Bộ Công Thương: “Không thể tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá"
Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định hôm nay rằng, mặc dù cả ba tập đoàn điện lực (EVN), Tập đoàn công nghiệp than- khoáng sản (TKV) và Tập đoàn dầu khí (PVN) đã có văn bản đề xuất tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá nhưng Bộ Công Thương không đồng ý.
Ngành điện đòi bù lỗ tỉ giá bằng việc tăng ngay giá điện nhưng không được thông qua. Ảnh:TL
|
Thông tin này được ông Tuấn đưa ra tại cuộc tọa đàm về biểu giá bán lẻ điện do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 29-9 tại Hà Nội. Trả lời câu hỏi trong tọa đàm về việc: “Bộ Công Thương có đồng ý cho ba tập đoàn đề nghị tăng giá điện để bù lỗ 12.000 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá hay không?”, ông Tuấn nói rằng, tỷ giá chỉ là một trong 4 yếu tố cấu thành giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Các chi phí phát điện bao gồm chi phí nhiên liệu (chi phí giá dầu, giá khí hoặc giá than), tỷ giá, chi phí truyền tải, phân phối và khâu phụ trợ. Tỷ giá chỉ là một trong bốn yếu tố này. Khi xem xét tăng giá điện Bộ Công Thương phải xem xét tổng hòa cả 4 yếu tố. Hiện nay, chi phí cơ cấu nguồn phát đang thay đổi theo hướng giảm dần, từ giá dầu, giá than giảm”. Do vậy thay đổi giá điện vì tỷ giá là không phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
Giải thích thêm về việc EVN có tiếp tục lấy lập luận “bù lỗ tỷ giá” để làm một căn cứ xây dựng biểu giá bán lẻ điện 2016-2017 hay không, ông Hoàng Văn Thùy- Phó ban tài chính EVN nói: hàng năm tập đoàn tập hợp 4 yếu tố đầu vào cơ bản để tính toán chi phí giá thành sản xuất điện. Giá này được cập nhật liên tục và tính ra giá bình quân. Hiện nay EVN đã xây dựng đề án biểu giá bán lẻ điện để trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước (NHNN) thẩm định.
Lý do có cả sự tham gia của NHNN vì EVN sử dụng nguồn vay ngoại tệ lớn để đầu tư. Khi có chênh lệch tỷ giá thì các thông số đầu vào giá điện của EVN sẽ biến động theo thay đổi này. Hàng năm, EVN có hai kỳ đánh giá chênh lệch tỷ giá. Kỳ thứ nhất đánh giá chênh lệch tỷ giá trong năm, tức là số nợ gốc và nợ lãi bằng ngoại tệ mà EVN phải trả trong năm đó, chênh lệch tại thời điểm mua ngoại tệ trả nợ với thời điểm ký hợp đồng vay nợ là bao nhiêu.
Thứ hai là đánh giá chênh lệch tỷ giá đầu kỳ so với cuối kỳ. Đánh giá này chỉ với mục đích báo cáo Bộ Taì chính và chủ sở hữu vốn biết được tổng mức chênh lệch ngoại tệ trong một hợp đồng vay vốn là bao nhiêu. Hiện nay, EVN đang được phép phân bổ dần lỗ chênh lệch tỷ giá ra một số năm để tránh áp lực phải trả nợ một lúc quá lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn không giải thích về việc tại sao giá thành phát điện giảm, nhất là giá nhiên liệu đầu vào sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay và lần thay đổi giá điện (tăng 7,5%) kể từ ngày 15-3 đến nay đã quá 6 tháng được phép điều chỉnh theo quy định của Quyết định 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân mà EVN không giảm giá điện.
Trước đó, Bộ Công Thương đã không đồng tình với đề xuất về việc điều chỉnh giá điện khi chi phí đầu vào biến động, với mức điều chỉnh 5%/lần và 3 tháng điều chỉnh/lần. Bộ giữ nguyên thời hạn điều chỉnh tối thiểu 6 tháng vì lý do để không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng và thị trường mua bán điện.
Ngọc Lan
tbktsg
|