Xuất khẩu hồ tiêu: gậy ông đập lưng ông
Cho tới thời điểm này, Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) vẫn chưa công bố các số liệu thống kê về diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu thế giới hai năm gần đây. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê về thương mại mặt hàng này của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) vừa công bố, có căn cứ để suy đoán rằng, nguyên nhân sốt nóng giá hồ tiêu thế giới trong năm 2015 bắt nguồn từ nước ta, và do vậy, việc giá hồ tiêu xuất khẩu trong những tháng qua “rơi tự do” là do “gậy ông đập lưng ông”.
“Già néo đứt dây”?
Việc giá hồ tiêu thế giới trong năm 2015 cao kỷ lục, tới 9.438 đô la Mỹ/tấn bắt nguồn từ tình trạng cung không đủ cầu của thị trường thế giới. Chính chúng ta là tác nhân gây ra tình trạng này.
Các số liệu thống kê có lẽ chưa đầy đủ của ITC và Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới trong năm 2015 chỉ đạt gần 391.000 tấn, giảm 14.400 tấn (3,6%) so với năm 2014. Trong khi tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của 39 quốc gia sản xuất mặt hàng này đạt gần 166.000 tấn, tăng gần 26.000 tấn (18,4%) so với năm 2014 thì khối lượng xuất khẩu của nước ta, quốc gia trở thành “vựa” hồ tiêu lớn nhất của thế giới từ năm 2007 trở lại đây, đã giảm gần 23.000 tấn (14,6%).
Những quốc gia không sản xuất hồ tiêu, nhưng lâu nay vẫn thường xuyên chiếm trên dưới 20% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới, có phải là “đồng phạm” hay không? Các số liệu thống kê của ITC cho thấy, trong năm 2015, tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nhóm các nước này giảm 17.600 tấn (16,0%) so với năm 2014. Do vậy, đã góp phần vào tình trạng cung nhỏ hơn cầu trên thị trường hồ tiêu thế giới.
Vì sao trong năm 2015 lại có tình trạng giảm cung ở những nước này và nước ta?
Theo số liệu thống kê của ITC, trong năm 2014, nhóm các nước này đã tăng đột biến khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của mình thêm 20.700 tấn và nâng thị phần lên kỷ lục 27,2%. Nhiều khả năng các quốc gia chuyên nhập hồ tiêu để xuất kiếm lời này đã “vét” kho hồ tiêu dự trữ để xuất khẩu trong năm 2014, cho nên buộc phải giảm khối lượng xuất khẩu trong năm 2015, cho dù giá vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2015, sản lượng hồ tiêu nước ta đạt kỷ lục với gần 169.000 tấn, tăng hơn 17.000 tấn (11,3%) so với năm 2014. Đối chiếu với khối lượng đã xuất khẩu trong năm 2015, có thể thấy chúng ta đã “găm” 40.000 tấn hồ tiêu lại không xuất khẩu ngay.
Nhiều khả năng Việt Nam sẽ là “thủ phạm chính” đẩy thị trường “gia vị vua” này rơi vào tình trạng bão hòa, giá hồ tiêu xuất khẩu của thế giới sẽ giảm mạnh, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của ta giảm.
|
Đến nay, giá trị của 40.000 tấn hồ tiêu này (nếu tính theo giá xuất khẩu bình quân 9.507 đô la Mỹ/tấn trong năm 2015), đã “co lại” mất khoảng 75 triệu đô la Mỹ do giá xuất khẩu đã liên tục giảm trong năm tháng trở lại đây.
Không những vậy, tuy chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng cũng đã có dấu hiệu cho thấy, chúng ta đang bán tháo hồ tiêu ra thị trường thế giới.
Thứ nhất, sau hai tháng đầu năm tiết giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015, tháng 3 vừa qua khối lượng hồ tiêu xuất khẩu đã tăng đột biến 46,6% và bằng kỷ lục của cùng kỳ năm 2014.
Thứ hai, theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ của ITC, trong khi giá hồ tiêu hạt bình quân trên thị trường thế giới chỉ giảm nhẹ từ 8.450 đô la Mỹ/tấn vào tháng 10 năm ngoái xuống còn 8.360 đô la Mỹ/tấn trong tháng 3 vừa qua, tức là chỉ giảm 91 đô la Mỹ/tấn (0,6%) thì giá hồ tiêu bình quân của nước ta đã “rơi tự do” tới 2.379 đô la Mỹ/tấn (25,9%).
Nếu như từ tháng 11-2015 trở về trước, với việc găm hàng lại, làm cho thị trường hồ tiêu thế giới khan hàng, chúng ta là “đầu tàu” kéo giá hồ tiêu thế giới lên, thì nay, chúng ta đang là “đầu tàu” kéo giá hồ tiêu thế giới xuống.
Với việc có tới hơn 40.000 tấn hồ tiêu tồn kho vào đầu năm nay, bằng 10% tổng khối lượng hồ tiêu buôn bán trên thị trường thế giới cả năm vừa qua, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Kịch bản nào trong những năm tới?
Với việc diện tích hồ tiêu nước ta đã liên tục tăng mạnh từ năm 2012 đến nay (năm 2013 tăng tới 9.000 héc ta và đã bắt đầu cho thu hoạch), thì từ nay cho đến năm 2019, bình quân mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp thêm cho thị trường thế giới khoảng 22.000 tấn.
Cũng không thể không kể đến khả năng diện tích và sản lượng của 39 nước sản xuất hồ tiêu khác cũng đã tăng do tác động của cơn sốt nóng giá thế giới kéo dài từ năm 2011 đến nay, mà việc các nước này đã tăng gần 26.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu trong năm 2015 mới chỉ là bước khởi động đầu tiên.
Trong điều kiện nguồn cung trên thị trường hồ tiêu thế giới không còn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí giảm như trong giai đoạn 2007-2012, mà ngược lại tăng mạnh như vậy, chắc chắn giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ còn giảm trong trung hạn.
Thực tế cho thấy quá trình giảm giá hồ tiêu thế giới luôn diễn ra liên tiếp trong nhiều năm và mức giảm cũng rất lớn, thậm chí chỉ còn hơn một phần ba so với mức giá đỉnh ở thời điểm sốt nóng liền kề trước đó.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, rất có thể hiện tại và một vài năm tới vẫn còn là những năm của “nửa vòng xoáy trồng”, còn những năm cuối thập kỷ này và đầu thập kỷ tới sẽ là “nửa vòng xoáy chặt” của hồ tiêu của thế giới.
Hiện vẫn còn rất sớm để nói đến chuyện “nửa vòng xoáy chặt” hồ tiêu sẽ diễn ra ở những quốc gia nào trên thế giới, nhưng theo quy luật cạnh tranh, với năng suất cao gấp 2,2-3,8 lần so với năng suất bình quân của phần còn lại trên toàn thế giới, rõ ràng cây hồ tiêu Việt Nam vẫn có thể trụ vững.
Hai quốc gia hiện vẫn còn chiếm hơn 70% diện tích hồ tiêu thế giới là Indonesia và Ấn Độ chỉ có năng suất bằng một phần tư và một phần năm của nước ta, cho nên có nhiều khả năng đó sẽ tiếp tục là các quốc gia đi tiên phong trong việc xóa bỏ diện tích trồng loại cây này.
Do vậy, thay vì chiếm hơn 40% như hiện nay, chắc chắn thị phần của Việt Nam trên thị trường hồ tiêu thế giới sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh và vượt qua ngưỡng 50% ngay trong một vài năm tới.
Nói tóm lại, với việc tăng “sốc” diện tích hồ tiêu trong mấy năm gần đây và sẽ tăng “sốc” khối lượng hồ tiêu trong mấy năm tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ là “thủ phạm chính” đẩy thị trường “gia vị vua” thế giới rơi vào tình trạng bão hòa, giá hồ tiêu xuất khẩu của thế giới giảm mạnh, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của ta giảm, cho dù ta có tăng mạnh khối lượng xuất khẩu.
Cho dù “gậy ông đập lưng ông” như vậy, nhưng cây hồ tiêu Việt Nam vẫn có thể trụ vững. Có điều, siêu lợi nhuận như trước đây không còn.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|