Thứ Tư, 30/09/2015 10:47

Điện than - lợi bất cập hại

Ngày 29/9 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – đại diện Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức Hội thảo “Than và Nhiệt điện than: Những điều chưa biết”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Góp phần vào nỗ lực tìm các giải pháp năng lượng bền vững tiến tới giảm tỷ trọng của nhiệt điện than tại Việt Nam”.

Điện than và những hệ lụy

Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh cho biết, một trong những hệ lụy của nhiệt điện đốt than là ô nhiễm không khí. Hiện ở Việt Nam có 19 nhà máy điện than đang vận hành và hơn 50 nhà máy nhiệt điện than được dự kiến xây dựng trong thời gian tới. Theo bà Khanh, nhiệt điện than tại Việt Nam có những cơ hội như: Được đánh giá là nguồn năng lượng khả thi nhất đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã có kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành điện than. Tuy nhiên, nhiệt điện than ở Việt Nam cũng tạo ra các thách thức như: Việc tăng tỷ trọng điện than là đi ngược với xu thế thời đại, mâu thuẫn với các chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiệt điện than tiêu tốn một lượng than khổng lồ, do đó Việt Nam phải nhập khẩu một lượng than lớn, đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng vận chuyển. Cùng với đó là việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu của các nước tiên tiến đã từ bỏ công nghệ này. Tỷ lệ điện than quá lớn (56%) ảnh hưởng đến an ninh năng lượng; phát thải khí nhà kính lớn, ô nhiễm môi trường sống; chi phí lớn và gánh nặng cho xã hội đối với việc chăm sóc sức khỏe… Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu chế tài kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ảnh: Đinh Hòa

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Harvard, số người chết liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người mỗi năm. “Trong bối cảnh kinh tế đất nước ngày càng phát triển như hiện nay thì số người chết vì nhiệt điện than chắc chắn sẽ có xu hướng ngày càng tăng cao, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm về sức khỏe của người dân” - ông Trần Đình Sính - Phó Giám đốc GreenID khẳng định.

Nhiều giải pháp trước mắt

Trao đổi trực tuyến tại hội thảo, bà Shannon Koplitz (từ trường Đại học Harvard) cho biết: Nhà máy nhiệt than phát thải ra SO2 và NOx hình thành các hạt vật chất (bụi PM) và ozone, gây hại cho sức khỏe con người. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Nếu không cắt giảm, lượng khí thải được dự báo này có thể dẫn tới cái chết của hơn 25.000 người mỗi năm.

Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia ô nhiễm không khí và than cho rằng, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong ở Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ tử vong do đột quỵ là 112,6/100.000 người, do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là 25,5/100.000 người, do ung thư phổi là 19/100.000 người… “Chính phủ Việt Nam cần can thiệp để đưa ra các giải pháp cũng như chính sách phòng ngừa trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để giảm thiểu những tác động của các nhà máy điện than đến chất lượng không khí và sức khỏe con người trong tương lai” - ông Lauri Myllyvirta nhấn mạnh.

Ông Đặng Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CEWAREC) cho biết: “Qua quá trình tham vấn ý kiến cộng đồng về tác động của nhiệt điện than tới nguồn nước tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, chất lượng nước ở các kênh mương đang bị ô nhiễm trầm trọng, nước thường màu đen, sánh, mùi hôi tanh và ngày càng cạn kiệt. Chất lượng nước giếng và nước mưa mà người dân sử dụng không tốt, thường hôi tanh, vàng, có lẫn bụi than, gây ngứa”. Do đó, ông Vinh kiến nghị nên tăng cường biện pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước từ các nhà máy nhiệt điện than. Tiến hành di dời các nhà máy nhiệt điện và nhà máy sàn tuyển than ra khỏi khu vực dân cư, khu phát triển đô thị, khu du lịch sinh thái. Cân nhắc việc lựa chọn địa điểm xây dựng các nhà máy nhiệt điện tiếp theo nằm trong quy hoạch của tỉnh; nghiên cứu phát triển các loại năng lượng tái tạo.

Theo bà Ngụy Thị Khanh thì cần cập nhật nhu cầu điện sát thực tế; quy hoạch năng lượng tổng thể để cân bằng giữa các nguồn năng lượng cho phát điện. Đẩy mạnh thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, xác định công nghệ thích hợp để tăng hiệu suất, giảm phát thải; nâng cao tỷ lệ năng lượng gió, mặt trời.

Trần Thu

kt&đt

Các tin tức khác

>   4G ở Việt Nam: Kỳ vọng "con gà đẻ trứng vàng" (30/09/2015)

>   “ASEAN-4 còn xa”?  (30/09/2015)

>   Có dấu hiệu doanh nghiệp "lách" Thông tư 20 để NK xe ô tô? (29/09/2015)

>   Bộ Công Thương: “Không thể tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá" (29/09/2015)

>   Gần 500 doanh nghiệp 'gánh' 28 triệu tấn rác/năm (29/09/2015)

>   Lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư (29/09/2015)

>   Chăn nuôi gia cầm với cú "sốc" lỗ gần 1.000 tỉ đồng (29/09/2015)

>   Xem xét chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT (29/09/2015)

>   Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10/2015 (29/09/2015)

>   Tham vọng chính quyền cảng: Cần phải xem xét thận trọng! (29/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật