5 năm tới, ngành bia dự kiến cán mốc sản lượng 4.25 tỷ lít/năm
Giai đoạn 2011 - 2015, ngành Bia - Rượu - Nước giải khát ghi nhận kết quả sản lượng bia đạt 3.4 tỷ lít bia; sản lượng rượu công nghiệp đạt 70 triệu lít và sản lượng nước giải khát đạt 4.8 tỷ lít. Đóng góp cho ngân sách 30,000 tỷ đồng, báo cáo tổng kết ngành Bia - Rượu - Nước giải khát nhiệm kỳ 2011-2015 và phương hướng 2016-2020 cho biết.
Ngành bia
Đến nay cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia; trong 63 tỉnh thành phố trên cả nước hiện nay chỉ có 20 tỉnh là không có cơ sở sản xuất bia. Sản lượng sản xuất của các cơ sở sản xuất tập trung ở các tỉnh thành phố lớn như TPHCM 34.69%; Hà Nội 12.64%; Thừa Thiên - Huế 6.8%...
Trong thời gian này cũng xuất hiện những cơ sở sản xuất có quy mô lớn từ 200 đến 400 triệu lít/năm như nhà máy bia Củ Chi (Sabeco), Nhà máy bia Mê Linh (Habeco). Nhà mày bia Việt Nam (Heinenken) ở TPHCM, ... hình thành lên những Tổng công ty, Tập đoàn, hãng Bia chi phối thị trường như: Habeco, Sabeco, Heineken, Tiger, Carlsberg, Huda, Đại Việt; những hãng bia này đến nay chiếm khoảng 90% - 95% thị trường Bia cả nước.
Ngành nước giải khát
Giai đoạn 2011 - 2015, nước giải khát có tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng là 8.38%/năm. Đến nay có khoảng gần 1,833 cơ sở sản xuất nước giải khát các loại với quy mô khác nhau, năng lực, công suất đạt khoảng trên 5 tỷ lít/năm với 3 chủng loại sản phẩm chính là: Nước khoáng có ga và không ga, nước uống tinh khiết, nước ngọt và nước hoa quả các loại với sản lượng nước giải khát các loại đến 2015 ước đạt 4,800 triệu lít về sản xuất cũng như thị trường xu hướng tiêu dùng nước tinh khiết và nước ngọt, nước hoa quả các loại có tốc độ tăng trưởng cao, tiêu thụ ngày càng nhiều chiếm tỷ trọng 85% trong khi đó nước khoáng chỉ có 15%.
Ngành rượu
Đến nay cả nước có khoảng 162 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp được phân bổ ở khắp các tỉnh, thành (chỉ có Bạc Liêu không có doanh nghiệp sản xuất Rượu), nhưng phần lớn là quy mô nhỏ, thương hiệu mang tính địa phương như Rượu Phú Lễ (Bến Tre); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Sắn Lùng (Lào Cai); Bầu Đá (Bình Định); Gò Đen (Long An), ... các thương hiệu lớn mang tính thị trường cả nước ít như Rượu Hà Nội, Rượu Bình Tây, Rượu Vodka men, Vang Thăng Long, Vang Đà Lạt, ... Trong khi đó Rượu là ngành kinh doanh có điều kiện được quản lý theo Nghị định 94; việc sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ đều phải được cấp phép. Việc quản lý rượu dân tự nấu, rượu lậu, rượu giả, ... tuy có nhiều giải pháp nhưng lượng sản xuất chưa giảm. Do vậy đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Rượu sản xuất công nghiệp, sản lượng rượu công nghiệp tăng thấp, ước đến năm 2015 đạt khoảng 70 triệu lít. Sản lượng rượu công nghiệp cũng vẫn chỉ là rượu trắng, rượu mạnh, dòng sản phẩm rượu nhẹ, rượu vang còn ít. Rượu dân tự nấu và tiêu thụ trên thị trường còn rất lớn ước đạt trên 200 triệu lít/năm gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp, rượu nhập khẩu cũng tăng dần qua các năm, chủ yếu là những dòng rượu có thương hiệu quốc tế về Rượu vang và Rượu mạnh từ các nước Ý, Anh, Pháp, Úc, Chi Lê, ...
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thị trường, Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phải phấn đấu đến năm 2020 về sản lượng bia từ 4 tỷ đến 4.25 tỷ lít/năm, Nước giải khát từ 8.3 tỷ lít đến 9.2 tỷ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 – 360 triệu lít trong đó rượu sản xuất công nghiệp từ 100 đến 150 triệu lít, đưa sản lượng rượu công nghiệp chiếm tỷ lệ 50% sản lượng rượu toàn quốc./.
|