Thứ Hai, 10/08/2015 13:45

Cổ phiếu xứng đáng để “chọn mặt gửi vàng”

HAP, MACTNG là nhóm cổ phiếu được các CTCK nhận định sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn đến cuối năm. Riêng SCR, dù công ty đã trải qua giai đoạn khó khăn nhưng các yếu tố để SCR phát triển mạnh trở lại là chưa rõ ràng.

HAP: P/E 2015 dự kiến 4.9 lần, tương đối hấp dẫn để đầu tư

CTCK Bảo Việt (BVS) khuyến nghị có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu HAP của CTCP Tập đoàn Hapaco ở xung quanh mức giá hiện tại.

CTCP Tập đoàn Hapaco đặt kế hoạch năm 2015 với chỉ tiêu tổng doanh thu 517 tỷ (tăng 23% so với năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng (tăng 69% so với năm ngoái). Kế hoạch cổ tức 2015 bằng với 2014 là 10% (5% tiền, 5% cổ phiếu) tương ứng tỷ suất cổ tức 14%. BVSC cho rằng kế hoạch trả cổ tức 2015 của HAP là khả thi dựa trên lợi nhuận đã đạt được và số dư tiền gửi lớn của công ty.

BVS dự báo lợi nhuận trước thuế 2015 của HAP đạt 60 tỷ đồng (trong đó dự báo đóng góp từ hoạt động tài chính đạt 40 tỷ, từ sản xuất giấy đạt 20 tỷ), P/E forward 2015 của HAP dự kiến ở mức 4.9 lần, tương đối hấp dẫn để đầu tư.

BVS đánh giá việc lấn sân sang hoạt động y tế là bước chuyển hợp lý của HAP nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh ngành giấy dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào cổ phiếu HAP ở xung quanh mức giá hiện tại.

>>>Xem báo cáo chi tiết

MAC: Nắm bắt tốt cơ hội tăng trưởng, giá kỳ vọng cao hơn 45%

Sử dụng các phương pháp định giá phù hợp, CTCK Rồng Việt (VDS) xác định mức giá hợp lý đối với cổ phiếu MAC của CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải là 17,600 đồng, cao hơn giá đóng cửa ngày 6/8/2015 là 45%. VDS đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này trong dài hạn.

MAC hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hàng hải và logistics hậu cần cảng với quy mô nhỏ. Việc đẩy mạnh hoạt động sửa chữa container và thu hẹp hoạt động cơ khí đóng và sửa chữa tàu trong giai đoạn suy thoái kinh tế không những ổn định được KQKD của MAC mà còn giúp công ty này nắm bắt cơ hội tăng trưởng tốt từ sản lượng hàng hóa thông quan qua khu vực trọng điểm Hải Phòng.

VDS tin rằng lợi thế về kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hàng hải và mối quan hệ tốt với các cảng trên địa bàn và các khách hàng chủ tàu (Hanjin, Kline hay Maersk) sẽ giúp MAC duy trì được sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng quy mô. Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính với vốn đầu tư thấp vào HAHHMH mang lại nguồn cổ tức ổn định (gần 4 tỷ đồng/năm) và giá trị chênh lệch lớn khi thoái vốn trong tương lai. Ngoài ra, ban lãnh đạo MAC còn quyết định tăng vốn gấp đôi trong năm 2015 nhằm gia tăng năng lực sản xuất trước diễn biến tích cực về hoạt động giao thương của Việt Nam và đặc biệt là khu vực Hải Phòng.

Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này là vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý. Bên cạnh đó, do kế hoạch phát hành thêm theo tỷ lệ 1:1 có thể chỉ hoàn thành trong quý 4/2015 nên số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm 2016 sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng phần nào đến mức EPS tính toàn dù lợi nhuận sau thuế của MAC vẫn được dự báo tăng trưởng khả quan.

>>>Xem báo cáo chi tiết

TNG: Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, P/E thấp hơn trung bình ngành

Ở mức giá 26,100 đồng hiện tại, CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đang giao dịch với P/E 4 quý gần nhất 7 lần so với mức trung bình 7.9 lần.

TNG là nhà sản xuất dệt may hàng đầu trong nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 90 triệu USD. TNG được dự kiến sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa may mặc khi 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) chủ chốt, TPP và EU-Việt Nam được ký kết.

Với 60-70% nguyên liệu sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, VCSC cho rằng TNG sẽ chỉ được hưởng lợi ngay lập tức từ FTA EU-Việt Nam, với nguyên tắc xuất xứ “từ vải trở đi”, nhưng sẽ không đạt được yêu cầu “từ sợi trở đi” của TPP FTA.

Tháng 2/2015, TNG đã khai trương chi nhánh may thứ 5 là Đại Tư để tăng công suất lên 11.6 triệu áo khoác và 20 triệu chiếc quần âu. Năm 2014, công ty đã sản xuất 8.4 triệu chiếc áo khoác và 11.1 triệu chiếc quần âu. Công suất của công ty hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh sau khi ký kết hiệp định tự do thương mại.

Doanh thu và lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2015 tăng lần lượt 52% và 72%, đạt 44% và 47% mục tiêu cả năm của công ty. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn nhờ tỷ trọng sản xuất xuất khẩu trực tiếp (FOB) tăng, có biên lợi nhuận cao hơn so với gia công xuất khẩu (CMT). Sản xuất xuất khẩu trực tiếp (FOB) đóng góp đến 50% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015, cao hơn so với mức 30% năm 2014. Kết quả lợi nhuận 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ cao hơn nhờ dịp lễ ở các nước Phương Tây.  

>>>Xem báo cáo chi tiết

SCR: Tín hiệu bùng nổ trở lại chưa rõ ràng!

BVS chưa có khuyến nghị gì đối với cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal, dù công ty đã trải qua giai đoạn khó khăn nhưng các yếu tố để SCR phát triển mạnh trở lại là chưa rõ ràng.

Đánh giá về triển vọng ngắn hạn, BVS đánh giá hoạt động của SCR đã qua được giai đoạn khó khăn. Sự tham gia của Thành Thành Công & công ty liên quan trong mua cổ phần phát hành thêm, cũng như việc mở bán mới các dự án, giúp SCR thu về lượng tiền dồi dào. Trong đợt phát hành sắp tới, Công ty cho rằng khả năng sẽ thành công vì các chủ nợ đã đồng ý mua trong trường hợp cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền. Điều này góp phần giúp SCR giảm áp lực lãi vay và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Về kế hoạch kinh doanh 2015, BVS đánh giá SCR khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch 71 tỷ lợi nhuận trước thuế và chưa có đột biến trong năm 2015.

Còn về góc nhìn trung hạn của SCR, BVS nhận định thật sự chưa rõ ràng vì các dự án đang triển khai như Carillon 2,3 và Jamona City… sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ nửa sau năm 2017. Trong khi, dự án cũ như Carillon 1, Belleza… hoàn tất ghi nhận trong năm 2015. Do đó, doanh thu để ghi nhận cho 2016 là vấn đề mà Ban lãnh đạo SCR đang tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, dự án Jamona City đang triển khai có chi phí đền bù cao và bị vốn hóa lãi vay trong thời gian dài nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Việc triển khai dự án chỉ giải quyết vấn đề dòng tiền cho Công ty chứ chưa mang lại lợi nhuận.

Từ những đánh giá trên, BVS chưa có khuyến nghị gì đối với cổ phiếu SCR dù công ty đã trải qua giai đoạn khó khăn nhưng các yếu tố để SCR phát triển mạnh trở lại là chưa rõ ràng. Ngoài ra, BVSC cho rằng sau khi giải quyết khó khăn về tài chính thì áp lực về hiệu quả kinh doanh là vấn đề mà SCR phải đối mặt trong những năm sắp tới. Và với quy mô vốn hiện tại, lợi nhuận kế hoạch năm 2015 là chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong ngắn hạn.

>>>Xem báo cáo chi tiết

-----------------------------------------

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Gia Nguyên tổng hợp

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 10-14/08: Chưa đủ xác nhận xu hướng hồi phục (09/08/2015)

>   Nới room ngoại 100%: Không dễ thâu tóm thù địch (08/08/2015)

>   Góc nhìn 07/08: Còn giảm nữa! (06/08/2015)

>   Góc nhìn 06/08: Tiếp tục phục hồi? (05/08/2015)

>   Góc nhìn 05/08: Chờ đợi nhịp hồi xuất hiện? (04/08/2015)

>   Chứng khoán tháng 8: Điều chỉnh và rủi ro từ dòng tiền (04/08/2015)

>   Góc nhìn 04/08: Rủi ro đang tăng lên! (03/08/2015)

>   Nhóm cổ phiếu phát ra tín hiệu tích cực để đầu tư (03/08/2015)

>   Góc nhìn tuần 03-07/08: Đối diện với nguy cơ điều chỉnh (02/08/2015)

>   Góc nhìn 31/07: Đà tăng có vững? (30/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật