Tạm biệt “bóng ma” lạm phát
Theo TS. Trần Du Lịch, yếu tố dễ gây bất ổn vĩ mô đã được kiểm soát và nếu so với một số năm trước đây, nền kinh tế đang ở thời điểm rất thuận lợi để phát triển.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp 7 tháng đầu năm nay một phần do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng rất thấp
|
Cũng theo TS.Lịch, cùng với các diễn biến như mức tăng trưởng tín dụng hợp lý của hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng, tỷ giá điều chỉnh nhưng sau đó ổn định và kiểm soát được thị trường ngoại hối... thì có thể khẳng định, yếu tố dễ gây bất ổn vĩ mô đã được kiểm soát và nếu so với một số năm trước đây, nền kinh tế đang ở thời điểm rất thuận lợi để phát triển.
Trước những lo ngại về việc chỉ số lạm phát tăng thấp là biểu hiện nền kinh tế chưa thực sự ấm lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định, CPI thấp không phải là do sức mua yếu. Đây chính là do thị trường thế giới ổn định, do quản lý điều hành của Chính phủ và do các yếu tố thị trường, các yếu tố về sản xuất.
Cũng như TS.Lịch, TS.Lâm cho rằng mức giá tăng như thời gian vừa qua là dấu hiệu tốt cho quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, “với toàn bộ nền kinh tế thì mức tăng CPI là phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nên không ảnh hưởng đến các chỉ số chung. Trừ sản xuất nông nghiệp có suy giảm do thời tiết, giá cả, còn lại công nghiệp và dịch vụ đều tăng tốt”.
Cũng quan điểm rằng đã đến lúc có thể yên tâm khi nói lời tạm biệt với bóng ma lạm phát và cũng không cần phải quá băn khoăn về việc bao giờ nó mới ngóc đầu lên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Lạm phát thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, quý sau cao hơn quý trước thì đó là vấn đề không đáng lo ngại. Lạm phát thấp còn là điều kiện tốt để tăng trưởng kinh tế vì đây là một yếu tố cần thiết, không thể thiếu được để nền kinh tế phát triển bền vững, lâu dài. Đó cũng là yếu tố không thể thiếu được để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”.
TS.Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra một nhận xét hài hước rằng, “cái khổ” là hình như Việt Nam sống trong khoảng thời gian dài nhiều chục năm lạm phát cao nên khi lạm phát thấp là khó chịu, bất an, thậm chí có tâm lý lạm phát thấp thế này thì liệu có kéo tăng trưởng xuống không và vì thế, muốn đẩy lạm phát lên để tăng trưởng.
Chúng ta cần phải bỏ tư duy đó, từ lãnh đạo đến công chức nhà nước, thậm chí người dân. Chúng ta muốn tăng trưởng cao nhưng cần lạm phát thấp và không phải lo gì khi lạm phát thấp mà ngược lại phải mừng về diễn biến này, ông Bá nhìn nhận.
Tỏ vẻ ưu tư hơn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, TS.Nguyễn Đức Độ nhận định, nền kinh tế đang ở gần mức lạm phát 0% nhưng đồng thời lại rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%. Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Nếu GDP chỉ đạt được mức tăng 6-6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn.
Một nghiên cứu của Viện này cũng đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào giảm phát lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao. Để tránh được nguy cơ này, thì cần tìm mọi giải pháp đẩy tăng trưởng cao hơn mức 6,5%.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2015 có vẻ như không khó cán đích ở ngưỡng 6,5% khi đến nay đã có khá nhiều dự báo cho thấy GDP năm 2015 sẽ đạt được mức tăng ít nhất là 6,48%, CPI năm 2015 tăng trung bình khoảng 1,7%, theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%...
Tuy nhiên, cũng vẫn có những nhận định khá dè dặt về khả năng tăng trưởng 6,5% của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay. Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng trung hạn của Việt Nam vừa được công bố, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 ước tính chỉ đạt được mức 6-6,2%.
Nguyễn Mẫn
vneconomy
|