Phải có tổ chức độc lập giám sát doanh nghiệp Nhà nước
Việc không thông qua một chuyên gia hay tổ chức độc lập nào giám sát tất yếu dẫn đến các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành, sử dụng vốn kém, thậm chí vi phạm cả pháp luật.
Ngày 29-3, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở Việt Nam”
PGS.TS Nguyễn Đăng Nam (Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính) cho rằng, kiểm soát viên tài chính, kiểm toán nội bộ trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở Việt Nam hiện nay thường đứng về phía doanh nghiệp hơn là đại diện chủ sở hữu, tức nhà nước. Nhìn ra thế giới, như Singapore hay Hàn Quốc chẳng hạn, đều có hội đồng đánh giá với đa số thành viên độc lập không điều hành DNNN đến từ khu vực tư.
Tuy nhiên ở Việt Nam, hệ thống DNNN được phân ra nhiều tầng, lớp, cả chiều dọc và chiều ngang do nhiều cơ quan, tổ chức quản lý và đại diện chủ sở hữu. Thực trạng này dẫn đến phân tán về tổ chức, tản mạn, thiếu thống nhất trong theo dõi, giám sát, đánh giá DNNN. Trong khi chưa có sự quản lý tập trung, thì đánh giá, giám sát đều do các DNNN tự thực hiện, sau đó trình Bộ Tài chính xem xét.
“Việc không thông qua một chuyên gia hay tổ chức độc lập nào tất yếu dẫn đến đầu tư ngoài ngành, sử dụng vốn kém, thậm chí vi phạm cả pháp luật. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, việc cấu trúc lại và thành lập cơ quan đầu mối quản lý, giám sát vốn, tài sản chuyên trách là một bước đi cần thiết”- ông Nam đánh giá.
Ông Nam dẫn chứng như mô hình Ủy bản quản lý và giám sát tài sản nhà nước của Trung Quốc cũng là một bài học tham khảo rất hay cho Việt Nam. Ưu điểm lớn của Ủy bản quản lý và giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc là đã tách được quyền sở hữu và quyền kinh doanh trong một chủ thể Nhà nước, “chia nhau đại diện” thay cho “phân cấp quản lý”. Giám sát về một mối và trực thuộc Chính phủ, giúp bảo toàn và tăng vốn trong DNNN./.
pháp luật tphcm
|