Những nhà băng nào đang ôm đống nợ của HAG-HNG?
Đống nợ của Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HOSE: HAG), Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (HOSE: HNG) cùng các công ty con lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó chủ nợ lớn nhất là BIDV, nhiều các nhà băng khác cũng có dư nợ hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó có những khoản nợ đáo hạn không trả được, nhiều khoản nợ cận kề ngày phải trả và cũng không ít khoản nợ mà tài sản đảm bảo đã không còn đáp ứng được.
* HAG: Cho Chủ tịch vay để "đảm bảo hài hòa lợi ích"
* HAGL: Lãi ròng sau kiểm toán giảm hơn 70 tỷ, kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục
Tính đến cuối năm 2015, theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của HAG, công ty đang có tổng vay nợ gần 27,100 tỷ đồng, đặc biệt là 8,297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Trong đó chủ nợ là các ngân hàng chiếm 24,870 tỷ đồng còn lại là trái phiếu phát hành cho tổ chức tài chính khác.
Đó là chưa kể đến áp lực không trả được nợ khi có đến 300 tỷ đồng trái phiếu phải xin gia hạn trả (trong năm 2015 HAG cũng vừa gia hạn 1,130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi thêm 2 năm – đến 14/07/2017 và 1,100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đến 31/08/2017 với một tổ chức tài chính nước ngoài).
Ngoài ra, việc thế chấp cổ phiếu để vay nợ cũng trở thành gánh nặng và rủi ro lớn cho cả chủ nợ và con nợ. Hàng loạt khoản nợ hay trái phiếu có tài sản đảm bảo (TSĐB) là cổ phiếu HAG và HNG đến nay không những rớt khỏi ngưỡng an toàn theo hợp đồng cam kết mà còn tiếp diễn xu hướng xấu thêm. Giá cổ phiếu HAG vẫn nằm trong kênh giảm giá dài hạn gần 1 năm rưỡi qua, từ mức giá 2 chấm đến nay đã về dưới mệnh giá; còn HNG từ mức 3 chấm khi lên sàn trong năm 2015 cũng chỉ còn mức 0.6. Một số khoản còn sử dụng thế chấp cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng.
Các ngân hàng có dư nợ cho vay, trái phiếu tại HAG
ĐVT: tỷ đồng
Nguồn: Tổng hợp BCTC kiểm toán hợp nhất 2015 HAG (số liệu tính đến thời điểm 31/12/2015)
|
Trong số các chủ nợ là ngân hàng có BIDV (BID) với dư nợ lớn nhất - hơn 10,600 tỷ đồng, bao gồm 1,870 tỷ cho vay ngắn hạn và 2,870 tỷ cho vay dài hạn (trong đó HNG vay 723 tỷ) và lượng lớn còn lại 5,900 tỷ đồng trái phiếu.
Phần lớn các khoản cho vay và phát hành trái phiếu của HAG cho BIDV đều có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, vườn cây… Riêng khoản trái phiếu 2,150 tỷ đồng phát hành 23/07/2015 với tài sản đảm bảo ngoài quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất còn có gần 45 triệu cp HAG của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (ại thời điểm phát hành, giá cổ phiếu HAG ở mức 18,300 đồng/cp, hiện giá HAG rơi về gần 7,000 đồng/cp). Trong các khoản nợ liên quan đến BIDV, đáng chú ý còn có khoản trái phiếu 850 tỷ đồng do HAG phát hành để hoán đổi trái phiếu đáo hạn.
Một nhà băng khác đồng thời cũng là đơn vị liên doanh của BIDV tại Lào là Ngân hàng Lào Việt có dư nợ cho vay với HAG 2,250 tỷ đồng.
Tiếp đó là Eximbank (EIB) có dư nợ 3,955 tỷ đồng vay dài hạn và trái phiếu, VPBank nắm giữ 2,800 tỷ đồng trái phiếu và HDBank có dư nợ gần 2,240 tỷ đồng cả nợ vay lẫn trái phiếu.
Trong đó, một số khoản vay và trái phiếu tại ba ngân hàng này có một phần thế chấp chung là hơn 196 triệu cp công ty con của HAG. Ngoài ra, Eximbank dính 800 tỷ đồng trái phiếu, còn VPBank là 2,200 tỷ đồng liên quan đến HAG có tài sản thế chấp thấp hơn giá trị tối thiểu. Đây là những khoản trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần HAG và HNG đang vi phạm điều khoản ký kết hợp đồng do dự sụt giá của cổ phiếu. Còn với HDBank mặc dù chưa có những cảnh báo về việc vi phạm điều khoản hợp đồng của HAG nhưng cũng sẽ chịu không ít rủi ro khi nắm giữ 650 tỷ đồng trái phiếu và dư nợ cho vay 874 tỷ đồng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu HAG và HNG.
Một số nhà băng khác có dư nợ bằng trái phiếu như BacABank (NASB) 820 tỷ đồng, VietCapitalBank 240 tỷ, PVcomBank 300 tỷ và TPBank 200 tỷ đồng cũng đang rơi vào tình trạng bị vi phạm quy định ràng buộc giá trị tài sản đảm bảo. Trong đó, một phần tài sản đảm bảo là 2.6 triệu cp HNG cho khoản trái phiếu được nắm giữ bởi VietCapitalBank đã bị bán giải chấp vào tháng 3/2016 vừa qua.
Riêng BacABank còn nắm giữ 300 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền do HNG phát hành với tài sản đảm bảo là cổ phần HAG và HNG. Không những đang vi phạm điều khoản TSĐB tương tự như các hợp đồng trên, khoản trái phiếu này còn phải gia hạn trả nợ thêm 1 năm kể từ khi đáo hạn 28/12/2015.
Mặc dù có dư nợ cho vay ít hơn so với nhiều nhà băng khác với 178 tỷ đồng và tài sản đảm bảo là hơn 28 triệu cp HNG (và thêm khoản tiền gửi) nhưng ACB cũng đã phải bán giải chấp 5.82 triệu cp HNG của HAG từ 01-04/03/2016 và hơn 20 triệu cp HNG vào 09/03/2016 để thu hồi nợ./.
|