 đồng/kg so với vài tuần trước. Một số địa phương ở ĐBSCL đã thu hoạch vụ hè thu, như: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long... Giá lúa hạt dài dao động 5.400-5.600 đồng/kg, lúa IR 50404 khoảng 4.800 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg so với tháng trước.
Ông Lê Văn Lam - ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp - cho biết nếu thương lái mua lúa với giá từ 4.500 đồng/kg thì xem như nông dân lãi khoảng 30% so với giá thành sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận này vẫn chưa bảo đảm cho người dân yên tâm sản xuất, nhất là đối với những hộ dân có diện tích đất chỉ vài hecta.
“Nếu giá lúa 4.500 đồng/kg thì coi như mỗi hecta lúa, nông dân chỉ lời được 10 triệu đồng. Với số tiền như vậy thì làm sao một hộ dân với 3-4 nhân khẩu đủ sống trong thời gian dài đến hơn 3 tháng để chờ đến vụ mùa kế tiếp? Tôi đang lo lắng vì chỉ còn hơn tháng nữa sẽ bắt đầu thu hoạch vụ hè thu nhưng giá lúa cũng đang giảm xuống từng ngày” - ông Lam lo lắng.
Nông dân Huỳnh Minh Tâm (ngụ xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cũng lo ngại vụ hè thu năm nay chưa biết năng suất ra sao vì thời tiết quá khắc nghiệt. “Nay lại nghe thông tin Thái Lan bán gạo ra thị trường với giá rẻ nên tôi và nhiều nông dân khác đang thấp thỏm vì nhất định nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước” - ông Tâm rầu rĩ.
Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho rằng lúa tăng giá từ đầu vụ đông xuân kéo dài cho đến nay là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy nhiên, thông tin Thái Lan bán hơn 11 triệu tấn gạo tồn kho trong tháng 5 và tháng 6 này - trùng với thời điểm thu hoạch vụ hè thu - sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường lúa gạo nội địa.
Theo TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối - Bộ NN-PTNT, dù chưa biết thông tin Thái Lan xả 11 triệu tấn gạo tồn kho như thế nào nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng một phần nào đó đến giá gạo trong nước cũng như thị trường thế giới. Do đó, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu VFA phải theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để có hướng xử lý phù hợp.
Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết Thái Lan xả những loại gạo thơm nhưng đã quá cũ, phần lớn tồn kho từ năm 2013 đến nay nên chất lượng rất tệ. Do đó, nếu đem gạo này so với gạo mới của Việt Nam thì không thể nào bằng. “Bài học kinh nghiệm trong nhiều năm qua là Thái Lan đều xả gạo tồn kho nhưng chẳng bao giờ bán được hết vì chất lượng quá kém” - ông Xuân nhận xét.
Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, không nên quá lo lắng trước thông tin Thái Lan xả gạo tồn kho. “Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn làm hàng trăm ngàn hecta lúa ở ĐBSCL thiệt hại, giảm lượng cung. Trong khi đó, một số nước nhập khẩu gạo ở châu Á cũng bị ảnh hưởng do El Nino nên nguồn lương thực sẽ giảm và nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Thái Lan chỉ xả hàng phẩm chất thấp, trong khi còn nhiều phân khúc thị trường gạo khác mà chúng ta có thể nhắm vào để xuất khẩu. Tại địa phương, khi nông dân vừa xuống giống vụ hè thu là có thương lái tới đặt cọc mua liền, như vậy nông dân không cần lo” - ông Tự nhận định.
Bỏ xứ đi làm thuê
Ông Võ Văn Khoa - Chủ tịch UBND thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng - cho biết thị trấn có 5 ấp với hơn 10.000 hộ, hiện đã có hơn 1.300 hộ dân rời làng đi khắp nơi kiếm sống, số người quay về chỉ khoảng hơn 30 người. Nguyên nhân người dân bỏ xứ tha phương cầu thực là do hạn hán khốc liệt, đất đai cằn cỗi không sản xuất được gì.
Không chỉ Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, nhiều người dân ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng phải ly hương kiếm sống vì hạn hán. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: “Xã có hơn 3.000 hộ dân thì có tới 1.000 hộ nghèo. Năm nay hạn sớm, sông ngòi cạn kiệt, ruộng lúa chết trắng đồng. Từ Tết tới giờ, xã đã chứng nhận cho 306 người rời quê lên TP HCM kiếm sống”.
D.Nhân
|
Phát triển rừng để chống hạn
Tại hội thảo “Khô hạn và các giải pháp khắc phục tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức ở Ninh Thuận ngày 12-5, các chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, mang tính bền vững là phát triển rừng. Bởi lẽ, khi rừng được phát triển bền vững sẽ duy trì toàn diện hệ sinh thái.
Trên cơ sở phân tích thực trạng hạn hán ở khu vực ven biển miền Trung, các chuyên gia cũng đề xuất lập kế hoạch phát triển vùng cho 4 tỉnh đang bị hạn hán khốc liệt nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Hà Tĩnh.
Đại diện các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường 4 tỉnh nêu trên đã trình bày kế hoạch ứng phó với hạn hán, bao gồm ít nhất 4 giải pháp đồng bộ: xây dựng hệ thống liên hoàn hồ thủy lợi để điều tiết nước cho những vùng khô hạn cục bộ; thực hiện mô hình thủy lâm kết hợp để giữ mạch nước ngầm; xây dựng đập dâng ở hạ lưu các sông chính, lưu lượng lớn để giữ nước trong mùa khô và ngăn chặn tối đa tình trạng xâm mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa nếu xảy ra hạn hán, thay bằng các loại cây ngắn ngày, cây công nghiệp để tiết kiệm nước.
Theo ông Mai Văn Trịnh, chuyên gia của Viện Môi trường - Nông nghiệp Việt Nam, các nhà khoa học trong nước đã lai tạo thành công một số giống cây lương thực ngắn ngày nhưng năng suất cao, chịu hạn tốt như: lúa CH207, CH5; bắp 30Y87, NK6410; đậu phộng DH01, LDH04… có thể giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng. Ông Trịnh cũng đề xuất áp dụng công nghệ tưới khô xen lẫn tưới ướt để tiết kiệm nước trong mùa hạn.
L.Trường
|
Thốt Nốt- Ca Linh
Người Lao Động
|