Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam vẫn còn lơ là vấn đề xả thải
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, điều này dự báo sẽ có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nhưng thời gian qua, một số các doanh nghiệp FDI vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Trong Hội thảo “Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) diễn ra sáng nay (30.3) tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Báo cáo nghiên cứu và trao đổi về khung pháp lý của Việt Nam, cũng như tình hình thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của khu vực doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Trong những năm gần đây, xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao.
Thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp FDI đã cho nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc "dưới chuẩn", cũ kỹ, lạc hậu vào Việt Nam. Chưa kể, có không ít doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và khai thác lãng phí tài nguyên thiên nhiên,
Theo Ông Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng ban, Ban Chính sách dịch vụ công, CIEM có tới 67% DN FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất xuất có giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải ra môi trường cao. Lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải tính từ năm 1988 tới đầu năm 2013 mới chỉ có 28 dự án trong tổng số gần 16.000 dự án FDI đầu tư vào VN.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu các DN FDI trong các lĩnh vực gây ô nhiễm như dệt, da giày, hóa chất… đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, chỉ có 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Trong khi đó, luật đầu tư, luật thuế thu nhập DN chỉ ưu tiên các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có quy trình xử lý chất thải chuyên nghiệp…
Theo kết quả điều tra trên 15 DN FDI vào VN thì có tới 45% DN chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải. Chi phí rẻ cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp các DN lựa chọn công nghệ. Điều này thể hiện ở việc vẫn còn khá nhiều DN không tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Kết quả cũng cho thấy có tới gần 70% DN cho rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc.
Bên cạnh đó tỉ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chiếm 66%? Điều đó cho thấy, 34% khu công nghiệp FDI còn lại sẽ xả thải ra môi trường? Bởi nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng… không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Điển hình, tại ĐBSCL 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, CIEM cho rằng: "Việc thu hút nguồn vốn FDI nhưng vẫn phải hướng tới phát triển bền vững trong tương lai, giảm thiểu tác động tới môi trường".
T.G
Lao động
|