Thứ Hai, 28/03/2016 16:07

Doanh nghiệp tư nhân: Nản chí vì có “quan hệ” mới dễ tiếp cận đất đai

Đó là phản ánh của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Vinasme - ông Tô Hoài Nam - về thực trạng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay tại hội thảo quốc tế về “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Đảng uỷ khối doanh nghiệp T.Ư, VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức ngày 26.3.

DN nào “quan hệ” thì tăng trưởng rất nhanh

Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, coi khu vực doanh nghiệp này giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng theo ông Tô Hoài Nam, DNVVN chưa thoát khỏi khó khăn, thậm chí có phần “đuối sức” trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập. “DN nào có quan hệ tốt với chính quyền sẽ dễ tiếp cận với tài nguyên đất, khoáng sản, các gói thầu... nhờ thế mà tăng trưởng rất nhanh, áp đảo các “DN chân phương” khác. Hệ quả là xuất hiện tâm lý “nản chí” trong một bộ phận doanh nhân, một bộ phận doanh nhân khác vì sự “sinh tồn” phải chạy theo xu thế “kinh doanh quyền lực”. Đây là sự thực đáng quan ngại.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ quan chức năng phải làm triệt để bằng cách không đưa những sản phẩm không rõ nguồn gốc vào bày bán. Ảnh: TG

Khẳng định về vai trò quan trọng của DNVVN trong nền kinh tế, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - nhấn mạnh: “Đại hội Đảng toàn quốc XII xác định: “Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế...”. Tuy nhiên, trên thực tế, môi trường kinh doanh chưa thực sự hỗ trợ cho DN tư nhân hoạt động hiệu quả. Có quá ít DN có quy mô vốn lớn, đa số đều tập trung đầu tư vào đất đai, và các lĩnh vực có thể tận dụng cơ chế xin-cho của Nhà nước như tài chính, ngân hàng, bất động sản, khai thác mỏ... Trong khi các lĩnh vực đầu tư dài hạn đều bị xem nhẹ. Vì vậy không tạo ra nền tảng tăng trưởng vững chắc.

Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Đoàn, còn là bởi DN tư nhân vẫn bị “đối xử” thiếu bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực. “Tình trạng thương mại hoá quan hệ với Nhà nước với một số “ưu đãi ngầm” làm cho lợi ích kinh tế đạt được là nhờ vào những “quan hệ thân tín” với các cơ quan công quyền, chứ không phải là từ năng lực và nỗ lực của chính DN. “Chính điều này làm cho DN tư nhân khó phát triển, ngay cả khi họ hoạt động hiệu quả” - ông nói.

Năng suất lao động ngày càng giảm

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), VN đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình, song cần cảnh giác với “bẫy” thu nhập trung bình. Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, thì VN cần có biện pháp nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực. So sánh tương quan với nhiều quốc gia đang phát triển, WB cho rằng, năng suất lao động của VN đang ngày càng giảm. Nếu không cải thiện thì đây sẽ là nguy cơ tụt hậu trong dài hạn. Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất lao động lại chưa được chú trọng. Các viện, trường cứ nghiên cứu, nhưng hầu như tỉ lệ áp dụng vào thực tế rất thấp.

Theo TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - thì bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa. Trong đó, năng lực cạnh tranh có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh và sự phát triển của các loại hình DN, mà trọng tâm là DN tư nhân. Muốn vậy, cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản cho khu vực này.

Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - Nhà nước cần tạo cho DN khung pháp lý bình đẳng, khuyến khích và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận các nguồn lực đối với khu vực tư nhân. Cần hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định: Thời cơ đã đến, VN đã hội nhập rất sâu với thế giới khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là hiệp định TPP. Song DN VN có tận dụng được cơ hội hay không thì vừa là cơ hội, vừa không ít thách thức. Trong vòng 5-7 năm tới, sẽ có câu trả lời cho câu hỏi DN VN có vượt lên, bứt phá được hay không? Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không - hoàn toàn tùy thuộc vào việc liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không? Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, không phải chỉ đến khi DN lâm vào khó khăn, Nhà nước mới hỗ trợ, mà tư duy hỗ trợ giờ phải thay đổi. Nhà nước chủ động làm “bà đỡ” hỗ trợ các DN có tiềm năng cạnh tranh vươn lên, bà đỡ cho các DN khởi nghiệp kinh doanh các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây chính là “chìa khoá” mở ra con đường ngắn nhất để xây dựng thành công quốc gia khởi nghiệp, DN có đủ sức cạnh tranh và trong quá trình đó, sẽ sàng lọc các DN có tiềm năng nhất trụ lại phát triển, trở thành đầu tàu của nền kinh tế.

Hồng Quân

lao động

Các tin tức khác

>   Hé lộ chủ hãng hàng không mới Vietstar Airlines (28/03/2016)

>   Đề nghị cơ cấu nợ cho doanh nghiệp trồng cao su tại Lào (28/03/2016)

>   Xét xử vụ lập công ty sân sau trục lợi từ doanh nghiệp nhà nước (28/03/2016)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2016 (28/03/2016)

>   Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2016 (28/03/2016)

>   Nhà máy gần 1.900 tỉ đồng dừng hoạt động (28/03/2016)

>   Việt Nam có thêm hãng hàng không mới Vietstar Airlines (28/03/2016)

>   Kiểm tra bảy 'đại gia' kinh doanh đa cấp (28/03/2016)

>   Trung Quốc: 6 quốc gia sông Mekong “chia sẻ số phận” (26/03/2016)

>   Dự án Formosa Hà Tĩnh được kéo dài thời gian giải ngân đến 30/6 (26/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật