Thứ Hai, 03/08/2015 13:15

Nhóm cổ phiếu phát ra tín hiệu tích cực để đầu tư

ASM, PVB, PGC là nhóm cổ phiếu được các CTCK đánh giá đang phát ra tín hiệu tích cực cho xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Còn đối với trường hợp của HAG, nhà đầu tư nên cẩn trọng và chờ đợi tín hiệu từ dòng tiền.

ASM: Lợi nhuận kỳ vọng 94%

CTCK APEC (APS) khuyến nghị nhà đầu tư mua ASM của CTCP Tập Đoàn Sao Mai với lợi nhuận kỳ vọng 94% và tầm nhìn đầu tư 1 năm.

Theo APS, sản phẩm chính của ASM là đất nền với giá trung bình trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mỗi lô có từ 80m2 đến hơn 400m2 và được bán với giá rất hấp dẫn từ 0.4 tỷ đến 2.2 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các dự án của công ty nằm gần hệ thống giao thông và các tiện ích công cộng khác. Các đặc điểm này làm cho sản phẩm bất động sản của ASM rất có giá trị và có giá phải chăng.

Khách hàng mục tiêu của ASM là những người làm việc với thu nhập trung bình. ĐBSCL có các khu vực công nghiệp và nông nghiệp phát triển nhất ở Việt Nam. Do đó, có rất nhiều người làm việc tại các nhà máy và khu vực nông nghiệp tại đây. Những người có thu nhập trung bình nhưng ổn định có nhu cầu thực sự về nhà ở gần nơi họ làm việc. Các yếu tố này kết hợp với nhau tạo ra nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm bất động sản mà ASM đang cung cấp.

Để tận dụng tối đa lợi thế của sản phẩm, ASM cung cấp cho khách hàng của mình hình thức mua đất trả góp. Thay vì thanh toán một lần, người mua có thể thực hiện thanh toán trong nhiều năm qua. Điều đó làm cho sản phẩm của ASM có giá phải chăng hơn cho người làm việc ở ĐBSCL. Tốc độ bán hàng của công ty đã được cải thiện đáng kể nhờ vào chiến lược này, như đã thấy trong năm 2010.

Tuy nhiên, APS nhận định chiến lược trả góp có thể làm giảm lợi nhuận của ASM khi công ty sử dụng nhiều nợ vay hơn.

>>>Xem báo cáo chi tiết


PVB: Phát ra tín hiệu mua vào

Ngoài yếu tố cơ bản tốt nhờ các hợp đồng ký kết có giá trị lớn, CTCK Maritime (MSBS) nhận định các chỉ số phân tích kỹ thuật cũng đang cho tín hiệu mua vào cổ phiếu PVB của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam.

6 tháng đầu năm, PVB đạt 681.5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ 2014, hoàn thành 68% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 90.8 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 87% kế hoạch năm (105 tỷ đồng). Kết quả này chủ yếu là nhờ hoàn thành nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2014 và được hạch toán trong quý 1/2015.

Năm 2015, công ty đã ký hợp đồng bọc ống cho dự án GPP Cà Mau, với tổng giá trị dự án 222 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý 3/2015 đến quý 2/2016 và các dự án khác, với tổng giá trị dự án 50 tỷ đồng. PVB dự kiến mức cổ tức 2015 sẽ là 25% bằng tiền.

Theo MSBS, các tín hiệu kỹ thuật MA20, MA50, MA200 đang phản ánh xu hướng hồi phục của tín hiệu giá cổ phiếu PVB. Các tín hiệu kỹ thuật khác như RSI, MFI, MACD cũng đang phản ánh tín hiệu mua vào.

>>>Xem báo cáo chi tiết


PGC: Xu thế tăng giá tốt trong ngắn hạn

Cổ phiếu PGC của TCT Gas Petrolimex - CTCP (HOSE: PGC) được MSBS đánh giá là cổ phiếu mang tính cơ bản hơn là cổ phiếu đầu cơ, phù hợp với phong cách đầu tư trung hạn.

PGC là đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và là một trong 3 đơn vị có sản lượng kinh doanh Gas lớn nhất trên thị trường Việt Nam với thị phần đạt hơn 20% toàn thị trường.

PGC đặt kế hoạch 2015 với mục tiêu tổng doanh thu 2,728 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng gần tương đương với mức thực hiện năm 2014. Trong năm nay, PGC tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư tại CTCP Taxi gas Petrolimex Sài Gòn do kinh doanh không hiệu quả.

PGC dự kiến sẽ phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu (tỷ lệ phát hành 20%/vốn điều lệ) trong năm 2015. Sau khi phát hành vốn điều lệ sẽ tăng lên 603.4 tỷ đồng.

