Sẽ có những thay đổi với CAR tối thiểu
Theo dự kiến thông tư mới hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành trong quí 3 năm nay và áp dụng thí điểm với 10 ngân hàng thương mại (NHTM) từ năm 2017, rồi áp dụng chung đối với tất cả ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ năm 2019.
Quy định CAR tối thiểu, NHNN đòi hỏi các NHTM phải có một phần vốn tự có tham gia vào các giao dịch tài trợ vốn, trước hết để bù đắp rủi ro tín dụng, là rủi ro khi các khách hàng không hoàn trả đầy đủ cho ngân hàng. Ảnh: Tuệ Doanh
|
Khi áp dụng, thông tư mới này sẽ thay thế quy định về CAR tối thiểu tại Thông tư 36 hiện nay.
CAR là trụ cột quan trọng nhất trong các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Quy định CAR tối thiểu, NHNN đòi hỏi các NHTM phải có một phần vốn tự có tham gia vào các giao dịch tài trợ vốn, trước hết để bù đắp rủi ro tín dụng, là rủi ro khi các khách hàng không hoàn trả đầy đủ cho ngân hàng. Ngoài rủi ro tín dụng, dự thảo thông tư mới này đã cập nhật một số loại rủi ro khác, như rủi ro tín dụng đối tác, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Về nguyên tắc, các tài sản có mức độ rủi ro khác nhau sẽ được yêu cầu tỷ lệ vốn tự có khác nhau. Vậy những căn cứ nào để xác định rủi ro tín dụng của một tài sản?
Hệ số tín nhiệm
Việc cho phép sử dụng hệ số tín nhiệm do các tổ chức định giá tín nhiệm cung cấp để xác định yêu cầu vốn tối thiểu là một bước đi mới trong dự thảo thông tư nói trên. Tuy nhiên, NHNN mới chỉ cho phép áp dụng đối với các khoản phải đòi của các khách hàng là Chính phủ và các TCTD khác. Theo quy định hiện hành, yêu cầu vốn tối thiểu đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn trên ba tháng tại một TCTD trong nước bất kỳ là 4,5%. Nay, theo dự thảo thông tư nói trên, với các TCTD có hệ số tín nhiệm dưới B - hoặc không có hệ số tín nhiệm, mức vốn yêu cầu là 12%; ngược lại, với các TCTD có hệ số tín nhiệm từ AA - trở lên, vốn tối thiểu sẽ chỉ còn 4%.
Đối với các khoản cho vay doanh nghiệp, các tiêu chí để xác định yêu cầu vốn bao gồm tỷ lệ đòn bẩy vốn và doanh số bán hàng. Đối với các khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản, các NHTM sẽ sử dụng tỷ lệ tự tài trợ (LTV) có phân biệt giữa bất động sản kinh doanh và bất động sản không kinh doanh; đối với khoản vay thế chấp nhà ở, ngoài tỷ lệ LTV, NHTM phải tính thêm tỷ lệ thu nhập hàng năm của khách hàng vay trên tổng nợ phải trả (DSC).
“Đây là một công cụ mạnh để buộc các ngân hàng, cũng như doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị” - một chuyên gia tài chính nhận xét. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, ông khuyến nghị “NHNN nên sớm mạnh dạn cho phép các NHTM được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để phân loại và xác định yêu cầu vốn tối thiểu, hoặc ít nhất cũng nên cho phép các NHTM được áp dụng song song trong một thời gian nhất định để kiểm chứng như đang thực hiện với quy định về trích lập dự phòng rủi ro”.
Các biện pháp giảm thiểu rủi ro
Dự thảo thông tư nói trên quy định các NHTM được phép điều chỉnh giảm giá trị khoản phải đòi bằng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng (gồm tài sản đảm bảo; bù trừ số dư nội bảng; bảo lãnh của bên thứ ba; sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tín dụng) làm cơ sở để tính yêu cầu vốn. “Đây là một bước tiến so với quy định theo định tính hiện nay (chỉ phân biệt các khoản phải đòi có hoặc không có tài sản đảm bảo - NV). Quy định này sẽ cho phép vốn luân chuyển dễ dàng hơn, đặc biệt giữa các định chế tài chính, nơi nắm giữ chủ yếu giấy tờ có giá của nền kinh tế, từ đó có thể hy vọng vốn được phân bổ nhanh và hiệu quả hơn”, theo một thành viên tham gia xây dựng dự thảo thông tư.
Đáng chú ý là các tài sản đảm bảo được phép giảm trừ bao gồm cả chứng khoán niêm yết. Ví dụ, đối với các khoản cho vay dưới năm năm, cầm cố bằng chứng khoán niêm yết, với tỷ lệ tài trợ không quá hai phần ba thị giá, sẽ không còn yêu cầu về vốn tự có so với mức 13,5% hiện nay. Từ đây có thể hy vọng một nguồn vốn rất lớn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán.
Sức mạnh đa dạng hóa
Tại dự thảo thông tư trên, NHNN quy định hệ số điều chỉnh rủi ro 75% đối với tín dụng bán lẻ (trừ các khoản cho vay thế chấp nhà ở), tức là thấp hơn hệ số chuyển đổi của khoản phải đòi có thời hạn trên ba tháng đối với một ngân hàng có hệ số tín nhiệm BB+, ví dụ như một khoản tiền gửi tại Vietcombank. Điều này cho thấy sự thừa nhận của NHNN đối với tín dụng bán lẻ, vốn đặt cơ sở phòng ngừa rủi ro trên số lượng lớn các khoản vay nhỏ.
Rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động
Theo một hướng khác, dự thảo thông tư yêu cầu các NHTM sử dụng một phần vốn tự có để phòng ngừa rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc có sai sót, do con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yêu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với ngân hàng.
Quy định như vậy là phù hợp theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một vài người cho rằng NHNN cần rà soát để đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản. Ví dụ, khi đã áp dụng yêu cầu vốn để duy trì trạng thái ngoại hối, NHNN có thể xem xét bãi bỏ quy định về giới hạn trạng thái ngoại hối so với vốn tự có như hiện nay.
Gia Anh
tbktsg
|