Thứ Sáu, 15/04/2016 09:48

[Bài cập nhật]

ĐHĐCĐ Vietcombank: Giảm trích lập, lãi lớn trong quý 1/2016

ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 được tổ chức ngày 15/04 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (HOSE: VCB) đã thông qua tất cả tờ trình. Trong đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% và phát hành riêng lẻ với tỷ lệ tối đa 10% vốn cho cổ đông chiến lược.

Dự kiến sau khi thực hiện phát hành thì sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank sẽ giảm từ hơn 77% xuống còn 70%.

11h30: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VCB đã thông qua tất cả các tờ trình.

10h30: Đại hội chuyển sang phần thảo luận.

Sẽ thoái vốn tại 2 ngân hàng, tiếp kế hoạch M&A

Vietcombank có ý định thoái vốn tại các TCTD khác không?

Vietcombank đã xin NHNN cho giữ lại sở hữu tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB).

Đối với sở hữu tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính, Vietcombank dự kiến sẽ chỉ giữ lại 2 TCTD nhưng việc thoái vốn tại ngân hàng nào thì HĐQT cần xem xét. Kết quả cụ thể sẽ báo cáo tới các cổ đông sau.

Vietcombank có ý định thoái vốn khỏi OCB và SGB hay không? Nếu không thì tại sao?

Giá trị cổ phần mà Vietcombank sở hữu tại 2 ngân hàng này chỉ hơn 100 tỷ, rất nhỏ so với quy mô của Vietcombank. Định hướng trong tương lai Vietcombank sẽ chỉ nắm giữ cổ phần tại 2 TCTD, việc thoái vốn sẽ được HĐQT quyết định căn cứ theo hiệu quả kinh doanh của các TCTD mà Vietcombank đang nắm giữ, cũng như thị trường.

Vietcombank có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác trong năm 2016 không?

Vietcombank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tiến hành sáp nhập.

Do đó, khi nào thống nhất được đối tác, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua.

Hoàn tất phát hành cho cổ đông chiến lược trong năm 2016

Cổ đông chiến lược Mizuho Bank có ý định tham gia trong đợt chào bán sắp tới không?

Chưa có văn bản chính thức từ Mizuho Bank, tuy nhiên với những kết quả Vietcombank đạt được đến nay thì Mizuho đã trình Công ty mẹ để giữ tỷ lệ thấp nhất sau phát hành riêng lẻ là 15%.

Mizuho có tham gia nhưng có thể ko mua hết 10%

Định hướng đối với nhà đầu tư chiến lược như thế nào?

Nhà đầu tư chiến lược phải có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín và phải hỗ trợ hoạt động của Vietcombank.

Độ chắc chắn của việc phát hành cho cổ đông chiến lược như thế nào? Hiện tại ngân hàng có đối tác chiến lược nào tiềm năng chưa?

Vietcombank đã thuê 1 công ty tư vấn trên thị trường quốc tế để tìm kiếm đối tác tiềm năng. Hiện tại đã có một số cổ đông đáp ứng được yêu cầu và có ý định tham gia mua cổ phần. Theo đó, nếu được ĐHĐCĐ thông qua, phương án phát hành này sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Ước lãi trước thuế 2,300 tỷ trong quý 1/2016

Vietcombank định hướng thế nào về thị trường tín dụng tiêu dùng?

Theo đánh giá của Vietcombank thì đây là thị trường rất tiềm năng. Do đó, cách đây 1 tháng, Vietcombank đã thành lập công ty tín dụng tiêu dùng và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để chính thức tham gia vào thị trường này.

Việc thu hồi nợ xấu trong năm qua ở ngành nào?

Nợ xấu của Vietcombank thu hồi nợ xấu trong năm vừa qua chủ yếu từ các khách hàng thuộc lĩnh vực bất động sản, kinh doanh bất động sản và các khoản tín dụng nhưng có tài sản đảm bảo bằng bất động sản.

Kết quả kinh doanh quý 1/2016 như thế nào?

Nguồn vốn tăng 2.7%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành, trong đó cơ cấu vốn giá rẻ tăng mạnh, tín dụng trong quý 1/2016 tăng 6.5%. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1/2016 là 1.76% giảm nhẹ so với mức đầu năm, tuy nhiên số tuyệt đối có tăng do tín dụng tăng. Trích lập dự phòng rủi ro trong quý 1/2016 là 1,300 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 5,500 tỷ đồng).

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2016 của Vietcombank tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 2,300 tỷ, tăng hơn 61% cùng kỳ và tương đương 30% kế hoạch năm. Nguyên nhân do trích lập dự phòng giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận cả năm có thể sẽ không đột biến, nếu điều kiện cho phép thì Vietcombank sẽ trích cao hơn phần nợ đã bán cho VAMC mặc dù theo quy định thì ngân hàng có thể trích lập trong vòng 5 năm.

Việc áp dụng Thông tư 36 có ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng hay không?

Đối với Vietcombank gần như không ảnh hưởng.

Tỷ lệ tín dụng cho vay trung/dài hạn trên vốn ngắn hạn của Vietcombank chỉ hơn 24% thấp hơn quy định của Thông tư 36. Dư nợ cho vay bất động sản chỉ hơn 31,000 tỷ, tương đương 8%, trong khi các khoản vay có tài sản đảm bảo cao hơn tỷ lệ 150%.

Vietcombank "vượt" Thông tư 36

09h45: Bà Trương Lệ Hiền – Trưởng BKS  trình bày báo cáo BKS trong năm 2015.

Đáng chú ý, trong phần đánh giá hoạt động của Vietcombank trong năm 2015 liên quan đến việc tuân thủ pháp luật và chấp hành các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, bà Hiền cho biết Vietcombank trong năm đã có văn bản xin phép Chính phủ, NHNN đối với các trường hợp cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) khác vượt mức quy định.

Được biết, theo BCTC riêng kiểm toán năm 2015, hiện Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7.16% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB); 8.19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank); 5.07 vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4.3% vốn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SGB), ngoài ra Vietcombank cũng đang sở hữu 10.91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 36, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.

09h30: Ông Phạm Quang Dũng – Tổng Giám đốc VCB trình bày kết quả kinh doanh năm 2015 và định hướng hoạt động năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Vietcombank trong thời gian qua còn một số hạn chế, cụ thể:

  • Một số chi nhánh chưa hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh chính: (i) Chất lượng tín dụng suy giảm hoặc không cải thiện, đi ngược với xu hướng tích cực của toàn hệ thống; (ii) Tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ thấp và xu hướng suy giảm; (iii) Tiền gửi không kỳ hạn trong cơ cấu vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng tiềm lực của Vietcombank; (iv) Hệ số sử dụng vốn VNĐ thấp.
  • Tăng trưởng tín dụng chưa bền vững, còn tập trung vào các khách hàng lớn; tăng trưởng tập trung ở tín dụng trung dài hạn; hệ số sử dụng vốn chưa được cải thiện đáng kế.
  • Phát triển khách hàng, đặc biệt khách hàng FDI còn yếu, chưa thực sự bài bàn và có tính hệ thống, chưa chuyển biến mạnh mẽ nên không tạo được phát triển bứt phá của mang thanh toán quốc tế - thanh toán thương mại (TTQT-TTTM).
  • Tăng trưởng doanh số TTQT-TTTM của Vietcombank biến động cùng chiều với tăng trưởng kim ngạch XNK cả nước, tuy nhiên chưa bền vững; thị phần giảm.
  • Tiến độ thu hồi nợ xấu còn chậm; một số chi nhánh chưa thực sự nỗ lực trong xử lý thu hồi nợ xấu và nợ ngoại bảng.

09h00: ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Vietcombank bắt đầu.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Vietcombank được tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 15/04.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Sở hữu Nhà nước có thể giảm từ 77% xuống 70%

Theo tờ trình của HĐQT, năm 2016, VCB có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ khoảng 35% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Ngân hàng tại thời điểm chào bán.

Trong đó, phương án phát hành cổ phiếu thưởng sẽ được thực hiện trước với tổng khối lượng phát hành dự kiến là gần 933 triệu cp, tăng vốn điều lệ sau phát hành lên 35,977.8 tỷ đồng. Tiếp sau đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ, tương đương 359.8 triệu cp (tính theo vốn điều lệ sau khi phát hành cp thưởng), tăng vốn điều lệ của Ngân hàng lên gần 40,000 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo phương án phát hành riêng lẻ này, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cho tối đa 10 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trong đó có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank. Trong trường hợp chào bán tất cả 10% vốn cho một nhà đầu tư hay một nhóm nhà đầu tư có liên quan, Vietcombank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chào bán.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2015 của Vietcombank

Được biết, theo BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2015, ngoài cổ đông Nhà nước nắm giữ tỷ lệ hơn 77% vốn, đứng thứ hai là cổ đông chiến lược nước ngoài – Mizuho Bank của Nhật Bản với sở hữu gần 400 triệu cp, tương đương 15% vốn, và là cổ đông lớn nước ngoài duy nhất. Với phương án phát hành đã nêu trên, sau khi phát hành riêng lẻ, sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank dự kiến sẽ giảm xuống 70%.

Ngay trước thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra tại Vietcombank liên quan đến việc chấp hành chính sách pháp luật tại Vietcombank gồm các nội dung: Hoạt động tín dụng; hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư mua sắm; thời kỳ thanh tra trong năm 2014, 2015; thời gian thanh tra là 60 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ).

Kế hoạch lãi trước thuế 7,500 tỷ đồng

Bên cạnh phương án phát hành, HĐQT cũng sẽ trình cổ đông chỉ tiêu kế hoạch năm 2016: Tổng tài sản 765,438 tỷ đồng (tăng 13.5% so với thực hiện 2015); dư nợ cho vay khách hàng đạt 452,967 tỷ đồng (tăng 17%); tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá 578,458 tỷ đồng (tăng 15%); lợi nhuận trước thuế 7,500 tỷ đồng (tăng 10%) và mức cổ tức tối đa 10%. Nợ xấu dự kiến cuối năm 2016 sẽ ở mức dưới 2.5%.

Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của VCB đạt 674,395 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2014; dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giga1 đạt lần lượt 387,152 tỷ và 503,007 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,827 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ và vượt 16% kế hoạch.

Năm 2015, VCB huy động vốn từ nền kinh tế đạt 503,007 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó huy động vốn từ các tổ chức kinh tế tăng 14% và dân cư tăng 22%, cơ cấu vốn của các tổ chức kinh tế và dân cư trong tổng huy động vốn ở mức 45-55%. Trong khi đó, huy động vốn không kỳ hạn tăng 26% so với 2014, chiếm tỷ trọng 29% trong tổng huy động./.

Các tin tức khác

>   PNG: Báo cáo thường niên 2015 (15/04/2016)

>   DCT: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 (15/04/2016)

>   PEQ: Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/04/2016)

>   KSC: THÔNG BÁO VÀ TÀI LIỆU ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN 2016 (15/04/2016)

>   NBC: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 (15/04/2016)

>   TCBS: Báo cáo thường niên năm 2015 (15/04/2016)

>   ĐHĐCĐ GAS: Đã có kế hoạch cho kịch bản giá dầu về 20 USD/thùng (15/04/2016)

>   PTI: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/04/2016)

>   KHB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (15/04/2016)

>   VTV: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 (15/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật