Nửa đầu 2015: Việt Nam tăng trưởng cao nhất 5 năm qua
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng GDP ước đạt 6,28% trong nửa đầu năm 2015.
Sự phục hồi chủ yếu nhờ kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghệ chế biến, chế tạo và xây dựng. Hai ngành này đóng góp phần nửa vào tổng tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh, đạt 8,3%.
Trong khi đó, ngành dịch vụ nói chung đóng góp gần 40% vào GDP chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 5,9%, một phần do ngành du lịch đang chật vật với khi lượng khách nước ngoài giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp chỉ tăng gần 2,4% trong bối cảnh giá cả sụt giảm và thời tiết không thuận.
Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, xuất khẩu thuần ở mức âm đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam. Nếu nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh nhờ hoạt động kinh tế trong nước trên đà phục hồi thì tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do không được giá và nhu cầu bên ngoài trầm lắng.
Ngoài ra, một hạn chế khác là tiến độ cải cách cơ cấu chưa tương xứng với kỳ vọng, đặc biệt là với khối DNNN và ngân hàng. Tốc độ cơ cấu lại DNNN đang chậm lại, đến hết quý I mới cổ phần hoá được 29/289 doanh nghiệp đề ra trong cả năm 2015. Đà xuất khẩu suy giảm và nhập khẩu tăng nhanh đã đẩy tài khoản vãng lai vào tình trạng thâm hụt trong quý I/2015.
Theo báo cáo, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tháng 6/2015, NHNN đã cắt giảm 0,5% lãi suất tái huy động và lãi suất chiếu khấu từ năm 2014 và tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản ngày trong năm 2015. Cơ quan này cũng áp dụng một số biện pháp nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng. Các biện pháp trên đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì lãi suất cho vay thấp hơn, thường trong khoảng 7-13%/năm tuỳ theo thời hạn vay.
Tính đến cuối quý I/2014 tăng trưởng tín dụng đã cải thiện, ước đạt 2,65%, phù hợp với chỉ tiêu đề ra của NHNN. Phản ứng trước đồng USD tăng mạnh hơn trên toàn cầu và để theo kịp diễn biến tỷ giá hối đoái tại các đối tác thương mại chính của Việt Nam, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam hai lần, với mức luỹ kế 2% để tăng cường ổn định thị trường ngoại hối và duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Các chuyên gia của WB cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhìn chung là tích cực. Các chỉ số dự báo tương lai cho thấy quá trình phục hồi vẫn sẽ đạt tiến độ, tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên dưới 6%.
D.Anh
vietnamnet
|