Nguyên phụ liệu dệt may: Nỗi đau đầu trước TPP
Sản xuất nguyên phụ liệu - một trong 5 khâu chính của chuỗi giá trị ngành dệt may - vốn là điểm yếu của dệt may Việt Nam. Nhưng khi Việt Nam ký Hiệp định tự do thương mại Châu Á-TBD (TPP), với quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa thì điểm yếu này càng trở nên bức bối. Một chương trình đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu đã được khởi động, dù không còn sớm.
* Nỗi lo dệt may Việt Nam trước cửa TPP
Thêm nhiều dự án FDI vào ngành dệt may được cấp phép hơn các dự án trong nước. Ảnh: TL
|
Dự kiến trong năm 2015 và 2016, Việt Nam sẽ chính thức ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và có thể là TPP. Các hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường dệt may lớn nhất toàn cầu.
Hiện nay thuế suất bình quân của dệt may Việt Nam vào Mỹ là 12,4% đến 20%, vào EU từ 9,2% đến 9,4%. Nếu các mức thuế này giảm xuống bằng 0% thì hoạt động xuất khẩu vào các thị trường này có điều kiện mỗi ngày một mở rộng (tính riêng năm 2014 xuất khẩu dệt may đạt 24,7 tỉ đô la).
Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), tại cuộc hội thảo “Dệt may-cơ hội và thách thức hội nhập” do Tập đoàn Dệt May và Ngân hàng BIDV phối hợp tổ chức ngày 30-9 thì dệt may đã đặt kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 từ 36 tỉ đến 38 tỉ đô la Mỹ. Với mục tiêu xuất khẩu lớn như vậy và nhiều cơ hội mở ra, việc đầu tư vào dệt may sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới.
Vấn đề là với tiêu chuẩn cao trong các hiệp định tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ nguyên phụ liệu có xuất xứ nội khối cao.
Hiện cả nước có 5.028 doanh nghiệp dệt may nhưng trong số này chỉ có 604 doanh nghiệp phụ trợ cho ngành, 4.424 doanh nghiệp còn lại là may mặc mà may mặc có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi cung ứng này.
Để đón đầu các cơ hội, các dự án dệt may gần đây, chủ yếu là dự án đầu tư nước ngoài, đang tập trung vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu. Điển hình như Công ty Kyungbang (Hàn Quốc) sản xuất sợi tại Bình Dương với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 40 triệu đô la Mỹ và sẽ mở rộng, Texhong (Hồng Kông) với dự án 300 triệu đô la. Ngoài ra còn các dự án của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đều đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Đó là chưa kể đến làn sóng dịch chuyển công xưởng may mặc, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí sản xuất ở Trung Quốc đắt lên.
Các ngân hàng cũng đã nhìn ra việc rót vốn cho ngành dệt may thì chỉ “rót” vốn tín dụng vào các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu. Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV: “Chúng tôi sẵn sàng rót vốn cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là các doanh nghiệp nội. Nếu không sẽ diễn mãi cảnh các doanh nghiệp FDI hưởng phần xuất siêu và doanh nghiệp Việt hưởng phần nhập siêu”.
Ngân hàng này xếp dệt may vào nhóm ngành hàng trọng điềm cần gia tăng thị phần cho vay. Dư nợ ngành dệt may ở Ngân hàng BIDV đến hết năm 2014 là 7.168 tỉ đồng, tăng 44,5% so với cuối năm ngoái, cao hơn so với các ngành hàng xuất khẩu khác. Trong khi đó chất lượng tín dụng lại khá tốt vì tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,4%.
Ngân hàng Vietcombank cũng ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dệt May hồi tháng 8 vừa qua và sẵn sàng tài trợ vốn cho ngành này.
Vấn đề còn lại, theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May thì với 80% nguyên phụ liệu sản xuất là nhập khẩu và sản xuất mang nặng tính gia công, 60% thị trường xuất khẩu trong tay các doanh nghiệp FDI, việc đầu tư vào chuỗi nguyên phụ liệu là nỗi đau đầu.
Ông Hà nói ngành dệt may muốn đầu tư vào nguồn nguyên liệu phải có các vùng nguyên liệu cả ngàn héc ta. Nhưng ông Nghị nói đây lại là thách thức từ chính môi trường đầu tư trong nước. Nhiều địa phương, nhất là các thành phố không khuyến khích phát triển dệt may do ô nhiễm môi trường nên không sẵn sàng dành quỹ đất lớn. Việc tuyển chọn lao động, nhất là các lao động ngoài ngành may cũng không dễ. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng khác như khả năng xử lý môi trường… cũng là trở ngại lớn của ngành dệt may.
Ông Hà nói nếu ngành dệt may không tự giải quyết được những bài toán này thì thị trường xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục do doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh.
tbktsg
|