Nhiều công ty thủy điện chây ì việc trồng lại rừng thay thế
Để thực hiện 3 dự án thủy điện, gồm: A Lưới, Bình Điền và Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải “đánh đổi” 910ha rừng, trong đó phần lớn là diện tích rừng được người dân trồng làm kế mưu sinh. Đến nay, dù đã nhiều năm trôi qua sau khi thủy điện được đưa vào vận hành, nhưng các chủ đầu tư lại cố tình “quên” việc trồng lại rừng thay thế khiến người dân bức xúc.
Tại Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp, ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án đền bù giải phóng mặt bằng thì chủ chuyển đổi phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng được chuyển sang mục đích khác. Thế nhưng, nhiều dự án thủy điện triển khai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn cố tình phớt lờ việc trồng rừng thay thế, với diện tích lên đến hàng trăm ha.
Điển hình, dự án thủy điện A Lưới, có công suất 170MW, tại xã Nhâm, huyện A Lưới. Để thực hiện dự án thủy điện này, từ năm 2007, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Miền Trung (CHP) đã thu hồi 140ha rừng của người dân trên địa bàn, nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay phía thủy điện chỉ mới trồng lại được 70ha rừng thay thế.
Người dân TĐC dự án thủy điện ở Thừa Thiên - Huế thiếu đất sản xuất, trong khi chủ đầu tư chây ỳ trồng rừng thay thế.
Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm lo lắng cho biết, khi thực hiện dự án thủy điện A Lưới, phía chủ đầu tư đã cam kết lấy bao nhiêu đất rừng thì sẽ trồng lại bấy nhiêu, nhưng khi thi công hoàn thành thì phía thủy điện vẫn còn nợ của người dân hàng chục ha rừng.
“Sau khi 150 hộ dân ở các thôn A Bả, Ta Kêu, Cleng của xã nhường đất rừng cho phía dự án thủy điện, người dân rơi vào cảnh khốn khó do phải chuyển sang nơi ở mới, thiếu đất đai sản xuất. Vì thế chúng tôi yêu cầu phía thủy điện cần sớm hoàn thành việc trồng rừng thay thế như đã cam kết trước đó”, ông Rưng nêu ý kiến.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài dự án thủy điện A Lưới thì hiện dự án thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương được liệt vào danh sách dẫn đầu về nợ rừng trồng thay thế. Tìm hiểu được biết, thủy điện Bình Điền được khởi công từ năm 2005 và đi vào vận hành từ tháng 5-2009, với công suất 44MW, điện năng bình quân năm đạt 181 triệu kw/h.
Để thực hiện dự án thủy điện, Công ty CP Thủy điện Bình Điền phải thu hồi 450ha rừng, nhưng nhiều năm qua, số diện tích rừng được phía công ty này trồng thay thế lại rất ít ỏi, chỉ mới dừng lại ở con số 70ha. Tương tự, dự án thủy điện Hương Điền do Công ty CP Thủy điện HD xây dựng ở thượng nguồn sông Bồ, với công suất 81MW, sản lượng điện đạt hơn 300 triệu kw/h/năm...
Song, lãnh đạo UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, cho hay, sau 6 năm đi vào vận hành, đến nay thủy điện này chỉ mới trồng được 35ha rừng trong tổng diện tích 320ha rừng buộc phải trồng thay thế theo quy định của Chính phủ.
Qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, tổng diện tích rừng mà các dự án thủy điện thu hồi là 910ha, nhưng đến nay chỉ mới trồng được 175ha, tức còn nợ 735ha rừng thay thế.
Ông Dũng cho hay, theo quy định của Chính phủ thì trước khi được phê duyệt, các chủ đầu tư dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền bắt buộc phải cam kết trồng rừng thay thế diện tích rừng được chuyển đổi. Dù cam kết là thế nhưng sau nhiều năm, các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc trồng rừng thay thế khiến người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện bức xúc.
Trước thực trạng các chủ dự án thủy điện “chây ỳ” việc trồng rừng thay thế, đầu năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đưa ra giải pháp bằng cách ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức giá 73 triệu đồng/ha.
Theo đó, nếu chủ đầu tư các dự án thủy điện không có khả năng thực hiện trồng rừng thì buộc phải nộp số tiền đúng với quy định trên vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế để đơn vị này triển khai việc trồng rừng.
“Dù tỉnh đã đưa ra giải pháp như thế, song nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện vẫn than khó và xin được thực hiện có lộ trình. Tuy nhiên, do các thủy điện đã chây ỳ trồng rừng thay thế trong suốt nhiều năm liền nên tới đây, nếu họ không thực hiện thì chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh thu hồi giấy phép kinh doanh, chứ không thể để việc trồng rừng thay thế kéo dài mãi như vậy được!”, ông Dũng khẳng định.
Anh Khoa
công an nhân dân
|