Sức khỏe của nền kinh tế - Không phải chỉ có GDP
Lâu nay, chúng ta vẫn xem GDP như là một tiêu chí duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Điều này có thể dẫn đến những đánh giá không chính xác và từ đó đưa ra những chính sách sai lầm.
* Thủ tướng: 'Việt Nam tính GDP không giống ai'
* Chuyển giá làm sai lệch tính toán GDP
Bài viết này xem xét cặn kẽ hơn về chỉ số GDP và đưa ra một số chỉ số khác đánh giá thực chất hơn “sức khỏe” của nền kinh tế, đặc biệt nền kinh tế Việt Nam.
GDP có đo lường đúng?
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, để phân tích về cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới, J.M.Keynes đưa ra ý niệm về GDP như là tổng cầu cuối cùng và ông cho rằng, khi can thiệp hoặc làm tăng lên ở phía cầu sẽ kích thích phía cung. Năm 1941, Wasily Leontief được giải Nobel với công trình “Cấu trúc của nền kinh tế Hoa Kỳ” đã lượng hóa ý tưởng này. Quan hệ Keynes - Leontief cho rằng, khi phía cầu cuối cùng tăng lên không chỉ kích thích đến phía cung mà còn lan tỏa đến thu nhập từ sản xuất (hoặc giá trị gia tăng). Sau này một số học giả khác phát triển tiếp ý tưởng của Keynes - Leontief và cho rằng, khi thu nhập từ sản xuất tăng lên, các hành vi phân phối lại thu nhập sẽ thay đổi và từ đó ảnh hưởng ngược trở lại đến tổng cầu cuối cùng. Như vậy, vòng tròn về lan tỏa lại bắt đầu theo quy luật “Nhân – Quả”.
Quản lý tổng cầu kiểu Keynes cho rằng, trong ngắn hạn, sản lượng của nền kinh tế được lan tỏa bởi tổng cầu cuối cùng (GDP) và khi GDP tăng sẽ kích thích sản xuất trong thời kỳ sau. Nhưng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi phía cung yếu kém, mọi can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng và thu nhập từ sản xuất (Gross Value Added-GVA), mà chỉ tiềm ẩn rủi ro lạm phát và thâm hụt thương mại.
Rõ ràng các chính sách quản lý tổng cầu là không phù hợp với Việt Nam hiện nay, khi mà sản lượng tiềm năng không có dấu hiệu được cải thiện thông qua những chính sách trọng cung phù hợp và chi phí phải trả cho việc kích cầu có thể là sẽ rất cao.
Thời gian qua, một số cơ quan đề xuất chính sách kích cầu đã tổ chức các đoàn khảo sát tới Nhật Bản để học tập kinh nghiệm nước bạn trong việc áp dụng Abenomics. Học thuyết này được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra chủ trương dựa trên "ba mũi điểm" là kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Đặc trưng của cơ bản của chương trình này là một “hỗn hợp tạo lạm phát, chi tiêu chính phủ và chiến lược tăng trưởng để đưa nền kinh tế ra khỏi lơ lửng trong hơn hai thập kỷ”.
Chương trình này dựa trên nền tảng sản xuất (phía cung) rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều và chất lượng. Với nền tảng là phía cung như vậy, việc kích thích ở phía cầu có thể là hợp lý. Điều này khác hoàn toàn với Việt Nam, khi phía cung vẫn còn yếu kém, sản xuất cơ bản là gia công, thì việc can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng mà chỉ làm nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro về vĩ mô.
Chúng ta nên thấy rằng, việc tăng trưởng GDP không phải tất cả, việc phân phối lại thu nhập và để dành mới là điều cốt yếu của một quốc gia về lâu về dài.
|
Hơn nữa, khi nghiên cứu trực tiếp cấu trúc GDP từ phía cung theo các khu vực sở hữu (thành phần kinh tế) cho thấy, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 47% năm 2005 lên 49% năm 2012. Trong khu vực này, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP (33%), cao hơn khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún. Thật đáng tiếc là từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên. Khi GDP của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực kinh tế cá thể (tăng lên do đóng góp của khu vực này), một khu vực mà nguồn thông tin rất khó quan sát và kiểm chứng, thì sẽ không còn ý nghĩa thực sự của GDP, mà Keynes đã đưa ra.
