Thứ Hai, 09/05/2016 21:08

Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Phạm vi Vùng thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24,315 km2.

Vùng thủ đô được xác định là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giao dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đồng thời, còn là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia, có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Theo đó, chỉ tiêu dân số-lao động đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 21-23 triệu người, trong đó, tại đô thị là 11.5-13.8 triệu người, nông thôn là 9.2-9.5 triệu người; khoảng 12-13.2 triệu lao động.

Tỷ lệ đô thị hóa đến 2030 đạt khoảng 55-60%.

Theo ý kiến của Thủ tướng, từ năm 2030 đến 2050, dân số-lao động và tỷ lệ đô thị hóa của Vùng có xu hướng tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế, việc làm dẫn đến tăng khả năng thu hút lao động nhập cư và có xu hướng ổn định dần.

Đối với đất xây dựng đô thị, đến năm 2030 đạt khoảng 157,600-183,700 ha, bình quân 100-130 m2/người (riêng Hà Nội khoảng 150 m2/người). Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 160,100-153,800 ha, bình quân 130-160 m2/người.

Về định hướng phát triển không gian vùng, theo chỉ đạo, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là những địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế… Cụ thể:

Hà Nội sẽ phát huy vai trò trung tâm động lực chính, đầu mối quản lý, kinh doanh, nghiên vứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn như trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng; trung tâm hội chợ; trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây Hồ Tây; các khu nghiên cứu đào tạo công nghệ cao (khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc); trung tâm văn hóa – lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long, vườn quốc gia Ba Vì…). Đến năm 2030, đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 65-70%.

Vĩnh Phúc sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước, tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, trung chuyển hàng hóa (logistics tại Bình Xuyên, Tân Tiến- Vĩnh Tường…), du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (Tam Đảo-Tây Thiên, Tam Đảo 2, Đại Lải, Đầm Vạc, hồ Sáu Vó, Vân Trục…), y tế và đào tạo chất lượng cao (khu đô thị đại học Vĩnh Phúc). Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 63-68%.

Bắc Ninh sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức, trung tâm y tế-nghỉ dưỡng của Vùng, tăng cường phát triển các chức năng về thương mại (trung tâm thương mại Bắc Ninh, logistics cấp vùng…), du lịch văn hóa-lịch sử (thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, chùa Phật Tích, núi Dạm, hành lang sông Cầu…), đào tạo công nghệ cao (Yên Phong)… Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa từ 55-60%.

Trong khi đó, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam sẽ phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển (hành lang Hà Nội-Phố Nối-Hải Dương-Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên-Đồng Văn-Phủ Lý), phát triển các dịch vụ công nghiệp-đô thị kết nối trung tâm vùng thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển, phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế… Cụ thể:

Hải Dương phát triển y tế và giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch (Côn Sơn-Kiếp Bạc, Kinh Môn…), dịch vụ đô thị và công nghiệp phía Đông vùng thủ đô và vùng đồng bằng Sông Hồng. Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 55-60%.

Hưng Yên phát triển về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm cấp vùng về giáo dục đào tạo (khu đô thị đại học Phố Hiến), dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp (Phù Cừ, Tiên Lữ, Yên Mỹ…) và dịch vụ trung chuyển hàng hóa (Lạc Đạo, Bô Thời – Dân Tiến) phía Đông Nam của vùng thủ đô. Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 50-55%.

Hà Nam phát triển về y tế và giáo dục (khu đô thị đại học Nam Hà Nội), du lịch quốc gia (Tam Chúc-Ba Sao, Kim Bảng…), dịch vụ trung chuyển hàng hóa (logistics tại Đồng Văn) phía Nam vùng thủ đô. Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 47-52%.

Với các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng thủ đô Hà Nội với vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cụ thể:

Hòa Bình đóng vai trò vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (văn hóa Mường, Thái, Dao…); phát triển các trung tâm du lịch-đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (hồ Hòa Bình, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi…). Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 43-48%.

Phú Thọ phát triển các vùng du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái (Đền Hùng, Xuân Sơn…), dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Tây Bắc của vùng (logistics tại thành phố Việt Trì). Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 48-53%.

Thái Nguyên phát triển về y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao cho vùng thủ đô Hà Nội và toàn quốc, du lịch quốc gia (hồ Cốc, ATK…), công nghiệp công nghệ cao tại phía Nam tỉnh, sản xuất nông lâm nghiệp tại các huyện phía Bắc tỉnh. Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 45-50%.

Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung tâm chuyển hàng hóa của vùng thủ đô với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), phát triển du lịch (Tây Yên Tử, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn…), sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp tại các huyện phía Đông. Đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 40-45%.

Mặt khác, định hướng phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sẽ có quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp dự kiến đến năm 2030 khoảng 41,100 ha (Hà Nội 7,500 ha, Vĩnh Phúc 7,000 ha, Bắc Ninh 5,000 ha, Hải Dương 5,000 ha, Hưng Yên 4,000 ha, Hà Nam 4,000 ha, Hòa Bình 1,600 ha, Phú Thọ 3,000 ha, Thái Nguyên 2,000 ha và Bắc Giang 2,000 ha).

Định hướng phát triển thương mại dịch vụ, dự kiến đất xây các trung tâm thương mại đầu mối đến năm 2030 khoảng 1,750 ha (Hà Nội 400 ha, Vĩnh Phúc 200 ha, Bắc Ninh 200 ha, Hải Dương 200 ha, Hưng Yên 1500 ha, Hà Nam 150 ha, Hòa Bình 100 ha, Phú Thọ 100 ha, Thái Nguyên 150 ha và Bắc Giang 100 ha)./.

Các tin tức khác

>   Quy hoạch Vùng thủ đô, sân bay Nội Bài có thể tiếp nhận 50 triệu hành khách/năm (10/05/2016)

>   Đẩy nhanh tiến độ dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (09/05/2016)

>   Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu dân cư phường 4, quận Tân Bình (09/05/2016)

>   UDC: Quý 2 hạch toán doanh thu chuyển nhượng dự án chung cư Bàu Sen (09/05/2016)

>   Đề xuất hơn 6.700 tỷ đồng xây đường cao tốc Hàm Nghi-Vũng Áng (09/05/2016)

>   Dự án Cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ của CII đã được UBND thành phố phê duyệt (09/05/2016)

>   40 năm đòi quyền lợi từ 7,5 ha đất (09/05/2016)

>   ĐHĐCĐ Địa ốc Sài Gòn: Tăng vốn lên 500 tỷ trong năm 2017, cổ tức duy trì 15% (06/05/2016)

>   Luật gia thắng kiện, thân chủ phải trả hơn 54 tỉ đồng (06/05/2016)

>   Tái khởi động dự án 154 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (06/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật