Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Yếu điểm NĐT nhỏ là thiếu thông tin và chưa quản lý được danh mục
Năm 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều khả năng sẽ sụt giảm hoặc điều chỉnh giằng co trong giai đoạn đầu năm trước khi hồi phục về cuối năm, chu kỳ có thể ngược lại so với năm 2015. Và một số nhóm cổ phiếu tiềm năng sẽ rơi vào các ngành có triển vọng như chứng khoán, xuất khẩu, công nghệ thông tin, logistics và khu công nghiệp.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) về TTCK Việt Nam năm 2016 cũng như nhóm cổ phiếu cần lưu tâm.
Ông Nguyễn Xuân Bình
|
Cơ hội kiếm lời trong năm 2016 sẽ nhiều hơn
Nhìn lại thị trường năm 2015, ông Bình nhận định có ba dấu ấn đáng nhớ, mang tính chi phối xu hướng và tạo điểm đảo chiều thị trường.
Thứ nhất là thời điểm Thông tư 36 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02, giúp kiểm soát và lành mạnh hóa dòng vốn cho vay margin từ các ngân hàng và công ty chứng khoán. Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận, Thông tư này đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, gây ra diễn biến phân hóa của dòng tiền và hạn chế đáng kể sóng cổ phiếu đầu cơ như trong các năm trước.
Dấu ấn thứ hai là giai đoạn trung tuần tháng 7, VN-Index đạt mức đỉnh của năm xung quanh 640 điểm sau khi đón nhận thông tin tích cực từ Nghị định 60 liên quan đến câu chuyện mở room ngoại.
Những cột mốc còn lại trong nửa cuối năm phần nhiều đều mang tính tiêu cực liên quan đến quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, Fed chính thức tăng lãi suất trở lại sau gần một thập kỷ và diễn biến lao dốc, phá đáy trung hạn của giá dầu thế giới. Những yếu tố này đã gây ra những đợt giảm điểm của thị trường, đỉnh điểm là nhịp sụt giảm mạnh xuống quanh 510 của VN-Index vào cuối tháng 8 và giai đoạn điều chỉnh lình xình trong 2 tháng cuối năm.
Xét đến năm 2016, ông Bình vẫn đặt niềm tin vào xu hướng hồi phục của thị trường nhưng theo kịch bản sụt giảm hoặc điều chỉnh giằng co trong giai đoạn đầu năm trước khi hồi phục về cuối năm, chu kỳ có thể ngược lại so với năm 2015. Các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường năm sau có thể được chia làm hai nhóm.
Về mặt tiêu cực, chu kỳ tăng lãi suất của Fed (dự báo tăng thêm 1% cho cả năm 2016) sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường mặc dù mức độ phản ánh có thể sẽ giảm dần. Tín hiệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc và xu hướng giảm giá của đồng Nhân dân tệ sẽ còn gây nhiều áp lực đối với tỷ giá và động thái giao dịch của khối ngoại. Vấn đề nợ công và xu hướng tăng trở lại của lãi suất cũng là những rủi ro đối với nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Ở góc độ tích cực, những thông tin chính thức về việc ký kết và lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (khác với những phản ánh mang tính kỳ vọng trong thời gian trước) sẽ dần được phản ánh trên thực tế, tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế. Các quy định cụ thể về mở room ngoại cho các nhóm ngành từ phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ mang tính hỗ trợ cho các cổ phiếu liên quan. Cơ chế giao dịch T+0 và các sản phẩm chứng quyền sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và tác động tích cực đến lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán. Cuối cùng nhưng cũng là yếu tố được đặt kỳ vọng lớn nhất, không chỉ có thể bắt đầu được phản ánh trong năm 2016 mà còn trong giai đoạn 3-4 năm tới là lộ trình xây dựng hồ sơ để được MSCI nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi.
Với kịch bản này, ông Bình nhận định cơ hội cho nhà đầu tư trong năm 2016 sẽ nhiều hơn là phần rủi ro. Và một số nhóm cổ phiếu tiềm năng sẽ rơi vào các ngành có triển vọng được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực có thể kể đến như chứng khoán, xuất khẩu, công nghệ thông tin, logistics và khu công nghiệp.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ thường vấp phải yếu điểm gì?
Theo quan sát của ông Bình, đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đều không gặt hái được kết quả tốt trong năm 2015. Hai yếu điểm lớn nhất thường gặp đối với các nhà đầu tư cá nhân là thiếu thông tin cơ bản về triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chưa có kinh nghiệm quản lý danh mục một cách bài bản; mà cụ thể là họ quá tập trung cho các vị thế ngắn hạn, hay mua bán cùng lúc với tỷ trọng lớn. Chính vì yếu điểm thứ nhất nên nhiều người chọn cách đầu tư “ăn theo” dòng tiền của các nhà đầu tư lớn khi nghĩ rằng cổ phiếu nào được nhà đầu tư tổ chức mua thì cổ phiếu đó là cổ phiếu tốt. Và vì yếu điểm thứ hai nên sau khi mua rồi, nhà đầu tư lại không phân định rõ là đầu tư ngắn hay dài, phân bổ tỷ trọng giữa phần trading và phần nắm giữ, nên thường không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Do vậy, để hạn chế sai lầm khi đầu tư, theo trải nghiệm của bản thân, ông Bình cho rằng điều kiện bắt buộc là nhà đầu tư đều phải biết nhận định cơ bản về bối cảnh nền kinh tế và triển vọng ngành để xác định xu hướng chủ đạo của thị trường, lựa chọn nhóm cổ phiếu mục tiêu.
Từ xu hướng chủ đạo đó, tùy vào sở trường và điều kiện thời gian, nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình một trong hai phương pháp. Một là đầu tư cơ bản thuần túy, mua và nắm giữ dài hạn cho đến khi những yếu tố tiềm năng cơ bản đó không còn nữa hoặc đã đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Hai là kết hợp thêm phân tích kỹ thuật, bám sát xu hướng thị trường để lựa chọn các điểm mua/bán trading, phân bổ danh mục ngắn/dài hạn để tăng hiệu quả đầu tư. Cả hai phương pháp này đều có mặt ưu và nhược điểm riêng và tùy từng chu kỳ thị trường sẽ cho hiệu quả khác nhau.
Ngoài ra, đối với quan điểm đầu tư ăn theo dòng tiền của nhà đầu tư lớn, ông Bình khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên coi đây là một yếu tố tham khảo trong quyết định đầu tư của mình, sau đó cần nghiên cứu phân tích các câu chuyện và triển vọng cơ bản đằng sau các tín hiệu của dòng tiền./.
|