Hai năm, Trung ương hỗ trợ đầu tư Hà Nội hơn 107 nghìn tỷ
Thông tin đáng chú ý từ trả lời chất vấn của Thủ tướng với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh...
Nhà ga T2 sân bay Nội Bài - công trình mới đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015.
|
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).
Tại văn bản chất vấn, đại biểu Khánh nêu, từ sau khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, Hà Nội còn rất nhiều khó khăn với diện tích nông thôn còn lớn, cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân còn thực sự khó khăn.
Văn bản chất vấn cũng dẫn quy định tại Luật Thủ đô: “Đối với một số công trình,dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do Hà Nội vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án”.
Đại biểu Khánh đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng đã triển khai thực hiện Luật Thủ đô thế nào? Việc trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai từng dự án quan trọng như thế nào?
Tại văn bản trả lời đại biểu Khánh, ký thay Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc đầu tư trên địa bàn Hà Nội luôn được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hết sức quan tâm.
Từ năm 2013, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư 29 dự án hạ tầng trọng điểm với tổng mức đầu tư là 107.471,5 tỷ đồng. Số vốn này gồm cả vốn trong nước, ODA và trái phiếu Chính phủ.
Còn với các bộ, ngành Trung ương, tổng hợp sơ bộ cho thấy đã đầu từ trên địa bàn Thủ đô 227 dự án với số vốn 191.827,5 tỷ đồng.
Kèm theo văn bản trả lời chất vấn là danh mục các dự án cụ thể, cả từ vốn Trung ương và các bộ, ngành.
Theo đó, trong số các dự án sử dụng vốn trong nước do bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn Hà Nội thuộc ngành văn hóa có cả trung tâm truyền hình thông tấn, trung tâm sản xuất chương trình truyền hình Việt Nam…
Với dự án sử dụng nước ngoài, thuộc ngành giao thông vận tải có cầu Nhật Tân và đường đầu cầu, nhà ga hành khách T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự án đường sắt đô thị Hà Nội….
Cũng liên quan đến việc thực hiện Luật Thủ đô, đại biểu Khánh đã từng chất vấn vì sao Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách (ít nhất là 45%, hiện là 42% như đề nghị của thủ đô Hà Nội) để Hà Nội có điều kiện thực hiện Luật Thủ đô?.
Ở văn bản trả lời vào cuối tháng 7/2015 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành là "sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên hoặc tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên".
Theo đó, thời kỳ 2011 - 2015 tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia của thành phố Hà Nội sẽ là 28% (giảm 17% so với thời kỳ 2007 - 2010).
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội với vai trò, vị trí là Thủ đô phải thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn để phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của vùng cũng như của cả nước nên Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung thêm cho Hà Nội 7.839 tỷ đồng để thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia là 42%, không giảm lớn so với thời kỳ 2007 – 2010.
Nguyên Vũ
vneconomy
|