Thứ Ba, 29/03/2016 10:18

Rà soát pháp luật Việt Nam và các quy định của FTA: “Vênh” rất nhiều và sửa kiểu gì?

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết đã mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào VN, nhưng sự khác biệt giữa những cam kết đầu tư trong các FTA và quy định pháp luật trong nước có thể sẽ là rào cản với dòng vốn mới.

Dù đánh giá cao về tác động tích cực mà Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) sẽ tạo ra dòng vốn đầu tư mới từ Châu Âu vào VN, nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không khỏi lo lắng về sự tương thích giữa các cam kết trong hiệp định với quy định pháp luật trong nước.

Từ khác biệt trong EVFTA…

Lo lắng cũng phải, vì trong cuộc rà soát lại các cam kết đầu tư của EVFTA mới được VCCI thực hiện, do chính bà Trang làm trưởng nhóm rà soát, hàng loạt những điểm không tương thích đã được chỉ ra. Chẳng hạn như với những nhóm cam kết về tự do hóa đầu tư, điều kiện đối với nhà đầu tư EU trong các trường hợp có cam kết trong biểu cam kết lại đang cao hơn mức mở cửa thị trường hiện tại. Hoặc có những điểm khác biệt về các cam kết liên quan đến bồi thường tổn thất, hay những cam kết về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Hay như EVFTA đưa ra một định nghĩa về “khoản đầu tư” trong khi pháp luật VN lại chỉ có định nghĩa về “vốn đầu tư” và “dự án đầu tư”. Tổ rà soát của VCCI khẳng định rằng khái niệm “khoản đầu tư” có ảnh hưởng trực tiếp tới các nghĩa vụ của VN trong đối xử với các “khoản đầu tư” thuộc diện điều chỉnh của EVFTA. Vì vậy, nếu không có định nghĩa này trong hệ thống pháp luật sẽ khiến VN khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ với từng trường hợp cụ thể. Theo bà Trang, những cam kết về đầu tư trong EVFTA là sâu hơn rất nhiều so với những cam kết trong các FTA mà VN đã ký trước đó. Trong khi đó, những quy định về đầu tư tại VN lại được quy định trong rất nhiều các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau, chứ không riêng gì Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, sự khác biệt giữa các quy định pháp luật trong nước và cam kết trong EVFTA là không thể tránh khỏi.

VN đã ký kết 12 FTA, trong đó có những FTA mới nhất và cũng có những cam kết sâu và toàn diện nhất như EVFTA và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tới các hiệp định khác…

Hiện tại, VN đã ký kết 12 FTA, trong đó có những FTA mới nhất và cũng có những cam kết sâu và toàn diện nhất như EVFTA và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kết quả rà soát những điểm “vênh” giữa các FTA và pháp luật trong nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm ngoái cho thấy, trong danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có 72 ngành, nghề pháp luật Việt Nam đã quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh, có 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, và 21 ngành nghề chưa quy định cả điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có 35 ngành, nghề trong điều ước quốc tế quy định hạn chế mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài nhưng pháp luật Việt Nam lại không hạn chế.

Thực tế thì kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa phản ánh đầy đủ sự khác biệt giữa các quy định trong nước và cam kết quốc tế, vì thời điểm đó các hiệp định EVFTA và TPP chưa được ký kết. Nhưng hiện nay, khi cả hai hiệp định được kỳ vọng nhiều nhất này đã hoàn tất và đang chờ đợi thời điểm có hiệu lực, các điểm “vênh” nhau sẽ còn nhiều hơn.

Ví dụ theo quy định pháp luật VN, trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ thì nhà đầu tư nước ngoài được thành lập Cty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. hạn chế này là 51% kể từ năm 2010. Nhưng điều kiện này lại chưa được rà soát lại trong các cam kết FTA mới như TPP và EVFTA.

Liệu có cam kết nào khác không và nhà đầu tư đến từ các quốc gia thành viên của hai hiệp định trên có được ưu đãi nào lớn hơn không vẫn cần câu trả lời.

Trong lĩnh vực vận tải hàng không, khi VN quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được chiếm không quá 30% cổ phần tại một hãng hàng không, thì Hiệp định về tự do xúc tiến bảo hộ đầu tư giữa VN và Nhật Bản lại cho phép nhà đầu tư Nhật Bản nắm tới 49% cổ phần. Đúng ra, việc rà soát sự khác biệt này đã phải được tiến hành nhanh chóng, bởi có những FTA mới đã đi vào hoạt động như FTA VN – Hàn Quốc, hay EVFTA cũng sẽ sớm có hiệu lực vào năm sau. Luật sư của Cty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers, cho rằng đây lại là công việc không hề dễ dàng bởi ở Việt Nam có hàng trăm văn bản pháp luật đang chồng chéo lên nhau.

Thay đổi toàn diện

Để loại bỏ những điểm khác biệt giữa cam kết FTA và pháp luật trong nước, nhóm rà soát của VCCI đề xuất có một bộ luật hoặc quy định pháp luật sửa toàn bộ những điểm “vênh” đó, thay vì rà soát lại từng văn bản và rồi sửa đổi từng cái. Đề xuất của VCCI không phải là không có cơ sở, vì nếu sửa từng văn bản thì sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức, còn dùng biện pháp một luật sửa nhiều luật thì sẽ nhanh hơn rất nhiều. Nhưng trái với ý tưởng đó, ông Phạm Mạnh Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng việc sửa đổi như vậy sẽ chỉ mang tính chất tạm thời. “Cách tốt nhất xây dựng luật pháp là phải xây dựng toàn bộ trên một tổng thể toàn diện của nền kinh tế thị trường hiện đại. Nếu cứ mỗi lần ký FTA mà lại rà soát thì lấy gì làm chuẩn?” ông nói. Theo đó, ông cho rằng ngay bây giờ cần phải rà soát toàn diện tất cả các bộ luật và quy định pháp luật chứ không chỉ nhắm vào Luật Đầu tư hay Luật DN.

“Tất cả các FTA được ký kết đều mang lại kỳ vọng thay đổi kinh tế theo hướng tích cực, nhưng cái đó cần thời gian. Tác động trước mắt dẫn đến sự thay đổi đó chính là sự thay đổi của hệ thống pháp luật,”  – ông Dũng nói.

Ninh Kiều

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   TPHCM nêu tên 54 doanh nghiệp nợ thuế (29/03/2016)

>   Big C là “cô gái xinh đẹp”! (29/03/2016)

>   Cơn lốc hàng Nhật đổ bộ vào Việt Nam (29/03/2016)

>   Xâm nhập mặn ngày càng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản (28/03/2016)

>   Dân sợ là đúng, thưa ông Tốn! (28/03/2016)

>   Ả-rập Xê-út tạm dừng thông quan mặt hàng tôm có nguồn gốc từ Việt Nam (28/03/2016)

>   Doanh nghiệp tư nhân: Nản chí vì có “quan hệ” mới dễ tiếp cận đất đai (28/03/2016)

>   Hé lộ chủ hãng hàng không mới Vietstar Airlines (28/03/2016)

>   Đề nghị cơ cấu nợ cho doanh nghiệp trồng cao su tại Lào (28/03/2016)

>   Xét xử vụ lập công ty sân sau trục lợi từ doanh nghiệp nhà nước (28/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật