Chính phủ yêu cầu rà soát dự án cấp nước sông Đà
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại quá trình thực hiện dự án cấp nước sông Đà giai đoạn 2.
* TGĐ VCW: "Đừng nghĩ sản phẩm Trung Quốc không hiện đại!"
Giai đoạn 1 của dự án cấp nước sông Đà đã có 17 lần vỡ đường ống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân Thủ đô.
|
Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.
"Trên cơ sở rà soát, các cơ quan được giao phải có đánh giá làm rõ những thông tin gần đây mà dư luận đề cập liên quan đến dự án, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3 để bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, theo thông báo của Công ty Kinh doanh nước sạch Vinaconex, sau khi dự án cấp nước sông Đà giai đoạn 2 được Chính phủ phê duyệt, Vinaconex đã tiến hành đấu thầu và doanh nghiệp trung thầu là Công ty Xinxing của Trung Quốc.
Vinacoxex cho biết, Công ty Xinxing có uy tín trên thế giới và có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất các ống kích thước lớn, có năng lực tài chính tốt và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ở Việt Nam, Công ty Xinxing đã cung cấp các sản phẩm ống gang tại nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu… Khảo sát những khách hàng từng sử dụng dịch vụ của Xinxing, Vinaconex cho biết đều nhận được phản hồi tích cực.
Dự án cấp nước sạch sông Đà số 2 được khởi công ngày 7/10/2015 sau nhiều lần trì hoãn. Công trình nằm trong dự án hệ thống cấp nước cho gần 200.000 hộ dân dọc chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và khởi công năm 2004.
Giai đoạn một của dự án hoàn thành năm 2009 với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Từ đó đến nay, đường ống số 1 đã bị vỡ 17 lần khiến cuộc sống của khoảng 70.000 hộ dân thuộc 6 quận nội thành Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân ống vỡ được cơ quan chức năng chỉ ra là do Ban quản lý sử dụng chất liệu composite cốt sợi thủy tinh không phù hợp trên nền đất phức tạp. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án trong đó bắt giam 9 đối tượng, bao gồm cả lãnh đạo các đơn vị liên quan đến dự án này./.
vneconomy
|