Nông nghiệp hữu cơ – Trông chờ gì từ chính sách?
Sáng 12-5, một hội thảo nông nghiệp hữu cơ hiếm hoi có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và Bộ Khoa học, Công nghệ đã diễn ra tại TPHCM, thu hút đông đảo, đa dạng các thành phần tham dự. Tuy vậy, kết thúc hội thảo, không hẳn ai cũng thỏa kỳ vọng của mình.
* Sản phẩm hữu cơ: Sản xuất đã khó, bán còn khó hơn
Một đĩa nông sản hữu cơ được chiêu đãi khách tham dự trong bữa cơm trưa ngay sau hội thảo. Ảnh: Mayu Ino
|
Không giống như những hội thảo thông thường với phần tham luận và phiên tọa đàm, hội thảo diễn ra sáng 12-5, kéo dài đến hết buổi sáng, chỉ gồm phần trình bày tham luận của các diễn giả, không tọa đàm, không đối thoại. Trong số các diễn giả có một số gương mặt quen thuộc trong giới nông nghiệp hữu cơ như tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Tổng giám đốc Công ty Organik Đà Lạt; ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú; tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng.
Kinh nghiệm 11 năm trồng rau theo phương pháp canh tác hữu cơ của ông Nguyễn Bá Hùng, bảy năm làm gạo của ông Phú, cùng bài tham luận của các nhà sản xuất khác cũng như đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia… tất cả đều được nén lại, trình bày trong giới hạn 8-10 phút. Với chừng ấy thời gian, thật không thể trông chờ gì hơn từ các diễn giả ngoài những nét phác thảo sơ lược, tổng quan về bức tranh hữu cơ Việt Nam và xu hướng phát triển thị trường hữu cơ trên thế giới.
Khách quan nhìn nhận, cấu trúc chương trình phù hợp với mục tiêu ban tổ chức đề ra, được thể hiện qua ngay tên gọi của hội thảo: “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp Organic Việt Nam – Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”. Hội thảo được đồng tổ chức bởi Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối và Công ty cổ phần Organic Life.
Ban tổ chức trông chờ gì từ phía Nhà nước qua hội thảo này? Trong câu chuyện trao đổi cùng báo chí bên lề hội nghị, ông Lê Thành, Chủ tịch Công ty Organic Life, đơn vị đồng tổ chức sự kiện, cho biết ông mong đợi Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; giúp các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được các nguồn vốn viện trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), các nguồn vốn ODA từ các quốc gia khác; xác định và công bố những vùng/khu vực nào thích hợp để trồng nông sản hữu cơ. "Với bản đồ xác định rõ ràng như vậy, chúng tôi có thể dễ dàng chứng minh với các đối tác trên thế giới về năng lực cung cấp của Việt Nam", ông Thành chia sẻ.
Với góc nhìn của một nhà đầu tư như ông Thành hay của những doanh nghiệp lớn mà sản phẩm của họ được giới thiệu tại hội thảo, xuất khẩu sẽ là hướng đi mà họ nhắm đến. Với họ, việc lấy các chứng nhận hữu cơ đạt chuẩn Mỹ hay châu Âu để vào từng thị trường phù hợp là điều không quá khó khăn. Những điều này không có gì bất hợp lý cả.
Thế nhưng, với những doanh nghiệp nhỏ phục vụ thị trường trong nước, cái họ cần là một chứng nhận hữu cơ để có thể minh chứng với khách hàng. Với họ, hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như khi nào Việt Nam có chứng nhận hữu cơ cho riêng mình? Những ai có thể tham gia cấp chứng nhận này? Và làm sao để được cấp phép đủ thẩm quyền cấp chứng nhận? Đó là những câu hỏi sát sườn, đáng quan tâm. Rất tiếc, những câu hỏi này đã không được đề cập, trao đổi tại hội thảo.
Cầm phiếu ghi nhận với câu hỏi ngắn gọn “Đâu là cơ hội cho nông dân, những nhà sản xuất nhỏ tham gia nông nghiệp hữu cơ?”, ông Nguyễn Hùng, đại diện một doanh nghiệp nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, phân vân không biết có nên gửi hay không. Với ông cũng như một số người khác, hội thảo dường như chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, những đại gia với diện tích trồng trọt cả ngàn héc ta và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Hai năm trước, một nhóm các bạn trẻ lên Đà Lạt trồng rau hữu cơ. Họ gõ cửa các nhà đầu tư nhưng việc hợp tác bế tắc khi họ không tìm được câu trả lời cho câu hỏi “ai cấp chứng nhận hữu cơ cho anh” từ phía đối tác. Ví dụ khác, một dự án 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2013, được một tổ chức của Nhật tài trợ tại Huế để sản xuất rau hữu cơ cho nông dân cũng đi vào ngõ cụt khi gặp vấn đề tương tự.
Xin kể vậy để thấy vai trò của giấy chứng nhận nông sản hữu cơ. Thế nhưng, sau hội thảo, những nhà sản xuất nhỏ trong nước có lẽ rồi vẫn sẽ loay hoay với câu hỏi ai sẽ cấp chứng nhận hữu cơ cho mình; ai sẽ cho mình một cái chính danh để thuận ngôn với khách hàng.
Thật ra, tại Việt Nam, doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký với tổ chức Control Union để họ kiểm định quá trình canh tác và cấp chứng nhận hữu cơ như cách Viễn Phú hay Tập đoàn TH đã làm. Tuy nhiên chi phí đắt đỏ. Bên cạnh các chứng nhận từ Control Union, một chứng nhận hữu cơ khác được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) phát triển cũng có mặt tại Việt Nam là PGS Việt Nam. Điểm hạn chế là triết lý hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS Việt Nam (Hệ thống đảm bảo các bên cùng tham gia) chỉ hướng đến những hộ nông dân nhỏ giúp họ canh tác và đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường, chứ chưa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nhỏ. Và một điểm hạn chế khác, PGS Việt Nam hiện mới chỉ hiện diện ở Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Quảng Nam và Bến Tre.
Vậy khi nào Việt Nam sẽ có chứng nhận hữu cơ chính thức cho riêng mình?
Với cam kết sẵn sàng ngồi lại với doanh nghiệp để cùng nhau tìm cách thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ như lời phát biểu của ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào cuối hội thảo, những người làm nông nghiệp hữu cơ có thể trông chờ và hy vọng.
Tuy vậy, có lẽ một kết quả nhanh chóng sẽ là điều khó khả thi nếu chúng ta biết rằng từ ngày 29-12-2006 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định 4094 QĐ/BNN – KHCN ban hành hành Tiêu chuẩn Ngành số 10TCN 602 : 2006 mang tên HỮU CƠ – TIÊU CHUẨN VỀ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ VÀ CHẾ BIẾN. Thế nhưng kể từ đó đến nay, gần 10 năm đã qua, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, chế biến và các đối tượng quan tâm khác thực hiện.
Dẫu biết việc xây dựng một chứng nhận hữu cơ nghiêm túc và có uy tín là việc không hề dễ dàng và hẳn là không thể vội vàng. Thế nhưng không thể vội vàng không đồng nghĩa với sự chậm trễ mà Tiêu chuẩn 10TCN 602:2006 là một ví dụ cần xem lại.
Đức Tâm
tbktsg
|