Thứ Ba, 22/12/2015 08:16

10 sự kiện nổi bật ngành thủy sản năm 2015

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2015. VASEP đánh giá năm 2015 Việt Nam hội nhập rộng và sâu hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế. Dù đã đón đầu trước những cơ hội và thách thức nhưng thủy sản Việt Nam vẫn chưa kịp thích nghi và ứng phó với nhiều rào cản.

Tính đến nửa đầu tháng 11/2015, tổng giá trị XK đạt 5,84 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 sản phẩm thủy sản XK chủ lực là tôm giảm 26,2%; cá tra giảm 10,3% và cá ngừ giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại năm 2015, VASEP đưa ra 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm:

1. NQ19/2015/NQ-CP được cộng đồng DN mong đợi và đánh giá cao

Ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP (NQ19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu sớm nâng tầm vị trí của Việt Nam trong bản đồ đầu tư – kinh doanh của khu vực và thế giới. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ GTVT… và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ NN và PTNT theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản XK trong đó có nội dung về việc nguyên liệu hải sản NK để chế biến hàng XK vào thị trường châu Âu (EU) phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu cá có Code EU. Đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm tra Giấy chứng nhận thủy sản khai thác. Đây là những vướng mắc lớn nhất của các DN XK thủy sản trong những năm qua.

2. Sửa đổi, bổ sung Nghị định cá tra theo trình tự, thủ tục rút gọn

Sau một năm triển khai Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36 - Nghị định cá tra) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá Tra, XK gặp nhất nhiều khó khăn về thị trường, DN thì bị áp lực tâm lý trong quá trình thực hiện. Ngày 25/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 7678/VPCP - KTN tới Bộ NN và PTNT nêu ý kiến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ NĐ 36 áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP đã phản ánh những vấn đề thực tế mà DN kiến nghị. Cụ thể, trong khoản 3 điều 6 Dự thảo quy định hàm lượng nước không được vượt quá 86% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra XK phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 20%. Theo Dự thảo, việc đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra không còn là thủ tục điều kiện để được thông quan. Theo đó, trước ngày 25 hàng tháng, thương nhân nộp bản đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra theo mẫu quy định cho Bộ NN và PTNT.

Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi lùi thời hạn áp dụng VietGAP thêm 1 năm, theo đó từ ngày 31/12/2017 tất cả các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Động thái này tạo ra tâm lý tốt hơn cho DN sản xuất và XK cá tra, trong bối cảnh khó khăn về thị trường tiêu thụ.

3. Thuế CBPG tôm giảm

Ngày 3/3/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh NK từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Tiếp đó, ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh NK từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8. Kết quả này đã thuận lợi lớn hơn cho XK tôm Việt Nam vào thị trường XK lớn nhất - Mỹ.

4. Thuế CBPG cá tra tăng

Ngay từ đầu năm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1/8/2012 đến 31/7/2013 đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh NK từ Việt Nam. Mặc dù, các DN Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận để thuyết phục, tuy nhiên DOC vẫn đưa ra mức thuế thiếu công bằng và bất hợp lý với mức thuế gần 1 USD/kg. Ngày 14/9/2015, DOC ra phán quyết sơ bộ mức thuế CBPG lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra philê đông lạnh của VN vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014. Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là HUNG VUONG CORP và TAFISHCO lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg. Mặc dù đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ của DOC và mức thuế 0,6 USD/kg thấp hơn so với POR10 nhưng vẫn rất khó để các DN cá tra Việt Nam có thể đưa hàng vào Mỹ.

5. Chương trình thanh tra cá da trơn với nguy cơ “tuột” mất thị trường Mỹ

Ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) lại thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá Tra NK vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.  Hiện nay, Mỹ là thị trường XK cá tra số 1 của Việt Nam. Tính đến hết tháng nửa đầu tháng 11/2015, giá trị XK sang thị trường này đạt 273,9 triệu USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Quyết định này được đưa ra và có hiệu lực trong thời gian quá gấp đang gây hoang mang cho các DN XK cá tra sang thị trường Mỹ. Dự báo, năm 2016, XK cá tra sang thị trường Hoa Kỳ sẽ sụt giảm mạnh so với năm 2015.

6. Giảm XK sang Mỹ - EU - Nhật Bản vì biến động tỷ giá

Mỹ - Nhật Bản và EU đang là 3 thị trường hàng đầu của DN XK thủy sản. Do đó, sự biến động của đồng USD, Yên và Euro đều tác động tới hoạt động XK của ngành thủy sản. Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT sau khi các đồng tiến chính giảm giá mạnh so với USD: Tính từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2015: đồng Euro giảm 20%, đồng yên Nhật giảm 39%, đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Ngược lại đồng NDT đã tăng giá suốt 3 năm qua, trước khi có động thái giảm giá vào tháng 8/2015, VND cũng neo giá cố định. Đến tháng 8/2015, VND giảm giá nhẹ (-5%) so với thời USD và NDT tính từ thời điểm tháng 1/2013.

Giảm giá mạnh nhất là nội tệ của các nước đang phát triển: đồng Real của Brazil giảm 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, đồng rupiah Indonesia giảm 42%, đồng ringgit Malaysia giảm 33%, đồng rupee Ấn Độ giảm 20%, Baht Thái Lan giảm 18% so với đồng USD. Sự giảm giá nội tệ của các nước đối thủ này khiến cho nông sản và thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

7. Sau FTA, TPP là thách thức nhiều hơn cơ hội?

Năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục để tham gia Hiệp định Thương mại tự do với thị trường EU, Hàn Quốc, với Liên minh hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan (FTA) và Hiệp định Thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), DN XK thủy sản Việt Nam sẽ phải đứng trước những thách thức, rào cản lớn hơn nữa bên cạnh sự hưởng lợi thế lợi nhất về việc ưu đãi thuế. Ngày 5/10/2015, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng và kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên. Hiệp định TPP được coi là Hiệp định của thế kỷ 21 dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các DN XK thủy sản. 11 nước thành viên tham gia TPP là: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore, Mexico, Malaysia, Newzealand, Chile, Peru và Brunei đều là những đối tác chiến lược của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau những cơ hội này, nhiều DN nhận định rằng, thách thức cũng quá lớn!

8. Bộ NN và PTNT xác định 2015 là năm an toàn thực phẩm

Bộ NN và PTNT xác định năm 2015 là năm đảm bảo vệ sinh ATTP trong nông nghiệp và đề ra mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về vấn đề này, trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thủy sản. Năm nay, ngành đề ra mục tiêu, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giảm 10%. Mục tiêu này vừa được đưa ra trong Quyết định số 445/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN và PTNT, ban hành ngày 4/02/2015. Kèm theo quyết định là chương trình hành động - năm VS ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.

9. EU và Mỹ tăng cường quản lý và giám sát thủy sản khai thác

Ngày 03/8/2015, Cục Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) đã đưa: bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh, cá nục heo, cá mú, cua huỳnh đế, cá tuyết Thái Bình Dương, hải sâm, cá mập, tôm, cá kiếm và cá ngừ vào danh sách “các loài có nguy cơ” bị khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Danh sách các loài có nguy cơ sẽ được xây dựng dựa trên cơ chế truy xuất nguồn gốc tốn kém và phức tạp, điều sẽ gây khó khăn cho cả bên XK cũng như nhà NK Mỹ. VASEP đã gửi góp ý  yêu cầu Nhóm đặc trách sửa đổi bản dự thảo “danh sách các loài có nguy cơ”, cụ thể bỏ tôm ra khỏi danh sách này. Ngoài ra, trong năm 2015, EU cũng đưa ra nhiều cảnh báo với các nước vi phạm quy định IUU đồng thời kêu gọi Liên minh Châu Âu cấm NK từ các nước vi phạm.

10. Xuất khẩu 3 sản phẩm chủ lực giảm

Tính đến nửa đầu tháng 11/2015, giá trị XK của 3 sản phẩm XK chủ lực là: Tôm, cá Tra và cá ngừ đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK tôm đạt 2,59 tỷ USD, giảm 26,2%; XK cá tra đạt 1,37 tỷ USD, giảm 10,3% và XK cá ngừ đạt 408,6 triệu USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị XK 3 sản phẩm chính giảm sút kéo theo tổng giá trị XK thủy sản giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014. Khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất trong nước cao khiến sản phẩm XK thủy sản Việt Nam kém cạnh tranh. Trong năm 2015, các DN XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là DN XK cá tra./.

Các tin tức khác

>   Ngành hàng gia dụng với quy mô 13 tỷ USD sẽ ra sao sau hội nhập? (22/12/2015)

>   Chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/3/2016 (29/02/2016)

>   Đến lượt lo bị kiện chống trợ cấp (21/12/2015)

>   Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Hiệp hội Cá tra đang cân nhắc khởi kiện Mỹ ra WTO (19/12/2015)

>   Úc bỏ thuế chống bán phá giá sản phẩm máy chế biến nhập khẩu từ VN (19/12/2015)

>   Giai đoạn 2020-2030, Quảng Ninh sẽ có 20 cụm công nghiệp, hút 15,000 tỷ đồng vốn đầu tư (19/12/2015)

>   Quảng Ninh sắp dừng hoạt động các tàu du lịch tại cảng Bãi Cháy (19/12/2015)

>   CPH tập đoàn lớn phải được TTCP phê duyệt phương án và Bộ quản lý lựa chọn tổ chức tư vấn (19/12/2015)

>   EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về các mặt hàng gỗ (18/12/2015)

>   Đường vào Mỹ của cá tra sau năm 2017 (18/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật