Thứ Sáu, 15/04/2016 13:51

Sợ tăng chi phí vốn, doanh nghiệp tha thiết xin gia hạn vay ngoại tệ

Thông tư số 24 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, kể từ ngày 1.4, các ngân hàng không còn được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh trong nước. Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương chống đô la hóa của NHNN, tuy vậy chủ trương này cũng gây lo lắng cho không ít doanh nghiệp (DN), nhất là các đơn vị xuất khẩu.

Nhiều bức xúc

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản được xem là bị tác động mạnh nhất. Theo thông tin từ lãnh đạo Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG), lâu nay họ vẫn vay ngoại tệ của một số ngân hàng với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm. Do công ty xuất khẩu cá tra và tôm nên luôn có nguồn thu ngoại tệ, trong khi công ty cần tiền đồng để thanh toán việc mua nguyên liệu trong nước hay trả chi phí nhân công. Việc vay ngoại tệ đã giúp doanh nghiệp này tiết kiệm không ít chi phí tài chính. Tuy nhiên, theo Thông tư 24, công ty không còn được vay USD để đổi ra tiền đồng nữa. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng lại cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên, từ đó làm giá thành hàng xuất khẩu bị đội lên, khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài giảm. Cũng theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc gia hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ đến hết quý I.2016 rất ngắn ngủi và khiến DN xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nay, nhà nước đã và đang có chủ trương khuyến khích các DN sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, gia tăng xuất khẩu nhưng kể từ tháng 4.2016, DN xuất khẩu mang lại ngoại tệ nhưng không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm mà chủ yếu vay vốn bằng VNĐ với lãi suất cao hơn từ 6,0-6,5%/năm. Điều này không chỉ làm giảm đi sức cạnh tranh của các DN đồng thời tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.

Hiện nay, đa phần các DN Việt Nam tham gia vào sản xuất xuất khẩu là các DN vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn. Các DN này chưa thể kịp cơ cấu sắp xếp được nguồn vốn khả dĩ cho các phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu năm 2016. Với quy định chỉ cho vay đến 31.3.2016, các DN đang phải chuyển sang vay nguồn ngắn hạn bằng VNĐ với lãi suất cao hơn nên họ càng gặp nhiều khó khăn.

Nút thắt lãi suất vay

Theo NHNN, chỉ một nhóm đối tượng là những doanh nghiệp vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước với mục đích hưởng lãi suất thấp mới không được vay nữa, còn các đối tượng khác vẫn được vay. Việc dừng cung cấp tín dụng ngoại tệ cho nhóm này sẽ góp phần chống đô la hóa, chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ. Giám đốc một công ty thuộc ngành dệt may cho biết, lãi vay VND đang cao hơn lãi suất vay ngoại tệ xấp xỉ 6%, thậm chí còn cao hơn nếu lãi suất VND biến động mạnh trong thời gian tới. Lâu nay, doanh nghiệp này vẫn vay ngắn hạn đô la Mỹ rồi chuyển thành tiền đồng, phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có trả lương cho công nhân. Vị giám đốc này cho biết, sau khi tính toán cụ thể, số tiền lãi suất vay mà công ty phải trả thêm khi không được vay với hình thức như trên là 3 tỉ đồng/năm. Mặc dù, doanh nghiệp vẫn được vay USD với lãi suất thấp để trả tiền nhập khẩu nguyên phụ liệu, nhưng phải vay tiền đồng với lãi suất cao hơn nếu muốn mua nguyên phụ liệu trong nước. Việc này vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu hơn là mua nguyên phụ liệu trong nước.

Các ngân hàng cũng thừa nhận việc siết cho vay ngoại tệ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các DN do chi phí vay vốn cao lên. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - cho biết, các DN có nhu cầu vay để thanh toán các khoản tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ vẫn được vay USD bình thường ở các kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Ngoài ra, các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của quốc gia; các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay thì vẫn được vay ngoại tệ ngắn hạn.

Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp cho rằng, NHNN không nên cào bằng hết loại hình doanh nghiệp như vậy. NHNN nên có chính sách để DN xuất khẩu được vay ngoại tệ, nhưng chọn lọc đối tượng. Những DN xuất khẩu thu ngoại tệ bằng hoặc cao hơn số ngoại tệ đã vay mới được giải quyết cho vay. Như vậy vừa khuyến khích được DN xuất khẩu vừa hạn chế được các trường hợp trục lợi từ chính sách như đã từng diễn ra thời gian qua. Bởi không được vay ngoại tệ, nếu mua hàng trong nước, nhiều DN sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài hơn là mua nguyên liệu trong nước, đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy nội địa hóa của Chính phủ.

Gia Miêu

lao động

Các tin tức khác

>   Tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam (15/04/2016)

>   Sẽ có những thay đổi với CAR tối thiểu (15/04/2016)

>   ĐHĐCĐ NamABank: Ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ trở lại HĐQT (15/04/2016)

>   ĐHĐCĐ Vietcombank: Giảm trích lập, lãi lớn trong quý 1/2016 (15/04/2016)

>   Ngân hàng VIB dự kiến chia cổ tức và cổ phiếu thưởng 25% cho năm 2015 (14/04/2016)

>   Cổ đông lớn của VietABank là ai? (14/04/2016)

>   Lãi suất gặp khó vì nợ xấu? (14/04/2016)

>   Ngân hàng Phương Đông: Trình kế hoạch tăng vốn lên 5,000 tỷ và lãi trước thuế 450 tỷ (13/04/2016)

>   Không cân đối được dòng vốn ngoại tệ, ngân hàng mang tiền gửi nước ngoài (13/04/2016)

>   Bổ sung quy hoạch lãnh đạo các cấp ngành Tài chính trước 30-4 (13/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật