Châu Âu bắt buộc ghi nguồn gốc các loại cá trên thị trường
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua quy định dán nhãn nguồn gốc các loại cá trên thị trường.
Ảnh minh họa
|
Theo đó, các loại cá được sử dụng làm món ăn trong các nhà hàng và bán tại các siêu thị phải có chứng nhận nguồn gốc, chủng loại rõ ràng thông qua một hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình từ đánh bắt, vận chuyển, chế biến đến sử dụng.
Quy định này của EP nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước thực trạng gian lận hiện nay của các nhà hàng thủy hải sản trên khắp châu Âu.
Kết quả một cuộc điều tra gần đây tại 29 nước châu Âu ghi nhận tới 6% các món ăn từ cá bị gian lận về chủng loại hoặc nguồn gốc. Thực tế hiện nay tại các nước châu Âu, đại đa số người tiêu dùng không có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa cá bơn với cá nhân hoặc giữa cá tra với cá mú.
Theo ông Lasse Gustavsson, Giám đốc điều hành của Oceana, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ biển và đại dương, hệ thống truy xuất nguồn gốc từ quá trình đánh bắt đến sử dụng không chỉ cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng mà còn rất quan trọng để bảo đảm tính bền vững của các chính sách về thủy sản tại châu Âu, đặc biệt là để ngăn chặn sự thâm nhập của các loại cá bất hợp pháp hoặc không an toàn.
Gian lận về chủng loại thực phẩm không phải là một điều mới mẻ đối với người tiêu dùng quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn tại châu Âu, đặc biệt là sau vụ bê bối thịt ngựa ở Anh. Để kiểm soát thực trạng này, EP cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) mở rộng quy định về nguồn gốc bắt buộc cho các sản phẩm khác như sữa, bơ, pho mát, sữa chua và tất cả các sản phẩm thịt.
Huyền Anh
Chính phủ
|