Thứ Tư, 05/08/2015 17:46

Hạn chế quyền mặc cả của FDI: Trục trặc của Việt Nam

Trục trặc lớn nhất của Việt Nam nằm ở thứ tự ưu tiên và lựa chọn phân bổ nguồn lực.

TS Huỳnh Thế Du nói về vấn đề ưu đãi trong FDI. Ông cho rằng, Việt Nam lựa chọn ưu tiên không dựa trên hiệu quả, không dựa trên sức cạnh tranh mà lại dựa trên mối quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm… đây chính là trục trặc trong quản lý vĩ mô và là nguyên nhân làm triệt tiêu mọi động lực sáng tạo, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PV:- CIEM vừa đặt ra vấn đề cần hạn chế "quyền mặc cả" của FDI, cụ thể ở đây là Samsung do doanh nghiệp này xin ưu đãi quá nhiều. Theo ông, vì sao phải đặt vấn đề như vậy? Cái khó khi nói từ chối những đề nghị ưu đãi này của cơ quan quản lý là gì?

Ông Huỳnh Thế Du: - Tôi cho rằng, việc khó từ chối các yêu cầu, đề nghị ưu đãi của các DN FDI phải nhìn nhận và phụ thuộc vào từng yêu cầu, mục tiêu thu hút FDI của mỗi quốc gia. Đối với lĩnh vực công nghệ cao, phải đầu tư nhiều chất xám… ưu đãi đi cùng thu hút vẫn luôn là lý do chính đáng.

Khó hạn chế quyền đòi hỏi của doanh nghiệp FDI

Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài chỉ nên ưu tiên cho những nhà đầu tư có khả năng tạo ra các tác động lan tỏa tích cực cho cả nền kinh tế, đối với những nhà đầu tư thông thường khác, không nhất thiết phải quá vồn vã, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tóm lại, khi thu hút đầu tư nước ngoài vấn đề lợi ích cần được tính toán dựa trên lợi ích chung cho toàn xã hội chứ không dựa trên lợi ích của một số người hay một cá nhân nào đó.

Nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế nghiên cứu từ trước tới nay cho thấy một vấn đề trục trặc lớn đang xảy ra trong điều hành vĩ mô. Trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực được cho là có đóng góp lớn nhất, có động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhiều nhất chính là khu vực doanh nghiệp tư nhân chứ không phải doanh nghiệp FDI, càng không phải là khu vực DN nhà nước. Đây mới chính là nền móng phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, nếu xét về thứ tự ưu tiên khu vực này lẽ ra phải đứng ở vị trí số 1.

Ở Việt Nam thứ tự ưu tiên trong nhiều năm qua đang bị đảo ngược. Khu vực doanh nghiệp nhà nước được cho là tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất thì đang nhận được vị trí ưu tiên số 1. Thứ hai là các DN FDI và cuối cùng mới tới những doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Nhóm DN tư nhân trong nước lại chia làm hai nhóm. Nhóm có quan hệ thân hữu, hay những doanh nghiệp sân sau vẫn đang nhận được ưu đãi nhất định. Riêng nhóm doanh nghiệp tư nhân đang tự thân nỗ lực khai thác sức mạnh cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước nhưng không có quan hệ thì đang đứng cuối cùng bảng thứ tự ưu tiên và phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đây chính là nghịch lý ngược, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới khu vực kinh tế trong nước.

Dễ thấy, một chính sách đặt quá nhiều ưu đãi cho FDI chưa hẳn sẽ tốt cho nền kinh tế nước đó, cụ thể ở đây là Việt Nam. Trong nhiều năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng sự lan tỏa, tính liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước gần như không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Một nguyên tắc hiển nhiên là khi nguồn ngân sách có hạn, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nếu ưu đãi quá nhiều cho người này sẽ phải cấu vào của người khác. Nghĩa là nguồn lực sẽ phải co kéo chỗ nọ bù cho chỗ kia hay nói cách khác, ưu đãi cho DN FDI một, doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn thêm một.

Việc đặt ra yêu cầu phải hạn chế “quyền đòi hỏi” của các DN FDI là rất khó. Muốn hạn chế được quyền đòi hỏi của DN FDI, trước tiên phải phân tích được lợi thế cạnh tranh của mình trong từng lĩnh vực, từng địa phương cụ thể. Nếu lợi thế của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu với DN FDI và không cần ưu đãi họ vẫn phải vào thì dứt khoát không sử dụng chính sách ưu đãi nữa.

Nhưng ở Việt Nam trước nay việc đánh giá lợi thế so sánh còn yếu mới dẫn tới tình trạng chính sách quản lý cứ phải chạy theo đòi hỏi ưu đãi của các doanh nghiệp FDI. Làm được như vậy phải phụ thuộc vào năng lực, trình độ của cơ quan quản lý có đủ khả năng để đánh giá, phân tích được lợi thế của mình hay không?. Khi chưa làm được như vậy thì chưa thể đặt vấn đề hạn chế “quyền mặc cả” với DN FDI.

Nhìn vào những con số thống kê (xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP), không thể phủ nhận vai trò quan trọng của doanh nghiệp FDI, trong khi, việc thu hút FDI vào Việt Nam càng ngày sẽ càng khó khăn hơn do những nguyên nhân khách quan (kinh tế thế giới suy giảm) và chủ quan (bản thân môi trường đầu tư ở VN còn nhiều vấn đề bất cập). Liệu đây có phải là lý do chính khiến chúng ta khó mà nói không với các doanh nghiệp loại này hay không, thưa ông? Và như vậy có đồng nghĩa, vấn đề chúng ta được gì từ doanh nghiệp FDI chưa nên đặt ra lúc này?

Về nguyên tắc khi thu hút FDI vấn đề lợi ích luôn phải đặt trong tổng thể lợi ích chung của cả quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đang cần thu hút đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng không thể phủ nhận vai trò của DN FDI với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi hiện nay đang thiên về hướng theo kiểu loại trừ. Tức là chỉ một vài trường hợp được hưởng ưu đãi, còn phần đông dân chúng hay cả nền kinh tế Việt Nam không được gì cả. Cách thức ưu đãi cụ thể theo từng trường hợp như hiện hay vô hình trung làm tổn hại đến cả nền kinh tế, nhất là nhìn trên bình diện quốc gia. Vì vậy, nếu để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như tôi đã nói, quyền chủ động phụ thuộc vào năng lực, điều hành của bộ máy, hệ thống quản lý.

Thực tế, việc đưa ra giới hạn ưu đãi là không hợp lý và không thể thực hiện được do yêu cầu, mục tiêu thu hút của mỗi địa phương khác nhau. Thêm vào đó là đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực cũng khác nhau do đó, nếu xây dựng được bộ máy phân tích, đánh giá năng lực, lợi thế của mình nó sẽ là chìa khóa hạn chế “quyền đòi hỏi” của các doanh nghiệp này một cách hiệu quả nhất.

Xét một cách toàn diện hơn, doanh nghiệp trong nước VN đang bị lép vế hoàn toàn trước doanh nghiệp FDI (do không được ưu đãi). Thời hạn mở cửa hoàn toàn thị trường đang tiến tới rất gần, hàng Việt sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nhiều nước. Nếu không có biện pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp Việt, viễn cảnh rất nhiều doanh nghiệp Việt sẽ không thể tồn tại trên sân nhà có thể xảy ra hay không, thưa ông?

Tôi cho rằng, trục trặc lớn nhất của Việt Nam không nằm ở chính sách hỗ trợ. Vấn đề ở đây là thứ tự ưu tiên và vấn đề lựa chọn phân bổ nguồn lực không dựa trên hiệu quả, không dựa trên sức cạnh tranh mà lại dựa trên mối quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm… Những bất cập này là nguyên nhân làm triệt tiêu mọi động lực sáng tạo, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tư nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Yếu tố này quan trọng hơn cả.

Do đó, phải có tiêu chí chung. Ưu đãi phải dựa trên hiệu quả, không phân biệt đó là DN nào. Từ những tiêu chí cụ thể sẽ có những ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực.

Vậy theo ông, trong thế khó hiện nay kinh tế Việt Nam có bị phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI hay không? Điều đó sẽ gây nên những hệ lụy gì?

Tôi cho rằng giả thiết này hoàn toàn không có khả năng xảy ra với nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng không có xu hướng phụ thuộc vào FDI.

FDI so với các thành phần kinh tế trong nước hiện chỉ đóng vai trò, tỉ trọng rất khiêm tốn kể cả trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu hay việc làm. Tôi không phủ nhận FDI là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng nếu nói sự quan trọng đó sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc vào FDI là hoàn toàn không thể.

Nhưng CIEM cũng thừa nhận để tái cân bằng giữa DN trong nước và nước ngoài là vô cùng khó. Ưu đãi DN trong nước thì không được vì tốn kém, chưa kể bản thân doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực rất nhiều thì mới có thể bắt kịp trình độ sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài. Vậy Việt Nam nên làm thế nào để doanh nghiệp trong nước có thể đứng được, đồng nghĩa với nó là sự tự chủ của nền kinh tế? Bắt đầu từ bây giờ đã muộn chưa, thưa ông?

Theo tôi, điều này không đáng lo ngại. Trong từng bối cảnh cụ thể, từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực kinh doanh nếu biết khai thác lợi thế và tập trung vào phát triển lợi thế của mình họ sẽ thành công. Với Việt Nam cũng vậy, mọi cơ hội vẫn đang nằm nguyên phía trước, mọi sự thay đổi sẽ không bao giờ là muộn. Vấn đề là có muốn làm và có làm hay không mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Lan

Báo đất việt

Các tin tức khác

>   Ủy ban Giám sát: Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức (05/08/2015)

>   Liên kết vùng ĐBSCL: không thể nói miệng mà phải đi từ thực tế (04/08/2015)

>   Tháng 8: Giá nhiên liệu giảm “kìm” tốc độ tăng giá (04/08/2015)

>   Thách thức với thị trường lao động (04/08/2015)

>   Kiến nghị cho tư nhân tiếp cận vốn ODA (03/08/2015)

>   PMI tháng 7: Sản lượng sản xuất tăng trưởng mạnh (03/08/2015)

>   “Người nước ngoài nói Việt Nam hơi liều” (02/08/2015)

>   Mức nợ công vẫn nằm trong giới hạn (31/07/2015)

>   Chính sách tài khóa tình thế khiến nợ công tăng lên (31/07/2015)

>   Khi lạm phát - tăng trưởng chuyển động ngược (31/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật