Xuất khẩu gạo căng đến phút chót
Nếu không có 2 hợp đồng tập trung từ cuối tháng 10-2015, doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Tại hội nghị tổng kết năm 2015 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) diễn ra ngày 14-1 ở TP HCM, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) dự báo tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan trong năm 2016 do sản lượng gạo thế giới sụt giảm, tồn kho trong nước cũng giảm.
Xuất khẩu tăng, kim ngạch vẫn giảm
Theo VFA, năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 6,568 triệu tấn gạo, trị giá 2,68 tỉ USD, tăng 4% về số lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với năm 2014. Về sản lượng, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ (hơn 10,2 triệu tấn) và Thái Lan (gần 9,6 triệu tấn). Ngoài ra, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc ước tính 1,5-1,7 triệu tấn gạo, giúp tiêu thụ được lúa gạo nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xuất khẩu gạo năm 2015 gặp nhiều khó khăn do giá giảm và bí đầu ra Ảnh: NGỌC TRINH
|
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho biết nếu không nhờ 2 hợp đồng tập trung xuất gạo đi Philippines và Indonesia với số lượng 1,5 triệu tấn hồi cuối tháng 10-2015, DN sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo khó mà lành mạnh hóa tài chính. Bởi lẽ, trước đó, dù có chính sách hỗ trợ mua gạo tạm trữ nhưng DN bán ra vẫn lỗ và gặp khó khăn chồng chất về đầu ra, giá cả, áp lực về vốn, nợ vay...
Căn cứ lượng hàng tồn kho (300.000- 400.000 tấn gạo thường) và đơn hàng cần giao trong quý I/2016 (1,2 triệu tấn), ông Năng dự báo DN bắt buộc sẽ phải mua lúa gạo của nông dân với giá cao để phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang, thị trường đang hút gạo thơm. Ngay cả thị trường Trung Quốc vốn dễ tính cũng bắt đầu chuộng dòng gạo cao cấp này. “Do đó, việc làm cấp thiết lúc này là phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì mới có thể tận dụng được thị trường tiềm năng trong TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) như Mỹ. Muốn làm được điều này, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết được với nông dân, hợp tác xã; còn nếu DN tự làm sẽ phân tán nguồn lực” - ông Tiến nhận xét.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết sắp tới, bộ sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ việc liên kết sản xuất theo chuỗi. Ông Nam đề nghị đưa nhóm thương lái vào chuỗi liên kết bởi lâu nay, nhóm này vẫn chịu tiếng xấu là ép giá nông dân nhưng thật sự họ có vai trò rất lớn trong hoạt động cung ứng và xuất khẩu gạo.
Tập trung kiểm soát chất lượng gạo
Liên quan đến chất lượng gạo Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng việc kiểm soát dư lượng thuốc, bảo đảm an toàn thực phẩm trước hết là để phục vụ thị trường trong nước. “Không thể để người dân ăn gạo hóa chất, còn chúng ta tập trung kiểm soát chất lượng gạo chỉ để phục vụ xuất khẩu. Nếu không, sẽ không tránh khỏi gạo Việt thua thiệt trên sân nhà bởi gạo chất lượng của Thái Lan và Campuchia” - ông Tiến lo ngại.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển ĐBSCL, cho biết trong tổng số gạo làm ra thì Việt Nam tiêu dùng 80%, xuất khẩu chiếm 20%. Thị trường gạo trong nước cạnh tranh gay gắt và người tiêu dùng ngày càng ăn ít gạo hơn nhưng yêu cầu chất lượng cao hơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cam kết sẽ ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng gạo ngay trong năm nay, nếu không sẽ chấp nhận chịu kiểm điểm. Ông Huỳnh Thế Năng cho rằng với bộ quy chuẩn chất lượng gạo, trước hết là gạo thơm chất lượng cao, sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý các DN trộn gạo (hạ chất lượng) để cạnh tranh về giá - vốn đang cản đường việc xây dựng thương hiệu gạo Việt. “DN trong nước đang sở hữu khoảng 100 nhãn hiệu gạo các loại. Đây sẽ là lợi thế để có thể giành, giữ thị trường trong nước và cạnh tranh với gạo ngoại” - ông Năng kỳ vọng.
Với thị trường bình dân, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết DN rất muốn bán ở nội địa nhưng không thể cạnh tranh với hàng xáo, nhà máy nhỏ do phải đóng 5% thuế GTGT.
Không giữ gạo ngon làm của riêng
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời - DN sở hữu giống gạo AGPPS 103 lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015 do Tổ chức Nghiên cứu lúa gạo thế giới (The Rice Trader) chứng nhận - DN đã quyết định góp giống lúa này để làm thương hiệu quốc gia chứ không giữ cho riêng mình. Đây là giống lúa cho năng suất cao, hạt gạo đẹp, dẻo và thơm nhẹ.
Ông Thòn cho biết vụ đông xuân này, gạo AGPPS 103 đã có thể ra thị trường đại trà với khả năng cung ứng 60.000-70.000 tấn/năm. “Quan trọng là việc tổ chức phân phối cũng như sự hưởng ứng của người tiêu dùng trong nước. Tôi dám chắc gạo AGPPS 103 của Lộc Trời ngon hơn gạo Thái đang bán trên thị trường trong nước hiện nay; bảo đảm không tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật” - ông Thòn tự tin.
|
Ngọc Ánh
người lao động
|