Doanh nghiệp nội “sợ” FTA?
Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn bị động trước các thông tin liên quan đến cơ hội và thách thức từ FTA…
“Quy tắc về xuất xứ” - một trở ngại lớn với ngành dệt may Việt Nam khi tham gia FTA
|
Thua trên “sân nhà”
Chẳng đợi đến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, những ngày qua, câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ vào Việt Nam đã làm những người chăn nuôi nhỏ lao đao. Tại Hội thảo “Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam” mới đây, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã phải thốt lên: “Chăn nuôi gần như là vật hy sinh cho TPP”.
Không “hy sinh” sao được khi tới đây gia nhập TPP, khoảng 10 triệu hộ nông dân Việt Nam đang sống nhờ chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh với những nước lớn như Mỹ, Australia, New Zealand… ngay trên “sân nhà”.
“Việt Nam sản xuất 1lít sữa tươi khoảng 65 cent, New Zealand với lợi thế đồng cỏ bạt ngàn, đàn bò lớn, giá thành sữa tươi chỉ khoảng 30 - 35 cent. Điều này cho thấy sức ép cạnh tranh lớn thế nào...” - ông Chinh dẫn chứng.
Không chỉ ngành chăn nuôi được nhận định sẽ khó khăn mà dệt may - một ngành được nhận định là có lợi thế cũng gặp không ít thách thức. Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết, quy tắc về xuất xứ sẽ là trở ngại lớn với ngành bởi lâu nay Việt Nam mới chỉ phát triển được phần may, còn phần dệt và nhuộm còn rất yếu kém. Trong khi đó, các quốc gia yêu cầu phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ kép mới được hưởng thuế suất ưu đãi, tức là cả phần may và vải phải có nguồn gốc xuất xứ từ trong nước.
Không ít DN trong ngành lo ngại khi tự do hóa hoàn toàn, “miếng bánh lớn” thị phần sẽ thuộc về DN FDI chứ không phải trong nước. “Trong đơn giá một sản phẩm may mặc, chi phí gia công chiếm 25%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 24 tỷ USD, lấy số đó nhân với 25%, chúng ta thấy ngoại tệ thực sự thu về cho đất nước không nhiều mà chủ yếu rơi vào doanh nghiệp FDI” - Chủ tịch HĐQT Cty May Garmex Lê Quang Hùng nêu ví dụ.
Số liệu từ Vitas cho thấy với ngành may, DN trong nước chỉ chiếm 40%, so với 60% của khối FDI. Ít ỏi như vậy nhưng DN Việt chủ yếu thực hiện khâu cấp thấp là gia công thuần túy, chỉ 15% hoạt động theo mô hình FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng).
“DN trong nước bình chân như vại, DN nước ngoài thì hồ hởi với FTA. Nước ngoài họ rất chuyên nghiệp và có lực mạnh về vốn, trong nước thì nhỏ lẻ, thói quen làm ăn cũng “được chăng hay chớ”, trước vấn đề lớn thường bối rối…”, ông Ngô Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM cảnh báo.
Vẫn vấn đề này, ông Nguyễn Diễn, VCCI Đà Nẵng trong một hội thảo mới đây cũng chia sẻ, sau khi kết thúc hội thảo “Kết nối chia sẻ DN ngành Gỗ về VPA-FLEGT” tổ chức tại Bình Định, khi đặt câu hỏi “Có nên tiếp tục đàm phán?” thì có đến 90% DN cho rằng không nên, trong khi theo lộ trình, Hiệp định này sẽ được ký kết vào cuối năm nay…
Theo Trung tâm WTO thuộc VCCI, các DN Việt Nam vẫn bị động trước các thông tin liên quan đến cơ hội và thách thức từ FTA. Thống kê cho biết, 70% DN xuất khẩu đang bỏ phí cơ hội tận dụng ưu đãi từ các thị trường sắp mở cửa.
Biến “nguy” thành “cơ”
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu khi năm 2015, một loạt FTA đã được ký kết, song hành với những đàm phán đang đi vào giai đoạn cuối, như FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong “nguy” có “cơ” bởi đây là thời điểm Việt Nam chơi với các đối tác lớn trên thế giới - một cơ hội chưa từng có. Ông Thành lưu ý DN phải tự tìm cơ hội cho mình trong việc Việt Nam ký kết FTA, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN+6, trong các ngành phân phối, bán lẻ, giải trí, logictis, kết nối hạ tầng…
“Thách thức lớn nhưng nếu chúng ta không chấp nhận rủi ro, sự bất định ít nhiều thì không có cơ hội phát triển. Tất nhiên, chúng ta sẽ làm thận trọng, giám sát chặt chẽ, nhưng đây là lựa chọn của Việt Nam, phải chấp nhận để phát triển. Việt Nam còn yếu nhưng dám chơi một hiệp định như TPP là có hàm ý. DN cũng nên chấp nhận với tinh thần đó, bởi đây là cơ hội có một không hai được chơi với những người tốt nhất…”- ông Thành chia sẻ.
Theo bà Bùi Kim Thúy, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Việt Nam hiện đã tham gia 15 FTA, trong đó có 10 Hiệp định đã ký kết (8 Hiệp định đã ký và có hiệu lực, 2 Hiệp định đã ký nhưng chưa có hiệu lực), 5 Hiệp định đang hoặc đã kết thúc đàm phán.
Một FTA toàn diện sẽ bao gồm các nội dung: Thương mại hàng hóa; Quy tắc ứng xử; Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Báo cáo kỹ thuật thương mại; Các biện pháp vệ sinh/kiểm dịch động thực vật; Thương mại dịch vụ; Thương mại điện tử; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Lao động/di chuyển thể nhân; Môi trường/Mua sắm Chính phủ/ Chính sách về cạnh tranh/Cơ chế giải quyết tranh chấp; và một số lĩnh vực đặc thù khác.
Về phía DN, cần tập trung vào 3 giải pháp: Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro; thứ hai, xúc tiến thương mại (các sản phẩm mới có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao vào các thị trường truyền thống; các sản phẩm truyền thống vào thị trường mới; các sản phẩm đặc thù vào các thị trường đặc thù); thứ ba, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về FTA, từ đó nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA.
|
Tô Tử Kiệt
plvn
|