Thứ Hai, 27/07/2015 21:20

NHNN đủ khả năng giữ ổn định tỷ giá

Không thể phủ nhận những rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá là không nhỏ, nhưng NHNN đủ khả năng để giữ ổn định thị trường đến cuối năm.

Đây là một nội dung trong Báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) về thị trường ngoại hối năm 2015.

Niềm tin thị trường lên cao

Theo nghiên cứu của BIDV, thị trường ngoại hối dự báo sẽ khá ổn định trong quý III, trước khi có thể xuất hiện những biến động mạnh hơn trong quý cuối năm. Tỷ giá nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao, diễn biến giằng co theo xu hướng tăng, dao động phổ biến trong khoảng 21.800 đồng-21.890 đồng/USD.

Có hai yếu tố được xác định là quan trọng nhất sẽ hỗ trợ cho sự ổn định căn bản của thị trường là vai trò điều hành tích cực của NHNN và cán cân thanh toán tổng thể duy trì thặng dư.

Dù thực hiện thông điệp không dễ dàng, nhưng sự quyết tâm thực hiện nhất quán trong chính sách điều hành tỷ giá của NHNN sẽ là một điểm cộng lớn, giúp nâng cao niềm tin của thị trường. Đồng thời, dự trữ ngoại hối quốc gia đã được cải thiện khá mạnh mẽ trong những năm vừa qua là một bệ đỡ hỗ trợ NHNN trong nhiệm vụ khó khăn này. Theo đánh giá của trung tâm nghiên cứu BIDV, NHNN hoàn toàn có thể bán ra đến 5-6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu. Vì vậy, nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn, trường hợp tỷ giá chịu sức ép cao,  thì nhiều khả năng NHNN sẽ hoàn thành mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay.

Cán cân thanh toán tổng thể, dự báo có thể tiếp tục thặng dư thêm khoảng 3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2015. Cán cân thương mại ngược lại sẽ bị thâm hụt so tình trạng nhập siêu dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong 6 tháng cuối năm nhưng mức thâm hụt sẽ chưa nới rộng thêm, xoay quanh khoảng 3-4 tỷ USD.

Xem xét cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm có thể thấy kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và linh kiện hàng điện tử tăng mạnh, và tập trung chủ yếu ở khu vực FDI. Như vậy, với lượng máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tăng nhanh trong nửa đầu năm, kỳ vọng xuất khẩu sẽ lạc quan hơn trong nửa cuối năm.

Một cơ sở lạc quan nữa là theo số liệu thống kê 4 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm so với đầu năm (bình quân 4 năm là 15,63%) thường cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (bình quân 4 năm là 11,66%). Yếu tố chu kỳ này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.

Ngoài ra, các dòng vốn khác như FDI, FII, ODA, kiều hối, … dự kiến vẫn khả quan với các yếu tố hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Các Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 sẽ tạo ra môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nghị định 60/NĐ-CP/2015 nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với sở hữu cổ phần các DN đại chúng, Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Một số các hiệp định thương mại/hợp tác song phương/đa phương Việt Nam tham gia đã và sẽ  được ký kết trong năm 2015 sẽ là yếu tố tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có bước tiến lịch sử  và  hứa hẹn có thể tạo ra một sự dịch chuyển đáng kể của dòng vốn đầu tư từ nền kinh tế số 1 thế giới sang Việt Nam. Kinh tế một số nước trong khu vực đang tạo ra lo ngại lớn đối với giới đầu tư và đây cũng được xem là một cơ hội cho kinh tế Việt Nam về thu hút dòng vốn đầu tư. Dự báo giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể đạt 6-7 tỷ USD, đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) ròng vào khoảng 400 triệu USD, giải ngân ODA vào khoảng 3-4 tỷ USD.

Không chủ quan với các rủi ro tiềm ẩn

Có thể thấy, với việc NHNN  điều chỉnh tỷ giá thêm 1% trong tháng 5, tăng mạnh lãi suất trúng thầu tín phiếu, phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách điều hành và hiện thực hóa việc bán ngoại tệ ra thị trường. Chính điều này đã giúp tâm lý lo ngại có phần được đẩy lùi. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một phần nguyên nhân là thời điểm đó, yếu tố về nhập siêu đã không còn gây “sốc” đối với thị trường và mức thâm hụt cũng được thu hẹp nhẹ, mặt khác thị trường được bổ sung một lượng cung khá lớn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Thị trường liên tục xuất hiện các dòng giải ngân lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nghiên cứu của BIDV cũng chỉ ra, mặc dù NHNN đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ vào cuối tháng 5 với việc thực hiện cam kết điều chỉnh không quá 2% đối với tỷ giá cũng như sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định thị trường nhưng các rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá là không hề nhỏ.

Do đó, với điều kiện của thị trường trong năm nay, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, tạo áp lực đối với thị trường ngoại hối là rất lớn.

Thứ nhất là cán cân thương mại vẫn có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu với 2 kịch bản. Kịch bản 1: Đà phục hồi của kinh tế thế giới yếu đi do những biến động của khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…) cũng như khu vực châu Âu (vấn đề Hy Lạp) khiến cho xuất khẩu của Việt Nam không đạt được kỳ vọng; Kịch bản 2: Kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng đột biến. Theo đó, thâm hụt cán cân thương mại có thể nới rộng lên khoảng 1 tỷ USD/tháng.

Thứ hai, khả năng NHNN không tiếp tục gia hạn Thông tư 43/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ trong năm 2016, sẽ tạo áp lực lên nhu cầu ngoại tệ để giảm dư nợ ngoại tệ trong những tháng cuối năm. Điều này khá hợp lý khi lãi suất cho vay VND đã được kéo giảm mạnh và hiện ở mức chấp nhận được đối với các doanh nghiệp, đặc biệt với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN vẫn cho thấy sự kiên định đối với kế hoạch giảm dần tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Thứ ba, một yếu tố đặc biệt cần quan tâm là thời điểm Cục Dự trữ quốc gia Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản. Với những tuyên bố gần đây, khả năng khá cao là Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất ngay trong năm 2015. Khi đó, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế tăng lên và xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ tiếp diễn, qua đó tạo sức ép gián tiếp lên thị trường ngoại hối trong nước.

Ngoài ra, tâm lý thị trường nhìn chung duy trì sự thận trọng khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ có thể tiếp tục diễn ra, đồng thời trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng có thể biến động mạnh, tác động tiêu cực đến diễn biến tỷ giá.

Diễn biến thị trường ngoại hối bên cạnh yếu tố về mặt cung-cầu truyền thống sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào thái độ và cách thức điều hành thị trường ngoại hối của NHNN.

Huy Thắng

chính phủ

Các tin tức khác

>   "Đại án" công ty Phương Nam: Đề nghị các lãnh đạo ngân hàng 5-9 năm tù (27/07/2015)

>   Bán nợ cho VAMC, ngân hàng khó rảnh rang (27/07/2015)

>   Có nên mua bảo hiểm tín dụng? (27/07/2015)

>   Sacombank hợp tác toàn diện cùng VEAM  (28/07/2015)

>   Sacombank nhận bằng khen của Thủ tướng về hỗ trợ kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (27/07/2015)

>   Bảo lãnh nhà ở dự án: Khác biệt giữa luật và thông tư (27/07/2015)

>   Lỗ của Eximbank liên quan đến Eximland? (27/07/2015)

>   Khi tín dụng tăng, lãi suất sẽ tăng (27/07/2015)

>   Nợ xấu - nhưng nợ xấu trên cái gì? (26/07/2015)

>   Tỉ giá “hại” nông sản (26/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật