Thứ Hai, 18/04/2016 10:23

Dịch vụ kiều hối: Béo nhưng không bở

Tại ĐHCĐ năm 2016, một số NHTMCP đã thông qua tờ trình thành lập công ty kiều hối trực thuộc. Điều này cho thấy các NH đang mong muốn tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, muốn được NHNN chấp thuận, các NH phải đảm bảo hoạt động lành mạnh và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Kỳ vọng lớn

Trong ĐHCĐ ngày 14-4, OCB đã trình cổ đông về việc thành lập Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB. Công ty kiều hối trực thuộc OCB có vốn điều lệ ban đầu 25 tỷ đồng, với kế hoạch tạo nên sự chuyên biệt hóa dịch vụ, ngoài khai thác nguồn kiều hối còn cung cấp thêm các lựa chọn dịch vụ như nhận tiền tại quầy, tại nhà, chuyển khoản. Theo lãnh đạo OCB, việc thành lập công ty chuyển tiền quốc tế sẽ thu hút nguồn kiều hối chính thức gửi về Việt Nam, giúp bổ sung nguồn ngoại tệ góp phần cân đối cán cân thương mại cho quốc gia, vì vậy luôn nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. OCB dự kiến hoạt động của Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB sẽ rất hiệu quả thông qua khoản doanh số dự tính năm 2016 là 2.160 tỷ đồng, năm 2017 là 4.131 tỷ đồng và năm 2018 là 6.885 tỷ đồng.

Trước đó ít ngày, BacABank cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch thành lập Công ty TNHH MTV Kiều hối Bắc Á với số vốn điều lệ 77 tỷ đồng. Trong tờ trình phê duyệt đề án thành lập công ty kiều hối, HĐQT BacABank lý giải từ năm 2000 đến năm 2014, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh do lượng người Việt Nam ở nước ngoài khá đông và định cư tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó lượng người đi lao động xuất khẩu chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có nhiều chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào NH hoặc bán cho NH. Theo BacABank, tiềm năng thị trường rất lớn nhưng lợi nhuận chính từ thị trường đang thuộc về các tổ chức quốc tế. Các hình thức giao dịch với khách hàng chủ yếu diễn ra tại quầy, hình thức trực tuyến 100% chưa được chú trọng khai thác. Vì vậy, Công ty Kiều hối Bắc Á được thành lập sẽ khai thác tiềm năng của thị trường, cung cấp dịch vụ nhận chuyển kiều hối theo hình thức online và offline, trong đó hình thức online sẽ chiếm vai trò chủ đạo, khác biệt với mô hình hoạt động offline của tất cả các đối thủ hiện nay trên thị trường.

Bên cạnh lý do thành lập công ty kiều hối để thu hút nguồn kiều hối chính thức gửi về Việt Nam, các NH này cũng đã thể hiện rõ quan điểm muốn thêm nguồn thu lợi nhuận và nhiều lợi ích kèm theo khác. Cụ thể, theo OCB, khi phát triển dịch vụ kiều hối sẽ gia tăng nguồn thu dịch vụ phi tín dụng, phát triển nguồn khách hàng cá nhân, định vị dịch vụ chuyển tiền OCB tại thị trường Việt Nam và đưa thương hiệu OCB ra quốc tế.

Trong khi đó, bà Thái Hương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacABank, cho biết lợi nhuận của BacABank chủ yếu từ tín dụng, nguồn thu từ dịch vụ còn thấp nên mục tiêu năm 2016, NH sẽ thu lợi nhuận dịch vụ 10% trong tổng lợi nhuận. Ngoài ra, lãnh đạo BacABank cho rằng công ty kiều hối sẽ tạo kênh tăng nguồn thu ngoại tệ ổn định giá rẻ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài cũng như sức ép tỷ giá.

Có dễ cạnh tranh?

