Cái bẫy thanh toán bằng nhân dân tệ
Trong văn bản của VCCI gửi Thủ tướng có kiến nghị của hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị dùng đồng nhân dân tệ thay cho đôla Mỹ.
Mới đây, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Thủ tướng văn bản tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó, có kiến nghị của hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đề nghị dùng đồng nhân dân tệ thay cho đôla Mỹ trong thanh toán thương mại.
Từ nhiều năm nay, hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đã kiên trì kiến nghị này nhưng không được phía Việt Nam chấp nhận.
Lâu nay, trong câu chuyện làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, dù đó là các doanh nghiệp của các quốc gia có đồng tiền mạnh, đồng tiền giao dịch chủ yếu vẫn là đồng đôla Mỹ (USD). Ngoại trừ buôn bán mậu biên, các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cũng dùng đồng tiền thanh toán là đôla Mỹ.
Vậy mà gần đây, “làm ăn với các nhà máy Trung Quốc, có nhiều đơn hàng, họ yêu cầu thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì đôla Mỹ”, giám đốc một công ty sản xuất hàng điện gia dụng, đề nghị không nêu tên kể.
Theo vị giám đốc này: “Họ thuyết phục mình việc thanh toán bằng nhân dân tệ họ sẽ giảm giá khoảng 3% so với thanh toán bằng đồng USD. Cũng không quá khó kiếm nguồn nhân dân tệ vì dễ đổi lắm”.
Con số thanh toán biên mậu bằng nhân dân tệ lên tới tương đương 15 tỷ USD trong năm 2013, mà phía hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra cũng phản ánh sự phổ biến, dễ tìm của đồng tiền này trong giao dịch.
Với mức giảm 3% (nếu thanh toán bằng nhân dân tệ so với thanh toán bằng đồng USD) trong giao dịch hiện nay là con số có ý nghĩa với các nhà sản xuất trong nước.
“Giá thành sản phẩm của chúng tôi sẽ giảm, thêm sức cạnh tranh”, vị giám đốc công ty điện gia dụng, bình luận thêm.
Tuy nhiên, việc gom nhân dân tệ không chính thức sẽ khiến doanh nghiệp bị động trong hạch toán, nếu muốn kinh doanh đúng pháp luật. Còn chuyển đổi chính thức thì doanh nghiệp sẽ tốn thêm phí (bán đôla Mỹ, mua nhân dân tệ).
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, đồng nhân dân tệ đang trong xu hướng mất giá mạnh. Nếu dùng đồng tiền này trong thanh toán, doanh nghiệp sẽ nắm giữ một “cục tiền” đang bốc hơi, nên về lâu dài sẽ không có lợi.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cũng cho biết, gần đây nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc từ chối thanh toán bằng đồng đôla mà đề nghị chuyển qua trả bằng nhân dân tệ.
Trước đây, đa số doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chọn phương thức thanh toán bằng đồng đôla, trả trước 20% giá trị đơn hàng. Sau khi làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu, phía Trung Quốc thanh toán nốt phần còn lại thì mới được kéo hàng về.
Tuy nhiên, do tình hình đồng nhân dân tệ mất giá liên tục, đồng đôla trở nên khan hiếm đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nên họ mới yêu cầu trả bằng nhân dân tệ.
“Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ rất rủi ro. Chúng tôi không thể biết tỷ giá nhân dân tệ/USD còn biến động như thế nào. Hôm nay ký hợp đồng với giá USD quy đổi nhân dân tệ như vậy nhưng ngày mai đồng nhân dân tệ lại mất giá, phần thiệt thuộc về doanh nghiệp Việt Nam”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản, nói.
Mặt khác, việc nhận đồng nhân dân tệ, sau đó đổi ra đôla còn bị ngân hàng tính thêm phí khiến doanh nghiệp càng chịu thiệt nhiều hơn.
Trong tình hình đồng nhân dân tệ đang mất giá hiện nay, kiến nghị dùng nhân dân tệ để thanh toán của hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc chẳng khác nào “gắp lửa bỏ tay người”.
Minh Phúc – Hoàng Bảy
Tiếp thị thế giới
|