Xem xét chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp CNTT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT nhấn mạnh nếu làm tốt chính sách thuế thì những người làm CNTT ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài và tốt hơn một mức nữa thì những người làm việc ở nước ngoài nhưng có thể mở DN ở Việt Nam và đóng thuế ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ KH&CN xác định danh mục ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, phần mềm là công nghệ cao. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Chủ trì cuộc họp Ủy ban quốc gia về Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngày 28/9, Phó Thủ tướng cho rằng “nếu theo tư duy bình thường thì không bước qua khỏi những rào cản hiện nay” khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực CNTT.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết quá trình xây dựng chính sách thuế ưu đãi dành cho DN trong lĩnh vực CNTT cần dựa trên cơ sở cân đối giữa lợi ích của ngành CNTT và lợi ích tổng thể.
Ví dụ, khi triển khai thuế điện tử, với 500.000 DN hiện có thì số tiền tiết kiệm được nhờ khai thuế điện tử trong 1 năm có thể lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi cho DN CNTT thay vì tập trung vào việc xác định khoản thuế thu được trước và sau khi ưu đãi cho DN thì cần xác định những hiệu ứng lan tỏa xét trên góc độ lợi ích chung, bà Cúc chia sẻ.
Đi vào những kiến nghị cụ thể, bà Cúc cho biết cần có những sửa đổi, điều chỉnh liên quan đến các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đối với DN CNTT và những người hoạt động trong lĩnh vực này.
Dẫn lại câu chuyện trong hoạt động sản xuất phần mềm được luật cho phép ưu đãi thuế suất thu nhập DN lên tới 30 năm tùy theo quy mô DN nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí này, bà Cúc cho rằng đây là điển hình cho thấy “dù có chính sách ưu đãi nhưng thực tế DN không được hưởng”.
Nêu những ví dụ tương tự liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT, bà Cúc cho biết chính sách ưu đãi cho DN CNTT hiện hành hiện đang thấp hơn chính sách ưu đãi trong giai đoạn 2001-2008. Nguyên nhân là do Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân… khi có hiệu lực đã loại bỏ các gói giải pháp của Chính phủ ưu đãi về thuế trong lĩnh vực CNTT.
“Chúng ta cần phải có những ưu đãi để DN CNTT có thể đi tắt, đón đầu và theo kịp Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines… Trong đó cần tập trung vào ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân”, bà Cúc đề xuất.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần phải đưa ra danh mục cụ thể các dịch vụ CNTT được hưởng ưu đãi về thuế suất như lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết Bộ này ghi nhận và sẽ xem xét kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ… những điểm cần điều chỉnh liên quan đến ưu đãi thuế cho DN CNTT, người làm CNTT.
Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Về ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng phạm vi ưu đãi cho các hoạt động CNTT quá rộng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ KH&CN phải xác định cho được danh mục ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ CNTT, phần mềm là công nghệ cao, theo hướng mở, để hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi về thuế.
Đồng thời, Bộ KH&ĐT cần cập nhật kịp thời các ngành nghề CNTT được hưởng chính sách ưu đãi vào cơ sở dữ liệu các ngành nghề kinh doanh để hướng dẫn kịp thời, nếu phát sinh thì tiếp tục bổ sung.
Bộ TT&TT phải phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực CNTT cho DN và người làm CNTT.
Muốn khuyến khích CNTT phát triển thì phải ưu đãi làm sao để DN phải tăng quy mô, trở thành những DN lớn, có đủ năng lực với những tiêu chí cụ thể để có thể áp dụng, thực hiện được ngay. Các chính sách cần được xem xét, xây dựng trên giác độ DN làm CNTT chứ không phải là người sử dụng dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; cho thuê dịch vụ CNTT.
Đình Nam
chính phủ
|