Góc nhìn 25-29/04: "Bò" sẽ làm chủ "cuộc chơi"?
Các CTCK tin tằng thị trường đang bước vào giai đoạn tăng điểm ngắn hạn sau khi VN-Index chinh phục thành công mốc 580.
Tiếp tục khởi sắc
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Nhóm cổ phiếu bluechips đồng loạt bật tăng đã giúp VN-Index bất ngờ chinh phục mốc 590 điểm sau quãng thời gian dài chờ đợi. Thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý 1 đang đến gần với kì vọng của nhà đầu tư về những kết quả khả quan đã giúp thị trường khởi sắc. Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì vị thế mua ròng suốt tuần giao dịch cũng là tín hiệu tích cực. Nhiều khả năng tâm lý hứng khởi sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần giao dịch tới.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần tại những mã thu hút dòng tiền và có kết quả kinh doanh quý 1 tích cực.
Bước vào kệnh tăng giá ngắn hạn
CTCK Maritime (MSI): Thị trường có phiên bứt phá mạnh hơn 16 điểm, vượt ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm sau nhiều lần thất bại trước đó giúp tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn.
Kết thúc phiên, VN-Index đã hình thành cây nến Mazubozu trắng dài, MSI cho rằng thị trường đang bước vào kênh tăng giá ngắn hạn, trong tuần sau VN-Index có thể sẽ test ngưỡng 600 điểm, chủ yếu dao động quanh vùng giá 595 (+/- 5) điểm.
Trong phiên giao dịch ngày thứ 2, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu bluechips và một số cổ phiếu midcaps đã tích lũy đủ trong thời gian qua. Mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là khá rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên theo dõi và nắm giữ cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn hơn. Một số cổ phiếu đáng chú ý: PTI, BVH, VCB...
Cơ hội là 50-50
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Nhiều người đang đặt ra câu hỏi rằng dòng tiền này xuất phát từ đâu, và lý do vì sao phiên hôm qua họ lại mua mạnh đến như vậy. Nhìn vào những cổ phiếu lớn như VCB, BID, BVH, GAS thì khối lượng họ mua chiếm từ 1/3 đến ½. Theo thống kê từ 2 quý ETF là VNM ETF và DB-ETF thì dòng tiền tuần qua dường như không có sự thay đổi. Theo một số thông tin không chính thức thì dòng tiền này xuất phát từ công cụ tài chính mang tên P-notes (Participatory Notes). Thực tế sản phẩm này đã từng được nhắc đến nhiều lần trong những năm 2009-2010 tại Việt Nam và cho đến hiện tại ũng chưa có xác nhận chính thức nào. Vì thế, câu chuyện tiền ngoại có lẽ sẽ mang đến điều thú vị cho thị trường tuần mới mà khó ai chắc chắn được.
Nếu xét riêng về mặt thông tin thì chưa khi nào mọi thứ lại đang rối rắm và phức tạp như lúc này. Hàng loạt các thông tin không mấy thuận lợi đang xuất hiện ngày càng nhiều như: số lượng DN giải thể tăng cao, thu chi ngân sách tiếp tục có vấn đề, lãi suất đang tăng, tăng trưởng GDP chậm lại trong khi CPI tăng mạnh.... Do đó nhin về mặt nào đó thì nhiều NĐT cũng nhận ra sự bất thường trong nhịp tăng giá vừa qua. Không nhiều người tin rằng thị trường sẽ còn tiếp tục bay cao nữa và bên mua đã bắt đầu hạn chế giải ngân, bằng chứng là KLGD thường rất thấp. Nhưng một số người vẫn tin rằng cung hàng đã ít đi rồi và cơ hội vẫn còn. Việc bên bán chậm lại có thể được lý giải do chỉ số VN-Index vẫn tăng điểm (tăng nhờ LargeCap) nên sẽ tác động tích cực tới tâm lý và khi đó vẫn bán giá cao nhất. Chúng ta có thể thấy rõ hơn khi thị trường tăng mạnh phiên cuối tuần thì KLGD cũng bắt đầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, với việc VN-Index bứt phá mạnh, có thể sẽ khiến cho một phần dòng tiền nội quay lại với thị trường. Cơ hội lúc này được cho là 50-50 bởi hai lý do: (1) không đánh giá được dòng tiền ngoại; (2) không còn quá nhiều CP có tính hấp dẫn về mặt định giá.
Trở lại xu hướng tăng điểm trung hạn
CTCK Bảo Việt (BVS): Diễn biến tăng điểm mạnh giúp chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng cản 580 điểm một cách thuyết phục, mở ra khả năng chỉ số này quay trở lại xu hướng tăng điểm trong trung hạn. Mặc dù vậy, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn có thể sớm xuất hiện khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20 điểm chỉ trong 2 phiên gần đây. Nhà đầu tư muốn gia tăng tỷ trọng nên đợi các phiên điều chỉnh kỹ thuật của 2 chỉ số thay vì mua đuổi giá cao.
|