Về việc thành lập công ty kiều hối trực thuộc NH, tháng 1-2016, NHNN đã ban hành Quyết định 09/VBHN-NHNN, quy định những điều kiện như có thời gian hoạt động ít nhất 3 năm kể từ ngày khai trương hoạt động; tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh trong 2 năm gần nhất có lãi, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%; hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý; NH không được vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động và các quy định khác; được NHNN cho phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ…

Thực ra quy định này không quá sức đối với các NH đang có ý định thành lập công ty kiều hối, trong khi lượng kiều hối liên tục gia tăng trong những năm qua và con số kỷ lục 12,25 tỷ USD kiều hối đổ về nước trong năm 2015 là một khoản hấp dẫn mà NH nào cũng muốn tham gia khai thác. Các NH như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, DongABank... đã sớm thành lập công ty kiều hối và liên tục đạt được doanh số ấn tượng trong những năm qua. Năm 2015, Công ty Kiều hối Đông Á đạt doanh số chi trả khoảng 1,4 tỷ USD, doanh số chi trả tổng thể của cả Công ty Kiều hối Sacombank và Sacombank đạt 1,5 tỷ USD.

Theo đại diện một công ty kiều hối trực thuộc NHTMCP, năm 2015 bình quân mỗi tháng lượng kiều hối chuyển về qua công ty này đạt 42 triệu USD và trong tháng 1-2016 đạt đến 50 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả này có được từ một quá trình đầu tư hoạt động lâu dài, còn với những công ty mới thành lập khó có thể đoán trước hiệu quả.

Khách hàng làm thủ tục nhận kiều hối tại DongABank.

Tại phần đề xuất thành lập công ty kiều hối, BacABank đặt kỳ vọng khá lớn khi cho rằng tiềm năng thị trường lớn nhưng lợi nhuận chính từ thị trường đang thuộc về các tổ chức quốc tế và công ty kiều hối được thành lập để khai thác tiềm năng thị trường. Song trên thực tế, các công ty kiều hối có lãi rất thấp từ dịch vụ kiều hối, chiếm chưa đến 1%. Hoạt động của các công ty này chủ yếu là phục vụ chính sách, thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam và qua đó có thể mua được ngoại tệ, tăng nguồn tiền gửi vì nhiều khách hàng có xu hướng chọn chuyển đổi ngoại tệ thành VNĐ để gửi tiết kiệm. Ngoài ra, NH còn có thể bán chéo các sản phẩm khác cho khách nhận tiền kiều hối.

Do đa số các món kiều hối giao dịch qua các công ty chỉ khoảng 1.000USD, nên thay vì thu phí người nhận công ty kiều hối phải ký hợp đồng với các công ty chuyển tiền nước ngoài. Theo đó, công ty chuyển tiền nước ngoài thu phí từ người gửi tiền và chia theo một tỷ lệ thỏa thuận với công ty kiều hối trong nước. Còn về việc BacABank sẽ hướng công ty kiều hối vào hình thức giao dịch trực tuyến để khác biệt, nhưng thực tế hình thức này đã có nhiều đơn vị triển khai như MB với dịch vụ chuyển tiền kiều hối online, hay dịch vụ chuyển tiền kiều hối Wells Fargo Online chuyển tiền từ Hoa Kỳ về Việt Nam, dịch vụ kiều hối Online VietinBank eRemit chuyển tiền từ Anh và Đức về Việt Nam của Công ty Chuyển tiền toàn cầu VietinBank. Vì vậy, việc cạnh tranh sẽ không đơn giản khi các công ty kiều hối và dịch vụ kiều hối của các NH lớn đang hoạt động với mạng lưới rất rộng, quan hệ đại lý nhiều./.

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Nhà nước rốt ráo đẩy lùi nguy cơ đôla hóa nền kinh tế (18/04/2016)

>   NHNN ban hành Thông tư 05/2016/TT-NHNN (18/04/2016)

>   Bóc tách lãi ảo (18/04/2016)

>   Những nhà băng nào đang ôm đống nợ của HAG-HNG? (16/04/2016)

>   NHNN lên tiếng về thông tin 7,3 tỷ USD tiền gửi ra nước ngoài (16/04/2016)

>   Giám đốc WB Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch WB (15/04/2016)

>   Sợ tăng chi phí vốn, doanh nghiệp tha thiết xin gia hạn vay ngoại tệ (15/04/2016)

>   Tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam (15/04/2016)

>   Sẽ có những thay đổi với CAR tối thiểu (15/04/2016)

>   ĐHĐCĐ NamABank: Ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ trở lại HĐQT (15/04/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật