Nhà máy gần 1.900 tỉ đồng dừng hoạt động
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đã phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động cầm chừng do thua lỗ.
Tháng 9-2009, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (gọi tắt là Nhà máy Bio-Ethanol DQ) được khởi công tại Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỉ đồng do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, Nhà máy Bio-Ethanol DQ có công suất 100 triệu lít ethanol/năm, tháng 2-2012 đi vào hoạt động.
Giá thành quá cao
Trước khi đầu tư, Nhà máy Bio-Ethanol DQ được kỳ vọng sẽ tạo ra hàng triệu lít ethanol, nguyên liệu pha trộn với xăng A92 để tạo ra xăng E5.
Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã ngưng hoạt động
|
Cuối tháng 3-2016, chúng tôi đến Nhà máy Bio-Ethanol DQ ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bên trong nhà máy là những thiết bị, máy móc đồ sộ đắt tiền nhưng đã ngưng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị A., một người dân sống gần Bio-Ethanol DQ, cho biết: “Nhà máy đã ngưng hoạt động mấy tháng nay rồi. Công nhân, kỹ sư đã bỏ đi tìm việc khác hết”.
Theo ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc Nhà máy Bio-Ethanol DQ, từ khi hoàn thành, nhà máy hoạt động được một thời gian rồi liên tục ngưng hoặc sản xuất cầm chừng do thua lỗ. “Từ tháng 4-2015 đến nay, chúng tôi phải dừng sản xuất vì sản phẩm làm ra không bán được do giá thành cao, thua lỗ nặng” - ông lý giải.
Ông Vượng cho biết nguyên nhân thua lỗ là do giá ethanol trên thị trường dưới 2.000 đồng/lít, thấp hơn giá thành sản phẩm của nhà máy. Cả nước hiện chỉ có 8 địa phương tiêu thụ xăng E5, trung bình mỗi tháng tiêu thụ tổng cộng 2.000 m3 ethanol, chỉ bằng 24% công suất của Nhà máy Bio-Ethanol DQ. Trong khi đó, công suất của nhà máy sản xuất ethanol ở Đồng Nai lên đến 75.000 m3/năm. “Chúng tôi đã tìm hướng xuất khẩu ethanol nhưng cũng không cạnh tranh được về giá” - ông Vượng băn khoăn.
Cả trăm lao động nghỉ chờ việc
Theo ông Vượng, trước mắt, để giải quyết khó khăn, nhà máy đành tạm ngưng hoạt động, chờ đợi thị trường khởi sắc. “Chúng tôi đã động viên 128 kỹ sư, công nhân của nhà máy nghỉ không lương chờ việc từ tháng 3-2016. Bên cạnh đó, chúng tôi cắt cử 50 công nhân ở lại bảo quản nhà máy. Nhà máy đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn cung ứng 38 kỹ sư để giữ “bộ khung”, chờ khi hoạt động trở lại” - ông Vượng nói.
Anh Nguyễn Văn T., công nhân Nhà máy Bio-Ethanol DQ, cho biết từ khi nhà máy ngưng hoạt động, người lao động ở đây đi làm việc thời vụ khắp nơi để kiếm sống.
Theo ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước những khó khăn của Nhà máy Bio-Ethanol DQ, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu nhà máy báo cáo cụ thể, trong đó tập trung làm rõ nguyên nhân tạm dừng nhà máy, cơ chế thuế, việc vay vốn, khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu… “Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết” - ông Sô khẳng định.
Tử Trực
người lao động
|