Nhiều người đánh đồng việc tăng trưởng kinh tế với tăng trưởng GDP. Song, điều này không hoàn toàn chính xác và còn gây ngộ nhận. Bởi, trong GDP còn bao gồm cả các khoản đầu tư lãng phí, tham nhũng, những công trình mà nhiều khi xây xong không biết dùng vào việc gì, ô nhiễm môi trường và huỷ hoại tài nguyên...
Nhìn lại vấn đề GDP tăng lên do khai thác tài nguyên, thì việc tăng GDP cũng không lan tỏa đi đâu. Nguyên tắc tính toán GDP là nguyên tắc thường trú. Khi khai thác dầu khí, toàn bộ giá trị gia tăng của ngành này được tính cả vào GDP, nhưng khi phân phối lại thu nhập thì phải chi trả ra nước ngoài 50% (Việt Nam chủ yếu liên doanh để khai thác). Do đó có thể thấy, việc tăng cường khai thác tài nguyên để đạt hoặc vượt thành tích đề ra không có ý nghĩa gì, bởi cái đáng ra là của mình lại phải mang chia cho người khác. Trường hợp này cũng giống trường hợp GDP tăng lan tỏa mạnh đến khu vực FDI, khi mà xuất khẩu của khu vực này chiếm xấp xỉ 70% tổng giá trị xuất khẩu và các chuyên gia mừng rỡ khi dự trữ ngoại hối tăng cao, nhưng tại sao lại mừng rỡ với túi tiền của người khác (doanh nghiệp FDI)?
Từ đó có thể thấy, chỉ tiêu tăng trưởng GDP hiện nay có rất ít ý nghĩa, càng không thể lấy làm tiêu chí duy nhất đánh giá hoặc đo lường sức khỏe của nền kinh tế.
Cần dùng những chỉ số thiết thực hơn
GDP là một chỉ tiêu mang tính ngắn hạn và nhất thời, khi quyết tâm tăng trưởng GDP tức là phải đánh đổi giữa ngắn hạn và dài hạn, tăng trưởng GDP không phải là tăng trưởng kinh tế và không phản ánh một cách thực chất sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tiêu GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng quên rằng cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là Tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income - GNI) và thu nhập Quốc gia khả dụng (National Disposable income - NDI) chứ không phải chỉ tiêu GDP.
Nếu trong giai đoạn 2000-2006, tăng trưởng GDP và tăng trưởng GNI có độ chênh lệch chỉ khoảng 0,1 điểm phần trăm (tăng trưởng GNI trong giai đoạn này khoảng 7,4%), thì độ chênh lệch về tăng trưởng GDP và GNI trong giai đoạn 2007-2012 lên đến 0,6 điểm phần trăm (tăng trưởng GNI ước tính 5,3%). GNI đã được Tổng cục Thống kê công bố hơn 10 năm trong “Niên giám Thống kê” hàng năm, nhưng các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách hầu như không hề quan tâm, mọi quan tâm phân tích chỉ đổ dồn vào GDP từ cơ cấu đến tăng trưởng.
Để dành (saving) là nguồn cơ bản để tái đầu tư. Nếu GDP tăng do chi tiêu thường xuyên của nhà nước sẽ làm giảm mức để dành của nền kinh tế (Để dành = NDI – Chi tiêu dùng của hộ gia đình (C) – Chi thường xuyên của chính phủ (G)). Hoặc, nếu tăng đầu tư từ ngân sách có thể trong tức thời làm tăng GDP nhưng sẽ dẫn đến cán cân giữa để dành và đầu tư mất cân đối, khi đó vay mượn nước ngoài là không thể tránh khỏi (Đầu tư = Để dành + chuyển nhượng vốn thuần + Đi vay/Cho vay) nếu vẫn tiếp tục giữ quan điểm quản lý cầu kiểu Keynes.
Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân quan trọng của sự mất cân đối giữa để dành và đầu tư là do các chính sách xoay chuyển từ tinh thần trọng cung sang quản lý tổng cầu. Việc xoay chuyển này, cùng với việc tiềm lực đã bung ra hết sau khi được “cởi trói” và những tiềm ẩn rủi ro do cấu trúc nền kinh tế lệch lạc từ trước cộng với đầu tư không hiệu quả ngày càng có xu hướng gia tăng.
Nhìn vào nước láng giềng Trung Quốc, suốt từ năm 1998 đến nay, hầu như để dành của Trung Quốc luôn cao hơn lượng đầu tư hàng năm. Tỷ lệ để dành thấp nhất của Trung Quốc vào năm 2000 cũng đạt khoảng 37% GDP, trong khi đầu tư chỉ khoảng 35% GDP. Sự mất cân đối giữa để dành và đầu tư dường như không còn suốt từ năm 1998 đến nay. Khi đầu tư thấp hơn có thể sẽ làm tăng trưởng GDP chậm lại, nhưng dường như họ cũng nhận ra tăng trưởng GDP thực ra không phải tất cả, mà khoảng cách giữa để dành và đầu tư mới là vấn đề quan trọng thực sự. Với sự hướng tới để dành, Trung Quốc có thể giảm đầu tư trong nước mà hướng đầu tư ra nước ngoài, những nơi có giá nhân công rẻ hơn và lại đang yêu mến FDI. Tuy tăng trưởng GDP của họ giảm đi, nhưng để dành lại tăng lên. Như vậy, trong vài năm tới Trung Quốc sẽ hướng tới cái dài hạn mà bỏ qua (không phải hy sinh) ngắn hạn.
Nếu Việt Nam vẫn vồ vập ưu đãi FDI có thể vẫn có tăng trưởng GDP nhưng luồng tiền chi trả sở hữu cũng tăng lên mạnh mẽ hơn và cán cân giữa để dành và đầu tư sẽ ngày càng căng thẳng. Chúng ta nên thấy rằng, việc tăng trưởng GDP không phải tất cả, việc phân phối lại thu nhập và để dành mới là điều cốt yếu của một quốc gia về lâu về dài.
Ngoài ra, chỉ tiêu rất quan trọng mà hầu như nước nào cũng có để đánh giá và phân tích trong dài hạn là vốn (capital stock) cũng chưa từng tồn tại ở Việt Nam, nhưng lại tồn tại một loại chỉ tiêu không giống ai, chẳng nước nào có là "vốn đầu tư". Chỉ tiêu này không phải là vốn mà cũng không hoàn toàn là đầu tư (số liệu Bảng có thể thấy rõ sự khác biệt), tuy nhiên theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê thì dường như nó lại chính là đầu tư.
Khi không có chỉ tiêu vốn, các cơ quan nghiên cứu buộc phải đưa ra các phương pháp ước lượng vốn với những giả thiết khác nhau để tính toán về hiệu quả đầu tư và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Hệ quả là có rất nhiều kết quả về hệ số ICOR và đóng góp của TFP vào tăng trưởng khác nhau tùy theo mục đích nghiên cứu.
Các nhà làm chính sách và các chuyên gia dường như chỉ quan tâm đến các vấn đề thuộc về ngắn hạn, việc tăng trưởng GDP thực chất chỉ phản ánh vấn đề trong ngắn hạn, những vấn đề về dài hạn và sự phân phối lại ra sao dường như không được ai quan tâm đúng mức. Những chỉ tiêu, như: GNI, NDI, để dành (saving), vốn... của nền kinh tế là những chỉ tiêu vô cùng quan trọng, phản ánh sức khỏe thực sự của nền kinh tế, thì chưa được quan tâm đúng mức. Khi chỉ quanh quẩn với GDP thì sẽ chẳng thể có chiến lược dài hạn.
Để đánh giá toàn diện nền kinh tế cần có những số liệu chính xác, trung thực, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Chúng ta không chỉ xem xét những chỉ tiêu ngắn hạn như GDP, CPI... mà cần đi sâu vào những chỉ tiêu phản ánh tốt hơn thực trạng nền kinh tế./.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thế Anh, Đinh Tuân Minh, Nguyễn Thị Minh (2013). Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng, Nxb Trí thức
2. Keynes M. K. (1936). The General Theory of Employment, Interest and Money, Palgrave Macmillan
3. Wassily Leontief (1986). Input – Output Economics, New York Oxford University Press
4. Barro, R. (1996). Inflation and growth, Federal Reserve Bank of St. Louis Review, vol. 78, pp. 153-169
5. Bruno, M. and W. Easterly (1998). Inflation crises and long-run growth, Journal of Monetary Economics, vol. 41, pp. 3-26
6. Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Pham Le Hoa & Nguyen Viet Phong (2012). Vietnamese Economic Structural Change and Policy Implications, Global Journal of Human Social Science
7. Bui Trinh, Nguyen Tri Dzung (2014). Policy Options In Vietnam’s Current Context, Case Studies Journal, ISSN (2305-509X) – Vol 3, Issue 12
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11/2015)
Bùi Trinh
kinh tế & dự báo
|