Bàng hoàng phân bón
Hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát chất lượng, chứng nhận sai phạm, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép cũng được đóng dấu “hợp quy”... Những sản phẩm này bán công khai, tràn lan ở mọi nơi trên cả nước.
Đó là thông tin khiến hàng triệu nông dân, nhiều người dân bàng hoàng về kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 11 đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón được Cục Trồng trọt chỉ định vừa công bố. Theo kết luận, các tổ chức chứng nhận, phòng thử nghiệm được chỉ định đã: Chứng nhận chất lượng sản phẩm phân bón không theo quy định; Sử dụng phòng thử nghiệm chưa được chỉ định để phân tích tiêu chuẩn phân bón và sử dụng kết quả phân tích không có giá trị sử dụng để cấp giấy chứng nhận hợp quy cho doanh nghiệp; Không thực hiện đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường; Giả mạo hồ sơ để đăng ký chỉ định tổ chức chứng nhận; Gian dối trong chứng nhận hợp quy cho sản phẩm phân bón khi chưa được phép lưu hành trên thị trường... Điển hình là các đơn vị: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ, Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hoá xuất nhập khẩu, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2...
Vậy là hàng loạt hành vi được phát hiện khi các đơn vị này đã có những sai phạm diễn ra từ lâu trước đó. Khó có thể đánh giá số lượng phân bón đã bán ra thị trường với những chứng nhận tiêu chuẩn sai phạm, lại càng khó để đánh giá được những thiệt hại mà người tiêu dùng - những nông dân nghèo khó - phải gánh chịu khi họ mua phải phân bón kém chất lượng. Nhưng một điều dễ thấy, các đơn vị sai phạm, doanh nghiệp đã thu nhiều tỷ đồng từ tiền phí chứng nhận cũng như doanh thu từ mặt hàng phân bón.
Sản xuất nông nghiệp nước ta vốn nhiều yếu kém, nay trước xu thế hội nhập những khó khăn lại càng gay gắt hơn, nhưng đó là điều khách quan. Trong khi Đảng và Nhà nước dành nhiều chính sách để hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân thì những những sai phạm như kết luận thanh tra trên đã xóa đi không nhỏ sự nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp. Mặt khác, là đối tượng chịu nhiều vất vả nhất trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp nhưng nông dân đang bị động về nhiều mặt, từ cây con giống, đầu ra cho sản phẩm, đến những nhóm hàng phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc trừ sâu), trong khi lợi nhuận chỉ được phần nhỏ, còn hậu quả từ các sai phạm thì phải gánh phần lớn. Không những vậy, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, mặn xâm nhập ở Nam bộ đang là những yếu tố vắt kiệt sức sản xuất của người dân.
Nhìn thẳng thực tế, nông dân vẫn là nhóm đang chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nền kinh tế. Bên cạnh những biện pháp khắc phục khó khăn do khách quan mang lại, các cơ quan chức năng cần triệt để xử lý những đối tượng đang cố tình vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người làm nông nghiệp. Xử lý nghiêm những đối tượng đưa ra thị trường những loại phân bón kém chất lượng cũng chính là xử lý đối tượng gây mất mùa, làm nghèo hóa nông dân. Những chính sách hỗ trợ nông dân sẽ không bao giờ có kết quả tốt nếu các mặt hàng đầu vào, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp gian dối, giả mạo cứ liên tục tấn công người nông dân.
Văn Bắc
hải quan
|