PGC có một số phiên có thanh khoản khá tốt trong vòng 1 tháng gần đây. PGC đang có diễn biến giá ở biên độ hẹp với thanh khoản suy kiệt cho thấy PGC đang sẵn sàng cho một đợt tăng giá mới. PGC đang tạo mẫu hình tăng giá “Cup with hand” với thời gian 4 – 6 tuần. Đây là mẫu hình tăng giá mạnh và cần có sự kiểm chứng với 1 phiên thanh khoản giao dịch lớn. Dưới góc độ PTKT, MSBS cho rằng các chỉ báo RSI, MACD, MA20 đang phản ánh xu thế tăng giá tốt trong ngắn hạn.

>>>Xem báo cáo chi tiết


HAG: Chờ tín hiệu dòng tiền khả quan hơn

Cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đang được thị trường định giá ở mức thấp là do quan ngại chung về sự ổn định tài chính của công ty, đặc biệt là trong năm 2015. Do đó, cho đến khi tín hiệu dòng tiền của công ty khả quan hơn, CTCK Bảo Việt (BVS) tạm thời không đưa ra khuyến nghị nào đối với cổ phiếu HAG.

BVS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của HAG năm 2015 lần lượt đạt 5,330 tỷ đồng (tăng 75%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1,441 tỷ đồng (giảm 19% so với năm ngoái). Nếu loại trừ khoản đột biến từ dự án Myanmar trong năm 2014 khoảng 750 tỷ đồng thì lợi nhuận năm nay tăng trưởng đến 41%. Điều này cho thấy các mảng hoạt động cốt lõi của HAG đang bắt đầu đóng góp đáng kể hơn, mang lại lợi nhuận và dòng tiền ổn định và bền vững. Như vậy sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và phần lợi ích cổ đông thiểu số, BVS ước tính lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông mẹ là 1,232 tỷ đồng (giảm 16% so với năm ngoái), tương ứng với EPS 1,560 đồng/cp và P/E dự phóng 11.6 lần.

BVS cho rằng hiện HAG đang phải chịu áp lực tài chính đáng kể. Các khoản vay trái phiếu đến hạn trong năm 2015 lên đến 3,950 tỷ đồng trong khi nhu cầu đầu tư của HAG trong năm nay có thể lên đến 5,900 tỷ đồng. Sau khi cân đối với lượng tiền mặt có sẵn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, các khoản trái phiếu có khả năng gia hạn và tiền thu từ bán căn hộ ở dự án Myanmar, ước tính HAG có thể sẽ phải huy động thêm tối thiểu 6,000 tỷ đồng trong năm nay. Đây là rủi ro nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm.

HAG đang giao dịch ở mức giá 18,100 đồng/cổ phiếu cuối phiên ngày 27/7/2015, giảm hơn 20% kể từ đầu năm và tương ứng với P/E dự phóng 2015 11.6 lần. BVS đánh giá đây là một mức giá khá rẻ xét trên tiềm năng tăng trưởng cao của HAG trong 5 năm tới khi hàng loạt các dự án đang bắt đầu có những đóng góp rõ nét về lợi nhuận và dòng tiền cho công ty. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng việc HAG đang được thị trường định giá ở mức thấp như trên là do quan ngại chung về sự ổn định tài chính của công ty, đặc biệt là trong năm 2015. Do đó, cho đến khi tín hiệu dòng tiền của công ty khả quan hơn, BVS tạm thời không đưa ra khuyến nghị nào đối với cổ phiếu HAG.

>>>Xem báo cáo chi tiết

Gia Nguyên

-----------------------------------------

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 03-07/08: Đối diện với nguy cơ điều chỉnh (02/08/2015)

>   Góc nhìn 31/07: Đà tăng có vững? (30/07/2015)

>   Góc nhìn 30/07: Lui về các mốc hỗ trợ mới? (29/07/2015)

>   Góc nhìn 29/07: Nhịp tăng có được duy trì? (28/07/2015)

>   Góc nhìn 28/07: Chờ đợi mốc 640 điểm (27/07/2015)

>   “Săn” cổ phiếu nào cho tuần cuối tháng 7? (27/07/2015)

>   Góc nhìn tuần 27 – 31/07: Chờ đợi sự bùng nổ (26/07/2015)

>   Góc nhìn 24/07: Tiến đến ngưỡng kháng cự và… điều chỉnh? (23/07/2015)

>   Góc nhìn 23/07: Tiếp tục tăng hay lại điều chỉnh? (22/07/2015)

>   Góc nhìn 22/07: Khó khăn trong ngắn hạn (21/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật