Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để tăng sự minh bạch
Ngày 30/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” nhằm mục đích lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam.
Công nhân EVN ghi chỉ số côngtơ khách hàng. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
|
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện theo lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, cần phải chỉnh sửa, tính toán các bậc lũy tiến sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là phải ưu tiên hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Ông Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng theo cách tính hiện hành với sáu bậc thang, đa số người dân sử dụng điện chưa hiểu và không quản lý được mức sử dụng điện của gia đình mình.
Theo ông Dương Văn Nhân, đối với người có thu nhập thấp cần nghiên cứu mức giá bán hợp lý đối với bậc lũy tiến đầu tiên, bởi nếu giá bán quá cao thì tạo thêm gánh nặng hỗ trợ đối với Chính phủ.
Ngoài ra, EVN cũng cần nghiên cứu cơ chế khuyến khích sử dụng điện giờ thấp điểm (giảm giá thành) như đối với việc bán điện cho hộ kinh doanh.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn, việc này muốn thực hiện được cần đầu tư thay thế côngtơ điện hiện tại bằng côngtơ điện điện tử, áp lực về vốn sẽ rất lớn.
Theo ông Mai Văn Luông, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, EVN và Bộ Công Thương cần làm rõ hơn các ưu điểm, khuyến điểm của cả ba phương án. Sẽ không có phương án nào đem lại hài lòng cho tất cả, cho nên cần ưu tiên số đông, mà ở Việt Nam thì số đông có thu nhập trung bình.
Tại hội thảo, đại diện các Sở Công Thương tỉnh Long An, Bến Tre, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đều đồng ý với kịch bản 5 của phương án 3, nhưng cần thay đổi về mức sử dụng điện tính theo kWh tại các bậc lũy tiến, bởi phương án này phải sẽ có khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá cao hơn trước do rút ngắn bậc mà vẫn phải đảm bảo giá bình quân hiện hành.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết các phương án được xây dựng nhằm đưa ra nhiều sự lựa chọn hơn, để có một biểu giá điện đơn giản, công khai, minh bạch; đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện ở nước ta, tạo thuận lợi trong quản lý, theo dõi, kiểm tra của người sử dụng điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Dù cuối cùng lựa chọn phương án nào thì cũng dựa trên nguyên tắc là không tăng giá điện.
EVN và đơn vị tư vấn sẽ tổng hợp các ý kiến để xây dựng phương án tối ưu nhất, hoàn thiện dự thảo lựa chọn phương án trình Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét. Ông Đinh Quang Tri khẳng định dự kiến đến đầu năm 2016 sẽ hoàn thiện dự thảo và cần lưu ý rằng, giá bán lẻ điện sẽ không đổi cho đến tháng 6/2016.
Trước đó, EVN đã công bố dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với ba phương án cơ cấu biểu giá điện. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên sáu bậc như hiện hành; phương án 2, quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá); phương án 3 rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ sáu bậc xuống ba bậc hoặc bốn bậc (phương án 3 gồm năm kịch bản).
Tại buổi hội thảo, theo ghi nhận đa số các đại biểu tham dự đồng thuận với kịch bản 5 của phương án 3, tức là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ sáu bậc xuống còn bốn bậc.
Nguyễn Chung
Vietnam+
|