Thách thức với thị trường lao động
Theo công bố của Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam mới đây, quý I-2015, cả nước có trên 52 triệu người có việc làm, giảm 1 triệu người so với quý IV-2014. Dự báo, thị trường lao động (LĐ) sẽ "ấm" dần trong 6 tháng cuối năm, khi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ồ ạt tuyển dụng LĐ để đáp ứng các đơn hàng... Có tới 86,4% doanh nghiệp trong các ngành đồ uống, sản xuất, sửa chữa máy tính, máy móc thiết bị... khẳng định sẽ giữ ổn định và tăng quy mô LĐ.
Đào tạo nghề cho người lao động là việc làm rất cần thiết. Ảnh: Sơn Hà
|
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua thì giai đoạn 2010-2014, số LĐ có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng người thất nghiệp cũng tăng cao hơn sau khi tốt nghiệp. Dù trong hai năm trở lại đây, do kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu tích cực nên năm 2014, khoảng 1,6 triệu LĐ được giải quyết việc làm, tăng 3,6% so với năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, sang năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng cùng với tỷ lệ có việc làm, với gần 1,2 triệu lao động thiếu việc làm và gần 1 triệu lao động thất nghiệp.
Con số trên cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu của thị trường LĐ. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng việc làm vẫn thấp và thiếu bền vững. Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận những vấn đề còn tồn tại trong giải quyết việc làm và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân, song trước tiên phải kể đến tình trạng phân bổ LĐ không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó, làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị là rõ rệt nhất. Thực tế này khiến cho lợi thế về đất đai chưa được phát huy, không tạo thêm việc làm cho người lao động (NLĐ) và góp phần vào phân bố lại lực lượng LĐ.
Hạn chế khác khiến thị trường LĐ bị ảnh hưởng là chất lượng LĐ thấp. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á mới đây (bằng 1/18 năng suất LĐ của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc...). Các đánh giá cho thấy chất lượng LĐ Việt Nam kém, thiếu năng động và sáng tạo... Trong tổng số trên 52 triệu LĐ có việc làm thì chưa đến 50% đã qua đào tạo. LĐ Việt Nam cũng chưa đáp ứng được cường độ làm việc và các yêu cầu về sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế, ý thức về vệ sinh an toàn LĐ chưa cao, tác phong công nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm còn kém... Những hạn chế này khiến NLĐ không phát huy được kiến thức và kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về LĐ việc làm còn nhiều hạn chế, hệ thống thông tin thị trường LĐ thiếu đồng bộ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp dù tiến bộ nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Dù các cơ quan có trách nhiệm đã kịp thời giải quyết các chế độ thất nghiệp cho NLĐ trong thời gian nhanh nhất, hướng dẫn để bảo đảm ổn định cuộc sống, nhưng NLĐ lại thờ ơ với việc học nghề nên hiệu quả hoạt động các chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Luật Việc làm có hiệu lực cùng với sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và có tính đột phá của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ tạo khung pháp lý để thị trường LĐ hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế. Trong đó, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN cuối năm 2015 sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Trước mắt có 8 nghề mà LĐ trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Tuy nhiên để đáp ứng điều kiện, NLĐ phải có trình độ nghề, thông thạo ngoại ngữ và thành thạo nhiều kỹ năng khác. Đây là cơ hội để LĐ Việt Nam phát huy trình độ nghề, tìm được việc làm tương xứng với khả năng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ với LĐ Việt Nam khi phải cạnh tranh với các LĐ đến từ các nước trong khu vực.
Kim Vũ
hà nội mới
|