Thứ Ba, 22/12/2015 08:56

Ngành hàng gia dụng với quy mô 13 tỷ USD sẽ ra sao sau hội nhập?

Ngành hàng gia dụng được đánh giá là một trong những ngành sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhờ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là sự mở rộng của phân khúc thị trường nông thôn. Tuy nhiên, khi đối mặt với ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, ngành hàng gia dụng với quy mô thị trường lên tới 13 tỷ USD sẽ làm cách nào để đối phó với cạnh tranh từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan?

Hội thảo “Cạnh tranh của ngành hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu” được tổ chức vào chiều ngày 21/12.

Chiều ngày 21/12/2015, Sở GDCK Hà Nội (HNX), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam – VietinBankSc (CTS) và CTCP Sơn Hà Sài Gòn (SHA) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Cạnh tranh của ngành hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia dưới các góc nhìn khác nhau đã có những chia sẻ về triển vọng, cũng như đánh giá các tác động khác nhau liên quan đến ngành hàng gia dụng. Tuy nhiên, tựu chung lại các quan điểm đều chỉ ra rằng ngành hàng gia dụng sẽ là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng rất lớn trong thời gian tới, mặc dù sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm từ các nước láng giềng khi hội nhập.

Theo ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, hiện tại tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng. Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước khoảng 12.5 – 13 tỷ USD với mức phát triển cao hơn bình quân toàn thị trường.

Nhận xét về triển vọng phát triển của ngành, ông Quyền cho rằng, ngành hàng gia dụng sẽ trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới bởi nhu cầu hàng gia dụng đối với một nền tảng dân số trẻ (18-45 tuổi, chiếm 57-60%), mức thu nhập bình quân ngày càng tăng, trong khi thị hiếu của người tiêu dùng đang chuyển hướng sự quan tâm đến các thương hiệu Việt (theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85-95% là thương hiệu Việt như Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á, Điện Quang). Một điểm cần lưu ý khác là nhu cầu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng có chất lượng tại thị trường nông thôn đang phát triển rất mạnh, đây có thể sẽ là phân khúc quan trọng mà các nhà cung cấp trong nước sẽ hướng tới.

Về cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt khi năm 2015 là năm của các hiệp định mới được ký kết như TPP, FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác, các chuyên gia cùng có chung quan điểm rằng, cạnh tranh sẽ mở ra cơ hội nhưng cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức.

Ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nhận định: “Hội nhập sẽ là cơ hội để mở rộng thị trường nhờ xoá bỏ hàng rào thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN… Tuy nhiên cơ hội cũng kèm theo thách thức, đặc biệt là vấn đề xuất xứ hàng hoá hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào do hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam”.

Để đối mặt với các khó khăn, ông Ruệ cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực đầu tư vào công nghệ, hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ở một góc nhìn khác, ông Võ Văn Quyền nhận định, các hiệp định mới được ký kết trong năm 2015 sẽ mở ra cơ hội, thách thức cho ngành sản xuất Việt Nam, trong đó có ngành gia dụng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nội địa thì vấn đề cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập cũng không phải là quá lo ngại do phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều đã có sự chuẩn bị nhất định để sẵn sàng với lộ trình hội nhập. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn (SHA) cho biết, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích nghi với bối cảnh hội nhập. Đối với trường hợp của Sơn Hà Sài Gòn, Công ty đã xúc tiến tìm hiểu xuất khẩu từ cách đây hơn 10 năm nhưng 5 năm gần đây mới tiến hành thực hiện. Lý do của quá trình này là do doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới, cũng như phải tìm hiểu luật chơi quốc tế một cách cặn kẽ.

Giá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho DN đưa hàng hóa sang thị trường khác tiềm năng” – ông Hà nhận định.

Trước 2015, Sơn Hà chủ yếu xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia. Đến nay nhờ đầu tư dây chuyền để sản xuất sản phẩm cao cấp, Công ty đã có thể tiếp cận các thị trường khó tính hơn như Mỹ, Canada. Tuy nhiên, với cương vị là người chèo lái con thuyền, ông Hà cũng chia sẻ, doanh nghiệp dù cho xuất khẩu nhiều nhưng nếu không mạnh ở thị trường trong nước thì khó có thể xâm nhập sâu vào thị trường quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro.

Cùng chung nhận định với các chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse cho biết, thách thức đặt ra là hiện nay hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc… sẽ cũng được hưởng lợi từ thuế 0%. Điều này sẽ đem lại lợi thế cho các công ty thương mại nhưng sẽ là bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây không phải là lợi thế của các doanh nghiệp Việt.

Hướng tới thị trường xuất khẩu sẽ là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp Việt khi thị trường nội địa bị xé nhỏ, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức do thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính vĩ mô, chưa đi sâu vào từng ngành hay những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như nhân lực./.

Các tin tức khác

>   Chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/3/2016 (29/02/2016)

>   Đến lượt lo bị kiện chống trợ cấp (21/12/2015)

>   Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Hiệp hội Cá tra đang cân nhắc khởi kiện Mỹ ra WTO (19/12/2015)

>   Úc bỏ thuế chống bán phá giá sản phẩm máy chế biến nhập khẩu từ VN (19/12/2015)

>   Giai đoạn 2020-2030, Quảng Ninh sẽ có 20 cụm công nghiệp, hút 15,000 tỷ đồng vốn đầu tư (19/12/2015)

>   Quảng Ninh sắp dừng hoạt động các tàu du lịch tại cảng Bãi Cháy (19/12/2015)

>   CPH tập đoàn lớn phải được TTCP phê duyệt phương án và Bộ quản lý lựa chọn tổ chức tư vấn (19/12/2015)

>   EU là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam về các mặt hàng gỗ (18/12/2015)

>   Đường vào Mỹ của cá tra sau năm 2017 (18/12/2015)

>   S&P: Thu hút đủ vốn FDI, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc (18/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật